Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

DÂN TỘC Ê ĐÊ


DÂN TỘC Ê  ĐÊ

I.                  ĐẶC ĐIỂM CHUNG:

Người Ê Đê cư trú ở miền trung Tây Nguyên từ rất lâu đời(điều này đã được ghi trên bia ký của người Chăm),có khoảng 270 000 người sống chủ yếu ở Gia Lai , Phú Yên, Khánh Hòa,nhưng nhiều nhất vẫn là ở Đăk Lăk. Người Ê Đê có nhiều nhóm người địa phương khác nhau như:Ê ĐÊ KPĂ, ADHAM, M’DHUR, K’TUL, BLÔ, K’RUNG, BIH, ÊPAN,H’WING, DLIÊ RUL, KAH, KDRAO, DONG MAK, Ê NING,ARUL… nhiều nhóm được nhắc đến trong thư tịch trước đây nhưng đến nay không còn được nhắc đến nữa. Số nhóm địa phương đã ít đi và sự phân biệt đã phai nhạt dần. Với trên 30 dòng họ khác nhau định cư rải rác trong gần 600 buôn thuộc các huyện như : CƯ M’GAR, K’RONG PÁCH, M’DRĂK, K’RÔNG BÔNG, K’RÔNG BUK, EA HLEO, K’RÔNG H’NĂNG, EA KAR, LAK, KRÔNG ANA, thành phố Buôn Ma Thuột, và một số ít ở các huyện CƯ JUT, BUÔN ĐÔN,EA SÚP…

Người Ê ĐÊ thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlinêxia (ngữ hệ Nam đảo).Họ tự gọi mình là “ANAK Ê ĐÊ” (người Ê ĐÊ) những dân tộc xung quanh gọi họ là  RAĐÊ nhưng không phổ biến nên Ê ĐÊ trở thành phổ biến cho một tộc danh. Tộc danh này được giải thích là thuật ngữ chỉ những người sống trong rừng tre,( Ê TÊ hay Ê ĐÊ) hoặc tộc danh đó là một tên gọi của một vị thần tối cao trong tín ngưỡng dân gian là  AE, DIE …(Và còn nhiều cách giải thích khác nữa). Là ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với tiếng Gia rai, Chăm, Malaisia, Inđônêsia, Philipin, tiếng Ê đê ngày nay phát triển 1 âm tiết đơn lập. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng tiếng Môn-khmer, Khmer, Lào, Việt ,Pháp. Trong lễ hội họ vẫn sử dụng tiếng Ê ĐÊ kpă (Ê ĐÊ  gốc). So với các dân tộc ít người khác tại Việt Nam, người Ê Đê là sắc dân có chữ viết theo bảng chữ cái La tinh khá sớm, người Ê ĐÊ có chữ viết từ thập niên 1920.


II.               SINH HOẠT KINH TẾ:

1. Nông nghiệp :

Trong nông nghiệp truyền thống,do sống ở Tây Nguyên nên Rẫy( HMA) chiếm vị trí trọng yếu và là nguồn sống chính. Ruộng nước chiếm một tỷ lệ không lớn lắm chỉ có ở vài nơi,đặc biệt là ven các vùng sông suối, hồ…chủ yếu là người BÍH làm theo lối cổ sơ dùng đao canh hoả chủng nói chung người Ê ĐÊ thường làm rẫy ở các khu vực đất bằng phẳng gần nguồn nước. Riêng ở phía Tây, rẫy được làm trên các rừng xavan gọi là HMA H’DRAH. Còn ở vùng trung tâm, rẫy được làm trên các đồi tranh. Khi khai phá, đồng bào coi trọng việc quan tâm bảo vệ rừng tránh tình trạng làm tất cả trở thành đồi trọc và hủy diệt giun đất. Bên cạnh những rẫy đang canh tác thì vẫn còn những vạt đất còn những vạt đất còn nhiều cây ( họ coi đó là cách chống xói mòn đất đồng thời cũng là để khai thác lâu dài).

Phát rẫy là công việc chính đầu tiên khi khai phá nương rẫy vào khoảng tháng 4 bằng cách đốt những cây khô rồi sau đó dọn và cuốc đất rồi cuối cùng là chọc lỗ và tra hạt( đao canh hỏa chủng). Trên rẫy lúa là cây trồng chính nhưng trước kia cây Bao (một loại kê) được trồng phổ biến. Dù rẫy bằng hay rẫy dốc thì người ta hay dùng gậy chọc lỗ để tra hạt do từng cặp nam nữ tiến hành. Khoảng cách giữa các lỗ phụ thuộc vào độ phì nhiêu của đất nhưng nói chung các hốc cách nhau khoảng 0,20× 0,20 m hay 0,30× 0,30 m , hốc có độ sâu từ 0,03 đến 0,05 m. Ngoài lúa, trên rẫy đông bào Ê ĐÊ còn trồng cả ngô, khoai, bí, dưa, ớt, thuốc lá, bông… ngô và khoai lang cũng được trồng trên những mảnh rẫy riêng. Các hốc  ngô cách nhau 0,80 × 0,80 m ,mỗi hốc có 3 cây. Khoai lang trồng ngay trên đất bằng ít khi đánh luống. Riêng các loại hạt giống bầu,bí, dưa,bông thì được trộn cùng với lúa giống để gieo một lúc hoặc để riêng để gieo vào những chỗ có nhiều tro. Việc xen canh các cây trồng với cây lúa không những tận dụng được đất đai mà còn có thêm sản phẩm và thuận tiện cho việc chăm sóc. Đối với các rẫy bằng người Ê ĐÊ thường đào hào xung quanh ngăn cản thú rừng cào phá hoại hoa màu, họ còn đặt một số bẫy thú xung quanh, trên rẫy thì đặt bù nhìn và mõ( nhờ sức gió tạo âm thanh) để xua đuổi chim muông.

Cách sử dụng đất đai của hầu hết các dân tộc Tây Nguyên nói chung mà Ê ĐÊ nói riêng là luân khoảnh tức là bên cạnh những mảnh đất đang canh tác có những mảnh đất bị bỏ hoang trong thời gian dài để khôi phục độ màu mỡ của đất. Tùy thuộc vào chất đất mà có thể canh tác liên tục theo chu kỳ 5 , 10, 15 hay 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Rẫy làm liên tục nhiều năm sẽ bị bạc màu và có nhiều màu. Nhưng rẫy của đồng bào Ê ĐÊ là rẫy cuốc nên không có cỏ nhiều. Nhưng ngày nay đồng bào đã biết bón phân hóa học nên đã giảm bớt số rẫy luân khoảnh và yêu cầu định canh thâm canh. Người Ê ĐÊ còn gắn mình với sản xuất cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao…

Cùng với việc canh tác trên rẫy từ lâu nông nghiệp nước đã xuất hiện ở vùng hồ Lak, ven các con sông Knô và Ana. Tại các ruộng nước họ dùng phương pháp đao canh thủy nậu tức là khi có mưa phù sa thấm nước nên mềm hơn bấy giờ họ đưa đàn trâu đến quần cho cỏ dập nát và vùi xuống sâu, bùn nhuyễn ra. Đó là phương pháp canh tác đơn giản nhất trông lịch sử nông nghiệp. Nhưng việc đắp bờ giữ nước ít được chú trọng. Lúa nước cũng có nhiều loại tẻ, nếp, dài ,ngắn ngày khác nhau. Khi gặt thì phơi lúa ngay trên gốc rạ rồi vò dần lấy thóc đem về.

Cách thu hoạch rất đơn giản,lúa tẻ thì suốt bằng tay,bỏ vào cái giò đeo ở ngang hông,lúa nếp thì dùng liềm gặt rồi bó thành cụm mang về, khi cần mới vò lấy hạt, cũng có giống lúa tẻ phải dùng liềm gặt, họ cắt thành từng nắm phơi trên rẫy  ít lâu  rồi đánh đống lại khi cần mới vò lấy hạt. Khi thu hoạch người ta chọn những hạt to,mẩy làm hạt giống (giống BLAMA ) hầu hết các giống lúa rẫy đều là những giống lúa sinh trưởng dài ngày phù hợp với lối canh tác thô sơ trên đất khô.

