Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Ý NGHĨA CÁC HÌNH TƯỢNG

1.      HÌNH TƯỢNG PHƯỢNG HOÀNG TRÊN LƯNG NGỰA.

Hình tượng phượng trên mình ngựa có thể mang ý nghĩa sau: Sự hòa hợp âm – dương : Ngựa biểu hiện cho mặt trời, dương tính; phượng biểu hiện cho bầu trời , âm tính. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ (bay cao, chạy nhanh ), gắn kết các thành tố cao quý lại với nhau, tác động tương hỗ trên- dưới ,cao –thấp, bầu trời (phượng)- mặt đất (ngựa).
1.      HÌNH TƯỢNG PHƯỢNG HOÀNG.
       Hình tượng chim Phượng: Phượng là linh vật được biểu hiện cho tầng trên. Phượng thường có mỏ vẹt, thân chim, cổ rắn, đuôi công, móng chim cứng đứng trên hồ sen. Với ý nghĩa đầu đội công lý, mắt là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, lông là cây cỏ, cánh là gió, đuôi là tinh tú, chân là đất, vì thế phượng tượng trưng cho cả vũ trụ, cho trời đất với tư cách vận chuyển cả bầu trời mỗi khi phượng hoàng bay là cả vũ trụ đang chuyển động. Khi phượng ngậm lá đề hoặc ngậm cành hoa đứng trên đài sen, nó biểu hiện là con chim của đất Phật. Tức là có khả năng giảng về đạo pháp, làm nhiệm vụ giống như các nữ thần chim: nhảy múa, hát ca chào mừng Phật pháp.
Quan niệm của người Việt Nam cho rằng phượng xuất hiện báo hiệu đất nước được thái bình. Chim phượng là loài chim đẹp nhất trong 360 loài chim. Nó có thân hình quyến rũ, kết tinh được vẻ đẹp, sự mềm mại, thanh lịch, vẻ duyên dáng của tất cả các loài chim. Chim phượng còn tượng trưng cho nữ tính, cho phái đẹp của tầng lớp quý phái.