Công cụ làm rẫy cũng như ruộng của người Ê ĐÊ thường giống nhau và ít kiểu loại nhưng cũng rất độc đáo. Phổ biến là rìu, chà gạc, wăng briêng, cuốc, wăng wít, gậy chọc lỗ, ống đựng thóc, tra hạt, cào,gùi, giỏ suốt lúa…
-                           Rìu có cùng một kiểu loại với rìu của các dân tộc ở nước ta dung để chặt cây, phát rẫy, làm nhà, làm dụng cụ gia đình.
-                           Chà gạc (Kgă) là một lưỡi dao thép tra dựng đứng vào gù một cái cán cong bằng lồ ô đặc. Chà gạc dùng trong sản xuất, chiến đấu, xây dựng nhà cửa và cũng là một công cụ của nhà bếp.
-                           Wăng briêng là một loại cuốc lưỡi sắt nhỏ, hình trăng lưỡi lèm, tra vào cán gỗ cong, dùng để xới đất. Hiện nay, đồng bào dung cuốc bản ( gọi là wăng cuốc) để xới đất, phần nhiều đã được thay thế công cụ truyền thống: wăng briêng. Để thích hợp với kinh nghiệm sản xuất của mình, đồng bào cắt hai gốc của rìa tác dụng lưỡi cuốc bản làm cho lưỡi cuốc đó gần giống lưỡi cuốc truyền thống.
-                           Wăng wít là cái nạo cỏ rẫy, lưỡi sắt, được bẻ gập va vạn vỏ đỗ, một đầu cắm vào cán gỗ. Đối với người Ê đê, cuốc đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, khiến có thể nói rằng, hình thái nông nghiệm cuốc đã tồn tại ở họ.
-                           Cào cỏ (hwar) là một thân tre nhỏ, dài khoảng 1m50, một đầu trẻ làm 6 hay 8 nan, đan xoè hình giẻ quạt, khi cào thì đứng.
-                           Ống đựng thóc tra lúa (đing nuh) là một khúc lồ ô dài khoảng 0,80m.

Mặc dù phương pháp canh tác thô sơ,công cụ giản đơn nhưng do đất đai màu mỡ và được làm đúng thời vụ nên thu hoạch được một khối lượng nông sản đáng kể.

Người Ê đê không tính theo lịch dương, lịch âm mà dựa vào sự vận động của mặt trời (ngày), mặt trăng (tháng) và mùa rẫy (năm). Tuy vậy người ta vẫn chia 1 năm thành 4 mùa (yan) có tên gọi : yan mnga (mùa xuân), yan mhang(mùa hạ), yan mjao(mùa thu), yan puit(mùa đông). Còn thời tiết diễn biến theo thực tế thì chỉ có 2 mùa khô (tháng 1-4 năm sau) và mùa mưa(tháng 5-10).Người ta định lịch làm ăn 1 năm là 12 tháng (mlan)theo 12 lần trăng.Ví dụ : tháng 1 của người Ê đê tương ứng với tháng 4 dương lịch.

So với phương pháp trồng trọt nguyên thủy :phát, đốt tràn lan ,tiện đâu làm đó thì cách canh tác rẫy theo chế độ luân khoảnh có nhiều ưu điểm hơn nhưng vẫn là một lối quảng canh chưa đi vào thâm canh tăng năng suất, vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên.

2.chăn nuôi:

Chăn nuôi ở gia đình được chú ý phát triển. Đa số đồng bào nuôi gà,vịt, ngan, ngỗng, lợn, dê, trâu, bò, và một số út gia đình giàu có nuôi cả voi. Hầu hết các gia đình có đàn gia cầm nhiều con,hàng chục đầu lợn. Việc chăn nuôi gia súc gia cầm là để có thực phẩm dùng trong ma chay, cưới hỏi và cúng bái. Theo quan niệm của người Ê ĐÊ hiến sinh nhiều súc vật trong các nghi lễ là vinh dự trọng đại,là mục tiêu mà người ta cần đạt tới để khẳng định vị trí xã hội của mình. Trâu,bò càng được chú  ý nuôi nhiều vì đó là đặc trưng cho sự giàu có và là vật định giá trong mua bán cồng chiêng, ché, cho nên xưa kia có những gia đình lớn nuôi hàng trăm con. Voi cũng là đặc trưng quan trọng của sự giàu có. Người có voi được coi là có số làm ăn. Voi dùng để vận chuyển và làm sức kéo đồng thời cũng là vật định giá trong mua bán trao đổi những tài sản lớn.

3.Nghề Phụ:

3.1.hái lượm và săn bắn:

Do có điều kiện thuận lợi nên cách đây không lâu, hái lượm và săn bắn còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của người Ê ĐÊ. Đồng bào lấy rau rừng,  mật ong, hoa quả ,tre gỗ làm nhà và dụng cụ gia đình. Săn bắn chim thú cũng đem lại một số lượng thịt đáng kể. Ở nhiều nơi đồng bào có thịt chim thú ăn gần như quanh năm.Nhưng hiện nay người dân đã biết trồng trọt, chăn nuôi tại gia và diện tích rừng và số lượng động thực vật cũng giảm dần nên việc săn bắt hái lượm đã ít đi.

Người Ê đê có nhiều cách săn bắn.Săn tập thể do Ava Gắp - người đứng đầu nhóm săn bắt chỉ huy.Người ta chỉ săn đêm khi có đèn săn, tổ chức vây khu vực chắc chắn có thú, bố trí người lùa 3 phía để 1 phía chặn đầu đón lõng, bắn nỏ. Đây là lối săn vây. Còn cách săn đuổi thì có 1 tốp người đuổi thú làm ầm ĩ, gõ mõ, đập dao, kêu la, làm cho thú hoảng hốt chạy theo lối đã định và cũng có tốp đón, bắn nỏ. Thời xưa còn có cách sắn nữa là đốt lửa 1 khu rừng nhỏ,lùa thú ra người săn phục sẵn ở bìa rừng. Nhưng lối này nay ít dùng vì hiệu quả không lớn dễ gây cháy rừng.

Phân chia thú rừng : người bắn trúng con mồi được phần lướn nhất : đầu, thân, bộ lòng (tim, gan, phổi...), mọi người đi săn được phần bằng nhau,người bắn trúng cũng được một xuất chung này.

3.2. đánh cá:

Đánh cá cũng đem lại nguồn lợi không nhỏ ở những vùng gần hồ, sông,suối… nhiều gia đình không những có cá ăn quanh năm và còn có cá sấy khô để đổi lại muối, vải, lụa… săn bắn và đánh cá là những hoạt động được ưa thích đồng thời biểu hiện tài năng của nam giới( những người giàu kinh nghiệm về mặt này luôn có niềm vinh dự trong làng)

3.3.nghề thủ công:

Hoạt động của các nghề thủ công tuy chưa tách khỏi kinh tế nông nghiệp nhưng đã làm ra những sản phẩm cần thiết. Xưa kia,khi giao thông chưa thuận lợi,sự trao đổi hàng hóa bị nhiều hạn chế nên công cụ sản xuất và đồ dùng phần lớn là đồng bào tự làm lấy.Phần lớn người dân tự làm đồ đan lát, bát đồng, đồ gỗ, đồ trang sức, đồ gốm…Nghề rèn có thể  làm lười rìu, chà gạc , các loại lưỡi cuốc ,mũi lao dùng cho săn bắn. Người ta còn làm được đồ trang sức bằng đồng,làm đồ gia dụng bằng tre,dệt chiếu,dệt và nhuộm vải… một vài nơi còn có nghề làm nồi đất để nấu cơm làm âu đựng thức ăn. Nhưng hiện nay ột số nghề thủ công đang mai một dần (như gốm, dệt) ,một số nhóm nghề khác ( rèn, đan lát,đồ gỗ) vẫn còn tồn tại và đóng vai trò quan trọng trong đời sống ở địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ê ĐÊ : để tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp thì sợi bông chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu. Xưa kia bông thường được trồng ở khắp nơi trên đất của đồng bào Ê ĐÊ ; đất rẫy, đất thổ, gieo hạt vào tháng 2, 3 thu hoạch vào tháng 6, 7 hàng năm. Công đoạn sơ chế gồm nhặt bông, cán bông, lăn con cúi, kéo sợi, chế biến sợi, nhuộm màu, cuối cùng là mắc sợi chỉ vào khung dệt dụng cụ dệt vải là những bộ phận rời go dài trên 1m để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Khi dệt họ ngồi trên nền đất, 2 chân duỗi thẳng đạp lên 1 thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt, tất cả các đầu sợi được gộp lại buộc vào cây cột nhà hay một gốc cây. Khi dệt người thợ dùng chân và lưng của mình làm căng dàn sợi, 1 tay giật co, 1 tay giật thoi. Trong quá trình luồn sợi chỉ vào khung dệt, để tạo hoa văn người dệt sắp xếp trật tự màu sắc của sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí được lựa chọn. Chính vì dệt thủ công nên thời gian hoàn thành sản phẩm rất lâu thậm chí kéo dài tới vài tháng. Những hoa văn trên nền vải có nhiều mô típ liên quan đến động vật và thực vật. Đó là: chim dang cánh, bọ cạp ấp con, trứng thằn lằn, bầy ong bám cành cây, trứng chim đại bàng...Bên cạnh những hoa văn đó, là những hoa văn phản ánh sinh hoạt kinh tế: hoa ngô, hột dưa, cần uống rượu, con chỉ, đuôi mũi tên...Và cũng có những hoa văn liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng như dây treo chiêng, cột nhà mồ, mặt trăng. Phần lớn hoa văn trên nền vải là những đường hình học. Màu trang trí của hoa văn nổi bật nhất là màu đỏ, thứ đến là màu trắng đục, nâu tươi, vàng óng, vàng úa, xanh lá cây, xanh nước biển, xanh rêu cau.