2.      HÌNH TƯỢNG RỒNG
      Đối với các nước phương Đông, con rồng là kiệt tác sáng tạo nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Trên thực tế, rồng chỉ là sản phẩm của nghệ thuật, vì nó không tồn tại trong thế giới tự nhiên mà là sự sáng tạo nghệ thuật siêu tự nhiên. Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ lâu các nước phương Đông hình thành nên quan niệm phổ biến về con rồng, tổng hợp trong con vật linh thiêng này là trí tuệ, tín ngưỡng, niềm tin, lý tưởng, nguyện vọng, sức mạnh… Trải qua bao đời, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ ở mỗi nước phương Đông đã dần tạo cho con rồng trở thành biểu tượng cao quý và sức sống vĩnh hằng, có ảnh hưởng to lớn, ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống xã hội ở mỗi nước.
             Đối với dân tộc Việt Nam, ngoài nét chung nói trên, rồng còn có ý nghĩa riêng, đó là nó   chỉ dân tộc Việt Nam có xuất xứ từ con rồng cháu tiên. Từ câu chuyện huyền thoại chàng Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con, hình ảnh con rồng đã dần dần ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Hà Nội là thủ đô cả nước, với tên gọi đầu tiên: Thăng Long (rồng bay). Vùng Đông Bắc nước ta có Hạ Long (rồng hạ), một trong những thắng cảnh đẹp nhất nước. Đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu được làm nên bởi dòng sông mang tên Cửu Long (chín rồng). Không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, rồng còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi. Rồng là biểu tượng của sức mạnh, chính vì vậy mà các vua chúa đã lấy hình tượng rồng đại diện cho uy lực triều đình. Thời Lê, rồng trở thành bản mệnh của nhà vua. Hình tượng rồng được thêu lên tấm áo vua mặc.Trong thời kỳ đất nước ta bị lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, rồng Việt Nam chịu ảnh hưởng của những con rồng các thời Tần, Hán, Đường, Tống… và được cách điệu hóa dần dần để biến thành rồng hoàn chỉnh, tượng trưng cho uy quyền độc tôn của vua chúa phong kiến và thường được trang trí ở những nơi linh thiêng. Vào thế kỷ XI, dưới triều Lý, chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu được xác lập. Con rồng thật sự của Việt Nam đã được ra đời. Cho đến nay, rồng vẫn được sử dụng trong kiến trúc tôn giáo theo một số nét: mắt quỷ, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, miệng lang, cổ rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Và con rồng luôn là hình ảnh sâu đậm trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.
-    Có rất nhiều loại rồng, được phân chia theo màu sắc, hoặc theo hình dạng, hay phận sự của nó.
1. Phân chia theo màu sắc :
Rồng có 5 loại theo 5 màu :
- Rồng trắng : Bạch Long, chúng ta thấy nơi Bát Quái Đài Tòa Thánh có 8 con rồng trắng nằm canh giữ nơi thờ phượng trong Bát Quái Đài.
- Rồng vàng : Huỳnh Long, chúng ta thấy có 8 con rồng vàng quấn 8 cây cột nơi Bát Quái Đài, và 2 con rồng vàng quấn quanh 2 cây cột nơi Cung Đạo.
- Rồng xanh : Thanh Long, chúng ta thấy rồng xanh quấn trên 18 cây cột của Cửu Trùng Đài.
- Rồng đỏ : Xích Long, chúng ta thấy rồng đỏ quấn trên 2 cây cột dưới bao lơn trước Tòa Thánh.
- Rồng đen : Hắc Long.
2. Phân chia theo hình dáng : Có 3 loại :
- Rồng trẻ, đầu chưa có sừng, gọi là Ly Long.
- Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.
- Rồng sống được 1000 năm thì mọc thêm cánh, gọi là Ứng Long.
3. Phân chia theo nhiệm vụ : Có 4 loại :
- Thủ Thiên Cung Long : Rồng giữ Thiên Cung.
- Hành Võ Long : Rồng làm mưa.
. Rồng làm mưa gió thuận hòa gọi là Thiện long.
. Rồng làm mưa to, bão lụt gọi là Ác long.
- Địa Long : Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm, khoét hang, làm cho đất khuyết thành sông thành hồ.
- Phục Tạng Long : Rồng gìn giữ kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh Vương và của các nhà phước đức lớn.
Rồng là loài biến hoá, làm sáng được, làm tối được, làm lớn được, làm nhỏ được để có thể chun vào một cái lọ nhỏ, làm dài được để có thể quấn quanh một hòn núi.
Nhằm tiết Xuân phân, Rồng bay lên Trời, nhằm tiết Thu phân, Rồng trầm xuống vực sâu.
Tương truyền, Rồng ở đáy biển, gọi là Long Vương, có cung điện, lâu đài, có tổ chức vua, quan, và dân. Rồng làm vua, cá lớn làm quan, cá nhỏ làm dân.
Theo Truyện Phong Thần và Truyện Tây Du, bốn biển có Tứ Hải Long Vương:
Đông Hải Long Vương tên là Ngao Quảng,
. Nam Hải Long Vương tên là Ngao Thuận,
. Tây Hải Long Vương tên là Ngao Khâm,
. Bắc Hải Long Vương tên là Ngao Nhuận.
Con ngựa trắng (Bạch mã) mà Thầy Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con rồng nhỏ biến thành. Con Tiểu long nầy vốn là con của Bắc Hải Long Vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng , bị bắt treo lên chờ xử trảm. May mắn gặp Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang qua, thấy vậy thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho Tiểu long, để sau nầy Tiểu long biến hóa thành con Bạch mã đỡ chân Tam Tạng, đi Tây phương thỉnh kinh, lấy công chuộc tội. Nhờ vậy, sau nầy bạch mã biến trở lại thành Rồng, trở về Long Cung.
Có loại rồng lai với ngựa, tạo thành một con thú linh mình ngựa đầu rồng, gọi là Long mã.
      Cũng có tương truyền, rồng sống được 81 năm, đẻ trứng 10 quả, 1 trứng nở ra rồng(theo quan niệm của Việt Nam)-Con Rồng có chín đặc điểm quan trọng:
 + Thân của rắn,
 + Vẩy của cá chép,
 + Đầu của lạc đà,
 +Sừng của hươu,
 + Mắt của thỏ (hoặc của giống quỷ),
 + Bụng của con sò thần,
 + Gan bàn chân của hổ,
 + Móng vuốt của đại bàng,
 + Trên trán có gò nổi lên gọi là Xích Mộc.
-   Ngoài ra còn có nhiều đặc điểm để con Rồng thành tối linh toàn hảo:
+ Tai của bò,
+ Mũi và bờm sư tử,
+ Hai sợi râu dài hai bên mũi, chòm râu dưới cằm, có 81 vảy dương và 36 vảy âm, mỗi chân có 5 móng.
Thiếu những điều ấy, rồng vẫn là rồng, nhưng không phải là loài rồng tối thượng. Và khi con rồng xuất hiện, sẽ cuộn mình chín khúc, trước miệng có hạt châu.

Rồng ở trên trời, dưới biển, trong lòng đất, dưới đáy sông hồ vực thẳm, trong giếng sâu, ngoài đồng rộng. Rồng hóa mây mù sương tuyết, phun mưa vẫy gió, quẫy sóng nổi lửa. Mưa trên trời do rồng phun nước, núi lửa dưới đất do rồng phun lửa, động đất cũng do rồng quẫy đạp.

Rồng đứng đầu trong tất cả các giống linh thú, thần thú, trên trời, dưới biển, mặt đất, sông hồ. Rồng đứng đầu Tứ linh : Long - Lân - Quy - Phượng. Ba giống sau là tượng trưng cho quyền năng của loài thú trên mặt đất (Lân), của loài thủy tộc (Quy), của loài chim trời (Phượng), còn Rồng bao gồm tất thảy.

Rồng đứng đầu trong tứ tượng của bốn phương vũ trụ: Thanh long - Bạch hổ - Chu tước - Huyền vũ, là Thần chủ phương Đông, gồm tám chòm sao: Giác - Cang - Đê - Phòng - Tâm - Vĩ - Cơ. Rồng là biểu tượng của vua, con rồng hoàn hảo chỉ dành cho vua, cho bầu trời, cho Thượng đế. Ngay những vị thần cũng không được mang hình con rồng tối thượng đó.