Nghệ thuật điêu khắc của người Ê đê nay còn rất ít, chủ yếu là chạm khắc tượng nhà mồ, cầu thang, cột . Họ chạm khắc bằng các công cụ rất thô sơ như chà gạc, wăng wit, rìu…Trên các xà ngang của các nhà giàu hiện còn chạm khắc rất nhiều hình các con vật như rùa, kỳ đà,voi… do ngày xưa người Ê đê sống ở gần biển (đảo) nên họ chạm khắc các con vật này để lưu giữ lại truyền thống xa xưa, đây cũng là một trong những yếu tố còn lại của biển của người Ê đê. Hình khắc đôi bầu vú xuất hiện hầu khắp trong nhà của người Ê đê thể hiện uy quyền của người mẹ trong gia đình, đồng thời biểu trưng cho chế độ mẫu hệ của người Ê đê.Còn hình vầng trăng khuyết khắc trên bậc thang và các đôi cột là để thể hiện sự mong muốn sự đầy đủ, đi lên, người Ê đê không khắc vầng trăng tròn bởi nếu đã trăng đã tròn thì sau đó sẽ khuyết dần rồi đi xuống vì vậy người ta luôn khắc hình trăng khuyết.Trên các cột nhà ta cũng thấy các hình cây cỏ thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên.Ngày xưa người Ê đê có tục chôn nô lệ theo hầu người chết (đối với nhà giàu) nhưng sau đó thay bằng tượng nhà mồ với ý niệm về việc cần phải có người theo hầu người chết sau đó ý niệm này không còn mà thay bằng ý nghĩa trang trí xung quanh nhà mồ nên việc thể hiện hình tượng và nội dung các bức tượng cũng phong phú và đa dạng hơn.Phong cách của các bức tượng này một số thể hiện tính chất hoạt động và trần thuật, một số thể hiện tính gợi tả và sống động như tượng Phụ nữ giã gạo ở easol – eahleo – Đak lak – Bảo tàng Dak lak, tượng người đánh trống cao 94 cm ở Phú Yên – bảo tàng Mỹ Thuật, tượng múa trống cao 61 cm Phú Yên – Bảo tàng Mỹ thuật…

Do có 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa nên hoạt động kinh tế cũng theo từng mùa. Trước đây vào mùa khô bên cạnh việc làm nghề thủ công thu hái, săn bắt tổ chức các nghi lễ gia đình … vào mùa mưa hoạt động nông nghiệp là chính và trong mỗi tháng họ phân chia công việc làm cụ thể:

Ví dụ:   -Mlan sa      (tháng giêng) :phát rẫy,dệt vải,ăn tết Mnăm thun
-Mlan dua    (tháng hai)     :phát rẫy , dệt vải ,ăn tết bỏ mả
-Mlan tlao    (tháng ba)      :                   - nt –
-Mlan pa       (tháng tư)      :đốt và dọn rẫy
-Mlan ema    (tháng năm)   :dọn rẫy ,xới đất, tria lửa
-Mlan năm  (tháng sáu)   :trỉa lúa
-Mlan kjuk  (tháng bảy)   :trỉa lúa,làm cỏ lúa
-Mlan sopăn (tháng tám)  :làm cỏ phát và cuốc rẫy mới

III.Văn hoá vật thể:

1.Kiến Trúc :

Người Ê đê sống trong các ngôi nhà dài thậm chí có thể kéo dài tới hàng trăm mét, nhưng hiện nay chỉ còn nhà dài khoảng 30,40 m. Độ mươi nóc nhà quần tụ hai bên con đường tạo thành một buôn (làng). Ngôi nhà dài của người Ê đê là nhà sàn, làm bằng các nguyên liệu sẵn có của núi rừng : khung nhà bằng gỗ, xương mái và sàn nhà bằng tre nứa, mặt sàn và vách ngăn bao quanh bằng nứa, mái nhà lợp tranh (gần đây lợp tôn).

Nhà ở của người Ê đê có đòn nóc làm theo hướng Bắc-Nam, tránh gió Đông-Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa, đồng thời tránh gió thổi vào bếp khách gây cháy nhà,khác với nhà mồ của họ dựng theo hướng Đông-Tây, một sood nhà có mái nhỏ ở hai đầu hồi che cột hiên. Mái nhà dài nằm cắt ngang đường đi của mặt trời nên tránh được giờ chiếu nắng cao nhất trong ngày. Phên dựng ở hai đầu hồi thẳng đứng, còn phên ở dọc  theo chiều dài nhà thì ngả ra hai bên, nên  nhìn từ xa ngôi nhà có hình dáng một cái thuyền.

Khi nói tới chiều dài thì đồng bào nói tới số lượng dầm ngang (đê) tương ứng với một đôi cột. Nhà bao nhiêu đê là bấy nhiêu gian. Đáng chú ý là nhà chỉ có vì cột, gồm cột, dầm, quá giang, không có vì kèo, do đó khung nhà và mái nhà là hai bộ  phận tách rời nhau ghép lại.

 Đồng bào khoét ngoàm để đặt đôi xà dọc lên hàng cột cái, quàng quá giang lên đôi xà dọc, để dầm ngang và cột ốp vào nhau. Xà ngang dài từ 3,2-3,4 m, cột cao 3,6-4 m, lòng nhà rộng từ 4,5-5,3 m. Bộ xương mái gồm một lớp kèo giả, những hàng đòn tay, rui, mè và trên cùng là tranh. Tranh lợp từng côm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống để cây đòn tay chèn giữ phía trên. Bộ khung nhà của người Ê đê cũng hình thành trên cơ sở các vì cột. Do vậy bộ khung nhà với bộ nóc là hai bộ phận riêng. Nóc úp trên bộ khung cột. Mỗi vì cột chỉ có : hai cột (kmek), một quá giang (êđa) và các vì cột chung nhau hai đòn tay cái đặt ở đầu cột.

Kết cấu mặt sàn (tul): dưới cùng là các dầm ngang cũng có tên gọi là đê cũng như tên quá giang. Đặt trên các dầm ngang là các dầm dọc (gắp) thường là các cây gỗ có đường kính nhỏ hơn. Trên dầm dọc đặt một lớp cây nhỏ (t’rung) song song với các dầm ngang ở bên dưới. Trên lớp cây này lại được trải một lớp những thanh tre (hoặc lồ ô) nhỏ bản (nê) cùng chiều với dầm dọc. Trên cùng là lớp dát sàn (trịa) làm bằng lồ ô hay tre rừng… bổ banh thành từng phá, và được đập dập.

Bộ sườn của mái, lớp dưới là các “kèo giả” (kèo không ráp vào đầu cột) (mal). Trên kèo là các đòn tay, trên nữa là rui rồi đến mè, trên cùng là lớp cỏ tranh. Tuy mái lợp tranh, nhưng cách lợp của người Ê đê khá chắc chắn : gốc các phên tranh được đặt vào các đòn tay nhưng quay xuống dưới buộc đè cây mè lên trên, rồi người ta mới bẻ quặt ngọn phên tranh xuống phía dưới. Đến lượt các phên tranh khác người ta cũng làm như vậy. Với cách lợp này, các lá tranh không thể tụt ra khỏi phên.

Nhà của người Ê đê phổ biến là có hai mái chính. Nhưng có nhà có thêm hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt sâu vào hai mái chính để tránh hắt mưa vào nhà.

Đó là cách kết cấu vì cột, mái và cách lợp mái theo kiểu cổ truyền. Hiện nay, ở một số nơi người ta đã làm nhà  theo kiểu vì kèo, mái lợp “tôn”, hoặc lợp ngói và nóc có bốn mái như nhà người Việt.