Tương truyền, rồng sống được 81 năm, đẻ trứng 10 quả, 1 trứng nở ra rồng (theo quan niệm của Việt Nam ) còn chín con với hình dáng và sở thích hoàn toàn khác nhau. Các con của rồng được dân gian sử dụng làm linh vật trang trí ở những vị trí, những vật dụng với những ngụ ý đặc biệt khác nhau.
Các con này đều có mình rồng nhưng rất dễ nhận biết, do sự khác nhau về vị trí của chúng.
(Nếu xem nhiều phim Trung Quốc cổ trang, mọi người chắc thấy ngay đủ mấy con này).
+Bị hí :
Tên khác là( bá hạ, bát phúc, thạch long qui) là con trưởng của rồng - linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Bị hí ưa đội nặng, lại có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá...
+Li vẫn:
Còn gọi là (si vẫn) - con thứ hai của rồng, là linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn, thích coi giữ, thích ngắm cảnh nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài...
Biến thể của li vẫn là con cù, mỗi khi nó vẫy đuôi là có mưa và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được tạc trên nóc điện, chùa ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình.
Nếu bạn nào tới đền Ngọc Sơn , có thể nhìn thấy Li vẫn ở ngay trên nóc đền. (đang ngắm cảnh Hồ Gươm)
+Bồ lao :
Con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn, là loài vật ở biển. Khi giao chiến với cá kình thì kêu lên rất to. Trong tiếng H án, “ cá Kình’’ đồng âm với “chuông’ nên Bồ lao thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn.
+Ngạn bệ:
Còn gọi là( bệ lao, hiến chương) là con thứ tư của rồng, có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, ngạn bệ rất thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.
+Hiệu xan:
Con thứ năm của rồng, là linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ. Hiệu xan tham ăn vô độ, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống, tránh hư hỏng món ăn.:037:
Biến thể là hổ phù mang ý nghĩa cầu lửa và giữ lửa.
+Công hạ:
Con thứ sáu của rồng, là linh vật thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè... với mong muốn công hạ luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ muôn dân.
+Nhai tỳ
Con thứ bảy của rồng - là linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh, thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm, xà... ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.
+Toan nghê:
Kim nghê trên lò trầm hương (còn gọi là kim nghê) - con thứ tám của rồng - linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút. Toan nghê được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.
+Tiêu đồ:
Con thứ chín của rồng (còn gọi là phô thủ)  là linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu đồ được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.
Ở Trung Quốc còn quan niệm con thứ mười của Rồng là con Tì hưu, tương truyền nó không có hậu môn, chỉ ăn tiền bạc.
Việt Nam, cũng có tục thờ Tỳ hưu, ngụ ý tiền vào được mà không ra được.
Rồng có nhiều biến thể (kiểu như pokemon). Ngoài các con nói trên, gia đình rồng còn có một số linh vật khác như: tù ngưu - linh vật giỏi về âm nhạc; trào phong - linh vật được gắn trên nóc nhà ngụ ý chống cháy và thị uy kẻ xấu (giống li vẫn); phụ hí - linh vật bảo vệ bia mộ.
3.      HÌNH TƯỢNG CON RÙA
     Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc. Nó có thể nhịn ǎn uống mà vẫn sống trong một thời gian dài. Rùa không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là một con vật thanh cao, thoát tục. Trên bàn thờ ở các đền chùa, miếu mạo, chúng ta thường thấy rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh thơm ngát và thanh tịnh. Rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam chứng tỏ rùa là loài vật chuyển tải thông tin và văn hóa. Tuy không phải là con vật của Phật giáo, nhưng rùa cũng là biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo. Trong một số ngôi chùa thời Lý - Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mõm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. 82 tấm bia đã ghi tên tiến sĩ đỗ đạt được đặt trên lưng rùa, một con vật biểu hiện sự trường tồn, hiện còn lưu giữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội là bằng chứng hùng hồn biểu hiện nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Qui sống trên 5000 năm thì gọi là Thần Quy.
Thần Kim Quy là con Thần Quy mình vàng.
Qui sống trên 10 000 năm được gọi là Linh Quy.
Tương truyền, rừng nào có Thần Quy ở thì rừng ấy không có cây cỏ độc hại, không có các loài thú độc như : Rắn, rít, beo…

4.      CON LÂN
     Cũng gọi là Kỳ Lân, vì con đực được gọi là Kỳ, con cái gọi là Lân. Lân có hình giống như con hươu nhưng lớn hơn, mình có vảy, đuôi giống đuôi trâu, chân giống chân ngựa, miệng rộng, mũi to, đầu có một sừng, lông trên lưng có 5 màu, lông dưới bụng chỉ có màu vàng, tánh rất hiền lành, không đạp lên cỏ tươi, không làm hại các sanh vật, nên được gọi là Nhân thú (con thú có lòng nhân từ).
Vua chúa nào là người nhân thì được gặp Kỳ Lân.

5.      HÌNH TƯỢNG CON HẠC :
     Ở Việt Nam hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu…, hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý và thanh cao. Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.
Chim hạc còn gọi là đại điểu là con chim của vũ trụ, của tầng cao, báo hiệu sự chuyển mùa, đại diện cho thế lực siêu nhiên từ trời cao mang tới.
Trong hình tượng trang trí, hạc có kích thước lớn, cao với ước mong phát triển của con người; mỏ dài, nhọn như mũi tên của sự vận động; đôi khi nó ngậm ngọc minh châu biểu trưng cho sang quý, hoặc khi ngậm hoa sen thì biểu trưng cho giác ngộ.
Trên đầu hạc thường đội đèn nến thể hiện sự tôn thờ ánh sáng chân lý, ánh sáng giác ngộ, xua đi bóng đen đêm tối.
Thân hạc hình khum, tượng trưng cho bầu trời, chân cao như chột chống trời.

6.       HÌNH TƯỢNG CON NGHÊ.
     Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ.Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao?. Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ.Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ. Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. (Truyện cổ cũng thường nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” – Xin đọc: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc,Truyện cổ nước Nam).
     Rồi để bầy trước điện thờ, hay bàn thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu, chó đá hoá linh.Chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.
Con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh) đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây)… chẳng hạn.
Vậy con Nghê là một linh vật thuần Việt, được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Con Nghê thường được thấy qua các món đồ gốm, mà có thể được giới thiệu tiêu biểu dưới đây.
      Vài hình tượng con Nghê tiêu biểu:
Tượng con Nghê: dựa trên nước men, màu men, chất đất ta có thể định rằng đây là một tác phẩm đời Lý (thế kỷ XI - XII). Con Nghê này cao độ 36cm, bàng đất nung, phủ men nâu, nét tô đắp cực kỳ tinh xảo, con Nghê trông sống động, oai vệ, tưởng chừng như có thể phóng lên xua đuổi tà ma ngay tức khắc. Mặt Nghê ngắn.Mình Nghê thon dài, rất thanh tú.Cổ Nghê đeo dây lục lạc có tua, cổ ngửng thẳng.Lông trên sống lưng dựng đứng như một hàng kỳ, chạy suốt từ đỉnh đầu xuống đến đuôi. Chân Nghê thanh nhưng thẳng và mạnh, chân sau ở thế ngồi bắp thịt đùi trông rắn chắc mạnh mẽ, hai chân trước chống cao, chỗ đầu gối có lông xoắn cong. Mắt to, miệng lớn, mũi lớn, miệng Nghê hơi hé mở để lộ những răng nanh nhọn hoắt, như sẵn sàng xua đuổi tà ma. Tai Nghê lớn. Lông Nghê mượt sát vào mình với những đường khắc, uốn từ sống lưng xuống phía bụng, trông như vằn chó.
      Nậm rượu hình con Nghê: chúng tôi xin đưa ra hình hai nậm rượu hình con Nghê, một mầu nâu, một mầu đen. Nghê với hình dáng và thế ngồi cũng như mô tả ở trên, tuy rằng các chi tiết không sắc sảo bằng.Nghê ngồi trên một bầu rượu có dáng trên tròn dưới ống. Mình Nghê rỗng, trên lưng Nghê có vòi loe để chuyên rượu vào (nắp đậy chỗ này không còn, nên ta không biết nắp cũng làm bằng đất sét nung hay bằng gỗ hoặc lá cuộn). Rượu được rót ra từ vòi dài đi từ thân nậm, tựa như cọc với dây xích buộc Nghê.
     Bình trầm hương hình Nghê: màu men, nước men, chất đất, độ nung của các bình hương này cho thấy đây là các tác phẩm làm thời Chu Đậu (thế kỷ XVI - XVIII) chứ không phải đồ đời Lý hay đời Trần. Bình hương gồm hai phần, phần dưới là một hộp nhỏ hình chữ nhật, đây là chỗ bỏ trầm vào đốt. Phần trên là nắp. Nắp là con Nghê ngồi trên một mặt phẳng đậy vừa kín phần dưới. Mình Nghê rỗng nên khi đốt trầm khói từ phần hộp phía dưới, luồn trong mình Nghê rồi bay ra từ miệng Nghê đang hơi khẽ mở, trông rất oai nghiêm.Vì trầm được đốt trong hộp kín phía dưới mà chỉ có thể thoát khói ra khỏi miệng Nghê nên cháy rất chậm, vừa toả đủ khói hương để mang đầy vẻ linh thiêng mà vẫn cháy lâu cả buổi.
     Cũng có một số bát hương làm vào khoảng thế kỷ XIII, XIV với hình chó thay vì hình nghê.Đây là các bát hương có dạng nửa tô, nửa đĩa, với tượng chó ngồi ở chính giữa bát hương.Thẻ hương được đặt ngang thành bát, gác lên đầu chó.
     Loại khác gồm hai phần, phần dưới chắc cũng dùng để đốt trầm, khói bay luồn trong tượng chó ngồi ở giữa rồi tuôn ra miệng chó. Khi không đốt trầm, cây hương cũng được đặt gác lên đầu chó.
     Trong tứ  linh  ” Long, Lân, Qui, Phụng” , con nghê biểu tượng thuần Việt đã thay thế con Lân do vậy tứ  linh thú của người Việt là ” Long, Nghê, Qui, Phụng”. Xem thêm bài về hình tượng con nghê.