Nhà có hai cửa: cửa phía trước dành cho khách và nam giới, cửa sau dành cho phụ nữ. Sát với hiên là sàn, nhưng sàn khách dài gấp đôi sàn sau. Cầu thang (ênhan) phía sàn khách đối với nhà dân, chỉ là một khúc gỗ tròn đẽo khoảng 7 bậc bằng gỗ tốt như giáng hương hay cẩm lai rộng khoảng 0,8-1 m: đối với nhà giàu là những tấm ván có bậc đầu đẽo uốn về phía trước như đầu một con thuyền với những hình khắc nổi như trăng khuyết, đôi vú đàn bà. Có nhà dựng ba cầu thang ở phía trước, một chính hai phụ. Có khi cầu thang phụ khắc hình ngà voi thay cho đôi vú đàn bà. Trên sàn khách ở những nhà có thế lực, nuôi voi còn để hai ghế sàn thẳng từ hai cột sàn nhô lên (kpan adring) cao hơn mặt sàn 0,50 m. Có gia đình còn làm thêm sàn ở phía Tây có cầu thang lên xuống dành cho trai gái ngồi trò chuyện.

Không gian trong nhà theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt:


Từ cửa  chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 hoặc 2/5 gọi là gah, phần còn lại là ôk. Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách (kpur gah) và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, nơi cúng thần, chỗ ngủ cho con trai chưa vợ, nơi đặt nhiều đồ vật  quý. Gahôk được ngăn bởi vì cột kmeh kpăng có khắc hình, trong đó cột phía Đông là cột chủ, bên cạnh kê một phản độc mộc để người đứng đầu gia đình ngồi khi có hội họp; cột phía Tây là cột trống (kmeh hgơr), nơi đặt trống cái trên ghế kpan, ghế của nhạc công ngồi đánh chiêng, đánh trống.Ghế Kpan làm nguyên từ 1 thân cây cổ thụ lớn cao 0.45m - 0.50m, dài 10 - 20m, rộng 0,6-0,8 m, một đầu cong lên như  hình  mũi  thuyền. Gầm ghế thường để chiêng, cồng sát vách sau hàng cột phía Đông là nơi để một hàng ché. Bên cạnh bếp khách, có một bếp dùng nấu ăn khi có lễ nghi (kpur tuk chim). Xưa kia,ở gian gah, nhiều nhà còn có bếp cho trai gái trò chuyện (kpur êdam êra). Diện tích ôk theo chiều dọc phía Đông là những buồng ngủ cho từng cặp vợ chồng, có phên ngăn, theo thứ tự: buồng thứ nhất từ cửa sau vào là của vợ chồng người đứng đầu gia đình, tiếp đến là buồng để đồ dùng, cũng là buồng dành cho con gái út, người thừa kế gia đình khi lấy chồng thì sử dụng, rồi mới là buồng của các cô gái cả, thứ. Phía trước buồng chủ nhà có bếp nấu ăn chung, nơi để nước. Những cặp vợ chồng ăn riêng cũng có bếp ở phía trước buồng mình. Khi ngủ, người Ê đê chỉ quay đầu về hướng Đông.Nhà của Người Ê đê không có bàn thờ, họ không thờ tổ tiên mà họ chỉ thờ người mới chết nghĩa là người thân sau khi chết thì họ vẫn ra mộ và để đồ ăn, thức uống, đồ dùng sinh hoạt của người mới chết,sau một khoảng thời gian tùy vào điều kiện gia đình thường từ 1-3 năm thì họ thực hiện lễ bỏ mả tức là bỏ mặc ngôi mộ, và không còn quan tâm chăm sóc hay nhớ tới nữa.Mà Người Ê đê chỉ có cột thiêng ở cuối nhà gần bếp chính gia đinh để thờ thần linh.

Phía sau nhà dài là kho lúa (hgiê) thường dựng cao hơn nhà ở, mặt sàn hình vuông, có thể chứa 2-3 tấn thóc trở lên. Các nhà mồ (pưk msat), nhà cúng cơm (sang êsei) dựng ở nghĩa địa, cũng được làm công phu với nhiều hình khắc đẹp. Nhà cúng cơm đặt trên cột gỗ có chạm trổ. Xung quanh nhà mồ có các cột (gâng klao, gâng kút, gâng môông, gâng mrai…), trên có hình người đội nón duôn bai, hình bầu đựng nước, cối giã gạo, voi, rùa, kỳ đà.

Trong một buôn của người Ê đê có 2 khu vực chính : làng chính cống( khu vực người sống) và nghĩa địa (khu vực người chết nằm ở phía Tây của khu vực làng chính cống). Nhà mồ và tượng nhà mồ là một phần vô cùng đặc sắc trong văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.Nó vừa là văn hóa vật thể - phi vật thể, vừa có giá trị nghệ thuật , điêu khắc, kiến trúc, vừa có ý nghĩa về dân tộc học, tôn giáo học và văn hóa dân gian. Nhà mồ Ê đê có 2 lớp mái, lợp cỏ tranh, dựng bằng gỗ ván bung kín 4 bên cao khoảng 80cm mái cao 40cm, thân mộ dài 2m, có hàng rào bao quanh 4 phía tạo thành khuôn viên hình chữ nhật.Nấm mồ được đắp xong người ta úp nhà mồ lên trên.4 góc nhà mồ trồng 4 cột kút (gong kut) là những thân cây gỗ đường kinh khoảng 15-20cm, trên thân có chạm trổ các hình hoa văn hình học và các khối hình :nồi đồng chồng lên nhau, hình mặt trăng… tất cả đều tô màu (đen: muội than, trắng:vôi, đỏ: máu vật hiến sinh). Ngọn cột treo các dải vải, có khi là các tượng tròn, chim grư, con khỉ, tượng người. Nếu không làm nhà mồ, họ dựng trên giữa mộ 4 cây cột có tạc hình hoa chuối, đều chụm chân và choãi đầu để đỡ và ôm gọn một “ nhà cơm” nhỏ (ngôi nhà minh khí) có dáng một nóc nhà 2 mái trên một con thuyền. Cũng có nơi “nhà cơm” được đặt ngay trên đỉnh klao, dựng đựng sau mộ, trong có cơm, bầu nước, gạo rượu cho người chết. Nhà mồ Ê đê dùng chủ yếu 3 màu đen, đỏ, trắng.Tượng mồ Ê đê thì thưa và không được đặc sắc nhà mồ Bana và Gia rai. Hai đầu nóc vươn lên tượng chim cu, hoặc đại bàng. Hai cửa ra vào có dựng đối diện 1 đôi “cột phơi sợi”(gâng mrai) với xà ngang bắc nối với nhau trên cao, mặt xà hướng ra ngoài thường tạc nổi hình kỳ đà hoặc rùa. Theo hướng thẳng đòn nóc nhà mồ, phía trước mộ là cột “hoa chuối”(gâng moông) với hình chiếc hoa chuối chưa nở nhô trên đầu cột với những trang trí gắn vào thân cột, và ở đoạn gần chân cột.có khi được tao hình cái nồi đồng. Còn phía sau mộ dựng cột klao,có thể cao 4-5 m, đoạn chân cột thường có hình cối giã gạo, trên đầu cột tạc hình quả bầu, hoặc hình con voi, hay con khỉ,hình người phụ nữ trong tư thế nào đó. Bốn góc hàng rào dựng 4 cột thấp, đầu cột đều tạc hình chiếc nồi đồng, phía dưới hình cối giã gạo. Tượng nào cũng liên quan đến chế độ mẫu hệ. Nhà mồ, tượng mồ như một bảo tàng về văn hóa mỗi tộc người về: kiến trúc, điêu khắc, trang trí, cả vũ trụ quan chứa trong đó.Phân biệt với các khoảng đất bên ngoài bằng hào rãnh,lại cắm những mui chông nhọn (tre, gỗ đẽo) chĩa ra các hướng.Cặp sừng trâu treo trên nóc nhà mồ, cặp ngà voi chĩa từ 2 bên nóc ra, những đoạn tre đẽo vát nhọn ở các đầu nhà mồ dài 50 – 100cm để chống “xâm nhập từ bên ngoài” tức là chống trộm cắp mộ và chống ma rừng hay các con vật hoang đến phá.

Cách tổ chức làm nên những công trình kiến trúc của người Ê đê mang tính cộng đồng rõ rệt. Trên cơ sở đó, đồng bào làm được những sản phẩm lớn, mất nhiều công sức. Nhà dài, những cỗ ghế độc mộc, các hình khắc là những biểu hiện độc đáo của tính sáng tạo quần chúng Ê đê trong văn hóa vật chất. Những hình trang trí khắc trên gỗ, ở nhà dài, trên một vài công cụ, nhất là ở khu nghĩa địa mang những nét đặc thù rõ rệt. Mô típ quen thuộc của nghệ thuật khắc gỗ trong nhà dài là đôi bầu vú sữa, vành trăng non, con rùa, nồi bung, ngà voi, con kỳ đà. Đôi bầu sữa và một số hình khác thường khắc nối, còn vành trăng non thường khắc chìm. Ở nghĩa địa, những hình khắc gỗ chú yếu là trang trí trên đầu nóc nhà mồ và trên thân các cây cột với những tượng gỗ: chim diều hâu, trái bầu, tượng người đội nón, voi khỉ, cối giã gạo. Trên thân cột còn có hình bắp chuối, những cái kning hình thuyền. Đối với ngôi mộ không có nhà mồ thì trên đinh cây cột ở  giữa mộ được gắn mộ hình một nóc nhà trên thuyền gọi là nhà cơm (sang êsoi). Những hình khắc gỗ nói trên được trang trí khá công phu và sinh động. Các đường nét tuy còn thô sơ, nhưng ổn định, mô tả hiện thực một các tự nhiên, để lại cho người xem những ấn tượng sâu sắc.

Các gia đình lớn mẫu hệ Ê đê sống trong các nhà sàn - dài. Tùy theo số lượng người trong mỗi gia đình mà nhà dài, ngắn khác nhau. Những ngôi nhà dài của người Ê đê ngày nay chúng ta còn thấy chỉ dài khoảng 20 – 30m. những nhà dài hàng trăm mét hầu như không còn.Nguyên nhân nhà dài cùng chế độ đại gia đình mẫu hệ tồn tại là do : xung quanh có nhiều thú dữ, sự tập trung đại gia đình trong ngôi nhà giúp mọi người bảo về lẫn nhau; đồng thời giúp họ có thể đương đầu với những cuộc chiến tranh các bộ lạc; sống trong nhà dài giúp họ có sự phân công lao đông hợp lý, lương thực và thực phẩm được phân phối bình đẳng; bảo đảm sự kết cấu tâm lý cộng đồng chặt chẽ, đặc trưng văn hóa tộc người phát triển.


2. Trang Phục:

2.1 Trang phục nam giới:

Xưa đàn ông Ê đê để tóc dài rồi búi tó sau gáy, nay đã cắt tóc ngắn. Những người từ trung niên trở lên ưa chít khăn vải chàm hay khăn vàng nhạt, khăn thầy cúng màu đỏ. Tay phải thường đeo vòng đồng, vừa làm đẹp vừa mang ý nghĩa nghi lễ, bằng chứng của cuộc kết nghĩa hay giao ước với thần linh. Nam giới ra khỏi nhà thường đeo gùi, ngậm tẩu, đó cũng là một cách trang sức thêm cho bộ trang phục cổ truyền.

Đàn ông Ê đê đóng khố và mặc áo cánh, choàng tấm mền, mang một số đồ trang sức. Áo của nam giới là loại áo cánh, may mặc kiểu chui đầu, tay dài hay tay ngắn, gấu áo phủ quá mông, thân sau áo dài hơn thân trước áo, xẻ tà, cổ áo tròn, mở rộng hơn về phía ngực áo trước, giữa ngực mở ra một đoạn, có hàng khuyết và khuy cài bằng chỉ đỏ. Trên áo cánh này, những đường chỉ màu trang trí thường thấy ở rìa hai nách áo, gấu áo, vai và cổ tay áo. Áo cánh đẹp nhất là áo kteh hay còn gọi là đếch kvưh grư, trước ngực áo có mảng hoa văn được gọi là “đại bàng dang cánh”. Gấu áo phía sau viền đường chỉ màu, gài thêm những hạt cườm trắng và tua chỉ màu dài tới  12cm. Mảng trang trí trước ngực được mệnh danh là cánh đại bàng. Dọc đường xẻ cổ ngực, có dính thêm nhiều khuy đồng, là những đoạn sợi chỉ đỏ đan sít vào nhau thành mảng hình thang cân lộn ngược.

Loại áo cánh mặc thường ngày, tuy cách may cắt giống hệt như áo Kteh kể trên, nhưng không có trang trí cánh đại bàng, viền chỉ màu, hạt cườm và tua chỉ. Loại áo đấy gọi là ao bal. loại áo không có tay mặc thường ngày gọi là ao kok, áo làm bằng vỏ cây gọi là ao kroh, mà ngày nay hạn hữu còn thấy ở vùng xa xôi.

Về mùa đông lạnh đàn ông Ê đê thường khoác tầm mềm Abăn dệt bằng sợi bông, nhuộm chàm, trên đó trang trí những đường hoa văn. Theo lời kể của các cụ già, xưa kia chiến binh Ê đê đi ra trận gấp tấm choàng rồi quấn chéo hình chữ thập trước ngực, một tay cầm lao hay cầm chà gạc, tay kia cầm khiên.

Khố (Kpin) được dệt sẵn trên khung  dệt. Chất liệu vải, trang trí hoa văn và độ dài ngắn có khác nhau. Màu nền của khố là màu chàm sẫm, trang trí hoa văn dọc rìa khố, hai đầu vạt khố. Loại khố sang và đẹp nhất của đàn ông Ê đê là khố ktehđrai, dệt bằng sợi vải đẹp, dài, hai đầu khố có trang trí hoa văn và đính thêm tua khố dài tới 25cm. Đây là loại khố dùng trong ngày hội của những người có vị  trí cao trong buôn làng. Khi mặc, hai đầu khố rủ dài phía trước và sau đùi. Loại khố pirêk trang trí hoa văn trên hai vạt khố, nhưng không có tua màu. Hai loại khố dùng thường ngày tring nhà hay đi nương là khố bơngmlang, dùng loại này ngắn, ít hoa văn trang trí, không có tua màu. Ngày nay chỉ còn những người già sinh sống ở vùng xa đường giao thông, đô thị thì mới đóng khố, còn lại  đã chuyển sang mặc quần như người Kinh.

2.2 Trang phục phụ nữ:

Phụ nữ Ê đê chải tóc rồi búi thành độn ở sau gáy, dùng trâm bằng đồng hay bằng ngà voi để cài cho chắc và cho đẹp. Khăn màu chàm đậm quấn ra ngoài tóc theo hai cách: quấn hình chữ “nhân” trước trán rồi buộc thành mối ra sau gáy và bịt khăn kín cả trán và đầu, mối vòng ra sau gáy phủ lên độn tóc. Phụ nữ Ê đê còn trang sức bằng những loại vòng tay, vòng chân, nhẫn, dây chuyền bằng đồng hay bằng hạt cườm. Cách đây chưa lâu phụ nữ còn đội thứ nón đan, có quai giữ ở cằm, gọi là duôn bai.

Phụ nữ Ê đê mặc loại áo cánh ngắn, may kiểu chui đầu. Loại sang và đẹp gọi là ao đếch theo tên của dải hoa văn nơi gấu áo. Không giống như áo chui đầu của nam giới, áo chui đầu của phụ nữ khoét cổ cao hơn, mở rộng cổ để chui đầu ở phía vai, có đơm thêm vài hàng khuy để cài. Tay áo thường ngắn và hẹp, gấu áo chỉ chấm thắt lưng nên khi mặc làm nổi những đường nét khỏe khoắn của cơ thể phụ nữ. Trang trí trên áo thường ở đường bờ vai, nách bả vai, cửa tay. Ao băl là loại áo mặc thường ngày khi đi lao động, tay ngắn, không có trang trí hoa văn. Những người già lão còn ưa mặc một loại áo lót trong gọi là ao yên, chỉ có phần vải che ngực. Tuy không phổ biến nhưng phụ nữ cũng có thói quen khoác thêm tấm mền choàng khi tiết trời lạnh.

Thường ngày đến buôn làng Ê đê ta thường thấy phụ nữ quấn váy, ở trần. Váy của họ cũng như váy của hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, là loại váy mảnh, may bằng vải bông màu chàm hay đen, tùy theo loại váy mà trang trí nhiều hay ít đường nét hoa văn. Khi mặc, người ta đặt mép váy ở sườn bên trái, quấn một vòng quanh người từ eo bụng trở xuống, dắt mép váy ngoài về phía sườn bên phải. Để cho chặt có thể dùng thêm thắt lưng bằng vải hay bằng kim loại. Đó cũng là vật trang trí cho bộ nữ phục.

Căn cứ vào chất lượng vải may và nhất là hoa văn trang trí trên váy mà người ta phân chúng ra làm nhiều loại với tên gọi khác nhau.

+ Váy đếch đrai, may bằng vải tốt, có nhiều dải hoa văn trang trí trên thân váy ở phần gần cạp, gấu và giữa thân váy. Loại váy này mặc trong những dịp hội hè long trọng, trong cưới xin, nhất là của những gia đình khá giả.

+ Váy kdruêch piêck cũng là loại váy sang, nhưng không đẹp bằng hai loại váy kể trên. Còn váy bơng thì may bằng vải thô, không trang trí gì, thường mặc khi đi làm. Những bà già nghèo khó vẫn mặc loại váy này.  Hiện nay, ở vùng ven trục lộ hay gần thị trấn, thị xã, các cô gái ưa mặc loại váy ống uyêng mút, đã khâu kín hai mép bên của váy lại, khi mặc gấp phần thừa thành đường nếp phía trước. Loại váy này thường may bằng vải công nghiệp, chất lượng tốt và đẹp hơn, cũng có khi trang trí thêm những đường thêu thùa cho đẹp.


3. Ẩm Thực:

3.1 Ăn:

Cơm tẻ là nguồn lương thực chủ yếu, cơm nếp dùng trong lễ tết và những khi có khách. Gần đây, ngô, khoai, sắn cũng là nguồn lương thực quan trọng. Mỗi ngày đồng bào ăn hai bữa và ba bữa và những ngày làm lụng vất vả. Trước đây đồng bào ăn bốc, nhưng hiện nay phổ biến đũa, thìa, bát. Ngoài cơm nấu, xôi đồ, đồng bào còn làm nhiều loại bánh trong các dịp tết lễ. Thức ăn thì có rau quả, cá và thịt gia súc hay thịt thú rừng. Con vật sau khi cắt tiết thường thui rồi mới vặt long kể cả gà, vịt. Thịt gà thưòng luộc hay chặt nhỏ nấu canh. Các loại thịt khác làm nhiều món hơn: thịt nướng (ăm), thịt nướng bằng cặp tre có gia vị (ghang), thịt luộc (tuk), thịt nấu với rau quả (tuk djam), thịt kho hay ninh nhừ, thịt hàm trong ống tre có ướp gia vị (chim brông). Ngoài tiết canh lợn là thịt chín băm nhỏ hay thịt tươi băm nhỏ nhúng nước sôi trộn với huyết tươi (priêng láp), còn mtah là huyết tươi trâu, bò, dê trộn với thịt sống băm nhỏ ăn liền. Cá thường nướng (ămghang), luộc (tuk djam), gói lá nướng (kơum). Đồng bào cũng thường làm mắm (lih), tôm, cua, cá với gia vị để trong các vò sành ăn dần. Đặc biệt, người Ê đê còn có món “thịt lam” ( chim brông) - làm bằng thịt trâu hoặc thịt bò. Sau khi đã ướp gia vị, thịt được bỏ vào một ống tre tươi non với một ít  nước lã rồi nút kín bằng nút lá chuối xanh, cho vào bếp nướng. Khi ống tre đã cháy đều, tạo nên một lớp than bao bọc là thịt đã chín. Họ thích ăn “thịt lam” nguội hơn là nóng.

3.2 Uống:

Mỗi người trong gia đình đều có bầu nước uống riêng, không dùng lẫn của nhau, xưa kia là nước suối, nay chủ yếu là nước  lã đun sôi để nguội. Việc giữ gìn nguồn nước uống trong sạch là truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Trong những ngày tết, rượu cần là thức uống không thể thiếu của dân tộc Ê đê.  Rượu cần là loại rượu ủ men, không qua chưng cất, ủ trong vỏ sành và hút bằng cần trúc. Rượu cần được làm bằng củ sắn hoặc gạo tẻ, khi có lễ đặc biệt quan trọng thì dùng gạo nếp. Men rượu được lấy từ vỏ cây Hiam lấy trong rừng rồi trộn với bột ớt, bột gừng, bột gạo trộn với nước và vắt thành từng bánh nhỏ, phơi thật khô, sau đó để từ 10 – 15 ngày. Nhiều gia đình thường xuyên có những ché rượu cần để hang ngày cho mọi người uống. trong các dịp tết, những ngày có cúng quải, có công việc hoặc có khách thì rượu cần là thức uống đầy hấp dẫn đối với nam, nữ, trẻ, già.


3.3 Hút:

Ăn trầu và hút thuốc lá bằng điếu khan khá là phổ biến.Việc dùng nước trà và cà phê cũng không còn là hiện tượng mới lạ trong sinh hoạt của ng ười Ê đê.

4. Phương tiện vận chuyển:

Chủ yếu là gùi đan cõng trên lưng bằng đôi quai quàng qua vai. Ở vùng Krông Băk phổ biến có loại gùi cao cẳng. Vận chuyển trên bộ thì có voi nhưng không phổ biến lắm.

IV. VĂN HOÁ TINH THẦN:

          1. Ngôn ngữ:

 1.1Tiếng nói:

          Tiếng nói của người Ê Đê thuộc hệ ngôn ngữ Malayô - Pôlinêsia. Tiếng Êđê là một ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với Tiếng Gia rai, Chăm, Malaysia, Inđônêsia, Philipin. Tiếng Êđê ngày nay phát triển một âm tiết đơn lập. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng của tiếng Môn-Khmer, Khmer,Lào, Việtt,Pháp.

          1.2 Chữ viết:

           So với các dân tộc ít người khác tại Việt Nam, người Ê Đê là sắc dân có chữ viết theo bảng chữ cái La tinh khá sớm, người Ê Đê có chữ viết từ thập niên 1920.

2. Tín ngưỡng, tôn giáo

2.1 Tín ngưỡng:

Theo quan niệm cổ truyền của người Ê đê thì đất và nước đều do các thần Aê điê, Aê Đu sáng tạo song đất và nước cũng đều có thần riêng, nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng chi phối ngoại cảnh. Còn trong xã hội thì có Pô lăn trông nom đất đai, pô pin ea là chủ nguồn nước, đều có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ đất đai, nguồn nước không bị huỷ hoại và uế tạp. Con người khi khai thác đất đai đều phải tuân theo tập tục, thực hiện những kiêng kỵ và các nghi lễ cần thiết đối với các thần để mùa màng tươi tốt, dòng họ và thôn xóm phát triển. Ở một số vùng khi có mưa đầu mùa , đồng bào liền đưa công cụ ra đầu nhà cầu may. Hôm đầu tiên đi làm rẫy họ kiêng gặp hươu, nai, giác, con bú (cù lăn)... Xưa kia, cứ vào đầu năm hoặc vài năm 1 lần, lễ cũng thần đất (yang lăng) do Pô lăn chủ trì, được tổ chức một cách trọng thể. Sau đó, trong tháng 2, tháng 3 hàng năm dân làng làm lễ cúng thần nước, tu ke hay tring ea tại bến nước, trong nhà hay sau nhà khoa pine ea, vật cúng là trâu hay lợn, cầu mong cho mọi người được yên lành, mùa màng tốt tươi, đàn gia súc mau lớn, đẻ nhiều con. Khi bắt đầu phát rẫy trong các tháng 2 và 3 người Ê đê còn cúng các thần gió, Kăm Angin, cầu mong cho mùa màng tránh được những con bão lớn, lúa và hoa mầu phát triển thuận hoà. Đầu tháng tư khi chuẩn bị gieo trồng, đồng bào làm lễ kăm hwar ở cạnh nguồn nước, rẫy nương ít cỏ. Lúc bắt đầu trỉa lúa, các buôn làm lê kăm buh, cầu mong cho lúa mọc đều được thần Aê Điê (thần thiện ) phù hộ không bị Yang Liê (thần ác) và thú rừng , sâu bọ, chim chuột tàn phá đem lại thóc đầy kho. Sau lễ kăm puh chung của làng, mỗi gia  đình còn làm lễ cúng lúa giống, trốc mđiê để hôm sau bắt đầu trỉa hạt. Tháng 7, các gia đình Ê đê làm lễ tưới gốc lúa, tuk phum điê, mong cho lúa mọc khoẻ, trổ bông to hạt mẩy. Tháng chạp, khi đã gặt xong đồng bào làm lễ ăn cơm mới, hma ngắt, rồi mới lần lượt làm lễ ăn mừng vụ mùa, tết Mnăm thun. Mnămthun là tết lớn của đồng bào Ê đê, được tổ chức ăn uống linh đình và đông vui, mừng vụ mùa thắng lợi. Những người thu hoạch được nhiều lúa, thường mổ trâu, bò, mời dân làng tới dự.Nhưng sau đó, có thể là vào tháng 2, các gia đình còn làm lễ cúng trốc hma để khi lấy lúa ăn không bị giặm, ngứa. Ngoài ra, khi có nắng hạn, bị sâu phá lúa hoặc lúa chết nhiều đồng bào làm lễ cầu mùa và trừ tà. Ở các nghề thủ công như làm thuyền độc mộc, làm lèn, làm gốm, đan chài lưới, việc cúng bái cũng được chú trọng. Nhìn chung, hầu hết các lễ cúng ở đây đều mang tính cộng đồng buôn, cầu mong mùa màng tươi tốt, gia súc nhiều con, mau lớn, người người đều khoẻ mạnh và có một cuộc sống yên vui. Cách cúng bái của đồng bào thể hiện những nhận thức còn hạn chế về tự nhiên và xã hội, hình thành trong qúa khứ, mang tính chất quá trình văn hoá tộc người.

Một số các nghi lễ trong việc khai thác đất đai:

 Lễ cúng thần đất (yang lăng): tổ chức vào đầu năm hoặc vài năm 1 lần, do Pô lăn chủ trì.
 Lễ cúng thần nước (tu ke hay tring ea): tổ chức vào tháng 2, tháng 3; vật cúng là trâu hay lợn.
 Lễ cúng thần gió (kăm angin): khi bắt đầu phát rẫy trong tháng 2,3 người Êđê làm lễ cúng thần gió.
 Lễ Kăm hwar: lễ được làm ở cạnh nguồn nước, khi chuẩn bị gieo trồng vào tháng 4.
 Lễ Kăm buh: khi bắt đầu trỉa lúa, cầu thần Aê Điê (thần thiện) phù hộ lúa không bị Yang Liê (thần ác) phá hoại, đây là lễ chung của làng.
 Lễ cúng giống lúa (trốc mđiê)
 Lễ tưới gốc lúa( tuk phum điê): làm lễ vào tháng 7.
 Lễ ăn cơm mới (hma ngắt): vào tháng 12, khi đã gặt xong.
 Lễ tết Mnăm thun: tháng 12, là tết lớn nhất của đồng bào Ê đê, được tổ chức ăn uống linh đình và đông vui mừng vụ mùa thắng lợi

2.2 Tôn giáo

Phần lớn người Êđê theo đạo Tin lành và đạo Thiên chúa. Một số ít theo Phật giáo tại các vùng đô thị. Họ thường đọc kinh cầu nguyện tại các nhà riêng của mục sư, hiện tại các nhà thờ Tin lành vẫn chưa nhiều. Những người theo công giáo Rôma thì thường đến các nhà thờ tại địa phương vào ngày chủ nhật. Số còn lại vẫn theo nét tín ngưỡng của cổ truyền, thờ cúng các thần hộ thân cho mình.

3. Văn học

* Văn học dân gian

Trong văn hoá đời sống của người Ê đê, văn học dân gian là loại hình nổi bật nhất, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng. Mặc dù chữ Ê đê đã xuất hiện từ lâu năm 1923, song trong việc truyền thụ vốn văn hoá dân tộc cho đến trước ngày giải phóng, chủ yếu vẫn theo lối truyền khẩu. Các thể loại truyện kể của người Ê đê gồm, truyền thuyết, truyện cổ tích, anh hùng ca, truyện cười rất phong phú và có giá trị nghệ thuật cao.

Nổi tiếng trong văn học truyền miệng Ê đê vẫn là những Khan. Khan là thể loại văn vần câu dài ngắn không nhất định nhiều chương khúc diễn đạt sự tích anh hùng quân sự và văn hoá. Phần lớn Khan nói về giao tranh giữa các tù trưởng và cuộc sống con nguời trong thời đại đó. Khan còn mô tả những cuộc tình duyên theo phong tục, làng mac, nhà cửa, y phục, lễ nghi và sinh hoạt nhân dân, làm nổi lên phẩm chất người anh hùng mà nhân dân coi là có tính chất tuyệt đối. Khan làm nổi lên cuộc đấu tranh với tự nhiên, chống lại thần quyền và cường quyền trong xã hội thể hiện khát vọng tự, do vươn tới cái đẹp toàn diện của con người. Đọc khan, người ta thấy nhiều hình tượng, nhiều mầu sắc, nhiều âm điệu, cảm xúc, lôi cuốn. Hiện  nay, một số khan đã được sưu tầm. Song còn nhiều khan chỉ tồn tại trong trí nhớ của các ông lão, bà lão, dễ bị mai một.

Trong văn học truyền miệng, người Ê đê còn có một thể loại nữa gọi là Klei duê. Klei là ý, bài, chương; duê là văn vần. Truyện cổ Ê đê cũng có nhiều đoạn tả bằng văn vần gọi là klei yăl dkiê đưm. Tục ngữ và cao dao là những câu duê, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, quan hệ giữa con người với nhau, những điều phải theo (tục ngữ ) hoặc những câu có tính trữ tình sâu sắc (ca dao) rất phong phú và được ưa thích. Sự khác nhau giữa ca dao và tục ngữ không chỉ ở mỗi nội dung mà ở cả hình thức : tục ngữ câu ngắn, ca dao câu dài hơn. Nói đến những câu có vần về những quan hệ xã hội tương đối toàn diện trong vốn văn hoá tinh thần của người Ê đê phải nói đến công trình Luật tục ca hay Tập quán pháp ca. Klei duê bhiănkdi do L. Sabatier sưu tầm. Nó bao gồm một hệ thống những câu bằng văn vần nói về các quy ước về xã hội truyền thống mà cách đây không  lâu, còn được sử trong toà án phong tục, xét xử những vụ vi phạm trật tự công cộng, loạn luân, trộm cắp, vi phạm tập quán ... Nội dung của nó đề cập đến các mặt quyền chiếm hữu đất đai, tài sản gia đình, quan hệ dòng họ, quy chế hôn nhân, tố tụng... Trong đó, nét nổi bật là bảo vệ phong tục tập quán tính cộng đồng của buôn.

* Thần thoại

Thần thoại Ê đê quan niệm rằng, thế giới có hai tầng : đất và trời. Trên trời có nhiều vị thần linh thiện và ác, trong đó Aê Điê, Aê Đu là những vị thần thiện được mừơng tượng như là những con người khổng lồ có hơi thở quật ngã được những người xung quanh, có chân to gấp nhiều lần chân người, là những vị thần toàn thiện toàn mỹ, chỗ dựa của cuộc sống con người. Dưới Aê Điê ,Aê Đu là các vị thần nông nghiệp thần mưa gió thần sấm sét, thần rừng, thần núi, thần nước, thần đất. Giúp việc Aê Điê, về việc nông nghiệp là Mtao kla trông coi việc đồng áng và Hbia Klu, vợ của Mtao klu trông coi cây lương thực. Thần Sri mili lik và vợ là Hliba giúp các thần lớn làm kê, lúa nẩy mầm, trong đó chồng giúp cho lúa, vợ giúp cho kê. Thần Aê mghăm là thần bảo vệ lúa. Các vị thần nông nghiệp là thần thiện, còn các vị thần thời tiết thì phần lớn là ác, do Yang Liê đứng đầu, chuyên gây ra mưa bão, cho nên trong một số nghi lễ nông nghiệp đồng bào làm tượng gỗ thần này có lưỡi gươm bỏ lên đầu. Thần gió (Yang  Briêng), gây tai vạ cho người nhất là trẻ sơ sinh. Thần sấm (Yang Găm), và trợ giúp thần này là Yang mjô. Thần mưa là Aê yul, đều gây ra những tai hoạ cho mùa màng và đời sống con người. Ngoài ra có thần mặt trăng (Yang Mlan) thần mặt trời (Yang Hrcê).

Ở tầng đất cũng có thần thiện và thần ác.Thần thiện (Yang tlua) và em (Kbua lăn) cai quản  mặt đất tạo nên dòng nước và thảo mộc, giúp cho cây lúa lớn nhanh, không bị sâu bọ phá hoại. Thần Aê Mghi và em Aê mghăn là những vị thần đem đến cho người Ê đê nhiều của cải thời nguyên sơ, nuôi dưỡng người ê đê theo quan niệm cổ truyền. Hai vợ chồng hộ mệnh Yang Am Ba, Yang Amí Ba ở tầng trời nhưng thướng trú ngụ ở cây đa. Thần Yang  Bung Sôk là thần số mệnh. Thần Yang Mnút Hra thần cây đa, cây sung, chuyên trông nom nguồn nước, săn sóc dân làng mang đến cho trẻ sơ sinh những điều tốt lành.

Truyện cổ tích Ê đê thường là truyện bệnh vực người lao động người yếu kém như trẻ mồ côi, chàng rể ca ngợi sự khiêm tốn, thực thà, thông minh, công bằng, tín nghĩa, sức mạnh của tập thể và tình yêu. Trong các truyện ngụ ngôn thì những biểu hiện đó ở các con vật nhỏ, và hiền  như, thỏ, rùa, sên. Truyện cười Ê đê đã kích những thói hư tật xấu của người và thường tạo ra những cái cười bất ngờ. Những truyện về sự tích núi sông hồ, tục cưa răng xâu tai... cũng phổ biến trong quần chúng.

·        Dân ca:

Dân ca Ê đê có hai làn điệu chủ yếu là mmuinhkưt kdjâ, cách gieo vần tương tựu trong khan, ca dao, tục ngữ. Giống như ở các dân tộc anh em, dân ca ê đê dặt câu đối xứng, đúng phương pháp tượng hình và so sánh để làm đẹp câu ca, có sức hút . Hát dân gian Ê đê gồm những bài ca nghi lễ trong chu kỳ một năm và một đời người. Những bài ca nói lên lòng yêu quê hương  xứ sở, khát vọng tự do và sau này, có những bài ca mang nội dung cách mạng chứa đựng tình yêu đất nước.

4.Lễ hội của người Ê đê:

4.1. Lễ cơm mới

Các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, nhìn chung theo đa thần giáo. Với tâm hồn thuần phác còn in đậm dấu ấn của tư duy con người thời nguyên thuỷ, họ cho rằng các vị thần linh, từ các vị thần lớn giữ chức năng cai quản đến các vị thần nhỏ hơn cũng đều có tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận ghét, yêu thương...

Cúng thần nhiều lễ vật, và nhất là tấm lòng trung thành, thì sẽ nhận lại sự giúp đỡ, chở che, ủng hộ, bênh vực tương ứng. Trong các thần (Yang) được tôn thờ, thì thần lúa được tôn trọng không kém thần nước, thần núi, thần cây. Do đó, nương rẫy là nơi thiêng liêng, hạt lúa sinh ra từ nương rẫy là sản phẩm được các thần ban phát để nuôi sống con người.

Hằng năm, sau khi thu hoạch, người ta tổ chức lễ ăn cơm mới, vừa để tạ ơn thần, vừa để vui mừng chung hưởng kết quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả.

Lễ cơm mới diễn ra như sau:

Khi lúa trên rẫy đã được gùi về đổ đầy các kho để lúa (Sang mđiê), gia chủ bắt tay vào việc tổ chức lễ cúng cơm mới. Lễ không tổ chức cho toàn buôn một lúc, mà lần lượt từng nhà. Phụ nữ lo việc bếp núc, nấu nướng. Đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt, vào rừng chặt cây, đẽo cột gơng (cột để buộc ché rượu cần trong lễ). Khách mời, họ hàng từ các buôn xa gần được báo. Con trai lo chặt củi, con gái lo giã gạo; tiếng chày trong buôn vọng lên từ sáng sớm đến lúc ông mặt trời đi ngủ. Đám trẻ con háo hức chơi đùa, hoặc vây quanh các bà già đang soạn từ các gùi thiêng lớn những áo, váy, khố đẹp, những tấm chăn đen, đỏ rực rỡ dùng cho ngày lễ. Nếu gia chủ là trưởng tộc, thì họ hàng trong buôn phải mang thêm đồ cúng đến đóng góp. Mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ. Cột gương đã dựng, các ché rượu đã buộc vào dây, chiêng Ana, chiêng Sar đã treo lên xà nhà. Nước từ suối đã đem về đổ đầy các nồi năm, nồi mười. Heo đã mổ, gà đã thui, các lễ vật đã bày ra ở sàn nhà.

          Thầy cúng trong bộ lễ phục chỉnh tề bước ra, hút rượu cần vào một cái bát hoà với tiết heo, trân trọng mời nữ chủ nhân (cao tuổi nhất) ngồi trước mâm, chân đặt lên lưỡi rìu nhận lễ. Tiếng chiêng với nhịp điệu vừa trầm hùng, vừa náo nức nổi lên. Thầy cúng đọc lời khấn nguyện tỏ lòng biết ơn các thần:

"Ơ Yang phía đông, Ơ Yang phía tây, Ơ Yang mây, Yang đất, Yang mưa, Yang núi...Nay lúa dã suốt về, heo đực đã mổ, rượu đã đầy ché... Xin mời các Yang hãy cầm cần rượu, ăn miếng thịt heo, bát cơm mới đầu mùa. Mong Yang cho mùa sau lúa ngoài rẫy sai bông, mẩy hạt, đến kỳ thu hoạch đầy gùi, ngập kho... "

Khấn xong, thầy đi vẩy rượu chúc phúc nơi bếp lửa, dàn chiêng, cầu thang, kho lúa. Tiếp theo phần nghi lễ, bắt đầu cuộc tiệc vui. Ông bà, cha mẹ trong buôn, khách khứa xa gần, bạn bè ăn uống no say, tự nhiên, thoải mái. Người nữ chủ nhà được mời vít cần rượu đầu tiên, rồi lần lượt người già, người trẻ, trong họ trước, trong buôn sau... Mọi người vừa ăn uống, vừa vui chơi, ca hát cho đến khi ai không thích nữa thì về. Người ở lại được mời nối tay trên cần rượu, nghe chiêng, nghe hát Aday (một loại dân ca trữ tình) giãi bày tâm sự. Khách đến dự lễ còn được gia chủ trao tay mỗi người một gói nhỏ thức ăn khi ra về, như để cùng chia đều sự may mắn cho mọi bếp.
         
Về khuya, một ông già từng trải và giỏi giang, được mời kể Khan-khúc tráng ca truyền thống của người Êđê. Cả người kể và người nghe như chìm đắm trong không khí cổ xưa của những bản anh hùng ca trác tuyệt với hình ảnh những dũng sĩ như Đăm San, Đăm Di, mà những chiến công của họ mãi mãi là niềm tự hào của bộ tộc.Giọng kể của nghệ nhân khi trầm hùng như dòng sông chảy bên vách núi, lúc dồn dập, ồ ạt như băng qua thác ghềnh hiểm trở khi thầm thì như gió thoảng, lúc nhẹ nhàng như tiếng lá rơi giữa rừng khuya.

Cứ thế, lễ ăn cơm mới kéo dài từ nhà này sang nhà khác, suốt tháng chạp sang tháng giêng. Lễ ăn cơm mới của người Êđê mang đậm nét dấu ấn của tục "ăn năm, uống tháng", nhàn hạ trong không khí mùa xuân núi rừng. Họ vui say thoả thích, ca hát thâu đêm, để rồi sau đó lại hăng hái chuẩn bị cho mùa trồng tỉa mới với nhiều hy vọng mới.
4.2.  Lễ cúng bến nước

Một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Ê đê là Lễ cúng bến nước. Lễ hội  thường được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Buổi lễ cúng bến nước thường diễn ra như một ngày hội của buôn làng Ê đê. Sau hồi chiêng ngân dài như đưa ta vào thế giới tâm linh sâu thẳm và trang nghiêm, lễ cúng bến nước được bắt đầu bằng việc lễ cúng ông bà tổ tiên để thông báo cho ông bà về sự có mặt đông đủ của con cháu trong buôn làng.

Khi lễ cúng cho ông bà tổ tiên kết thúc, một hồi chiêng nữa ngân lên và đó cũng là khi thầy cúng bát đầu làm lễ cúng Giàng (Trời) cầu mưa. Kết thúc lễ cúng Giàng, những hồi chuông dài tiếp tục ngân vang, những cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi, cùng mọi người theo bước chân thầy cúng về bến nước đầu buôn.

Lễ cúng bến nước diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Thầy cúng đọc lời khấn cầu mong Thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng. Sau lễ cúng, những bầu nước mát ngọt được những người con của buôn làng gùi về trong niềm vui hân hoan. Mọi người lại quây quần bên nhau uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên - một di sản văn hóa thế giới.

Lễ cúng bến nước được tổ chức trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, thanh niên trai tráng trong làng đi sửa đường vào bến nước. Sau đó, các thầy cúng được mời về để tổ chức lễ cúng. Đi đầu tiên là thầy cúng mặc áo của người Ê-đê Mdhur truyền thống, chít khăn đỏ. Thầy cúng đi trước