7.       HÌNH TƯỢNG CON HỔ:
Hổ được gọi là ông ba mươi vì quan niệm rằng hổ sống khoảng 30 tuổi.
Hổ được coi là môn thần (thần cửa) của con người, Người ta thường dán tranh hổ ở của ra vào , vào dịp Tết để trừ tà ma.
Hình tượng của hổ không thể thiếu trong di tích, thường có mặt ở chính điện; trên bình phong trước cửa ra vào’ hoặc hai bên miếu nhỏ của di tích với much đích bảo vệ và canh giữ.
Hổ là mãnh thú bảo vệ thần Phật , không bảo vệ con người.
-Ban ngũ hổ gồm Thanh hổ canh giữ mùa xuân, phương Đông
-Bạch hổ canh giữ mùaThu, phương Tây.
- Hắc hổ canh giữ mùa đông, phương Bắc.
-Xích hổ canh giữ mùa hè, phương Nam.
- Hoàng hổ canh giữ vị trí trung tâm, 4 phương.

8.        HÌNH TƯỢNG CON GÀ.
     Dán tranh gà trống ở cửa ra vào, vào dịp Tết với tưc cách là môn thần để trừ tà ma, bảo vệ cho gia chủ. Con gà xuất hiện trong mâm cúng của người dan, biểu hiện tục thờ lửa thiêng của con người. Gà biểu trưng cho mong muốn đạt được năm cái đức của người quân tử: văn, vũ, dũng, nhân, tín.

9.       CON CÓC.
     Trên trống đồng Đông Sơn, thể hiện sự điềm tĩnh, nghiêm nghị của bậc quân tử và của nhà nho (với cái bụng to chứa nhiều chữ). Cóc còn biểu trưng cho thế lực siêu nhiên có thể điều khiển được cả trời. Hình tượng cóc là hình tượng để cầu nước cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp.

1    CON DƠI:
     Con dơi giống hình chữ “Phúc” trong chữ Hán. Dơi biểu trưng cho sự lưỡng tính, sự giao thoa giữa ngày và đêm, sự hoà hợp giữa âm và dương. Thường xuất hiện ở cửa ra vào với mong muốn cầu phúc, hoà hợp âm dương. Dơi thường được tạcc năm con (ngũ phúc) : phú, quý, thọ, khang, ninh.

1    CON VOI (voi đứng ở Huế, voi quỳ trong các đền thờ thánh thần ở miền Bắc).
     Voi là phương tiện để thánh thần và vua chúa tuần du xẽmét nhân thế, Trong Phật giáo, voi biểu trưng cho chân lý tuyệt đối, biểu tượng cho phẩm hạnh của bồ tát, từ bi, cứu độ.

NGỰA : biểu trưng cho lòng trung thành tuyệt đối, sự trung thực thẳng thắn. Thần ngựa hướng vè ánh sáng, nên các đền thờ Mã Thần thường được xây ở cửa ngõ phía Đông ra vào kinh đô (ở Hà Nội có đền Bạch Mã trấn phía Đông).
Thờ ngựa thể hiện mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa người và thần linh để những lời xin sẽ nhanh chóng đến với thần.
1    LỢN.
Cầu giàu sang, no đủ, hiền lành, bình yên, biểu trưng cho mong muốn phát triển thịnh vượng, yên ổn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét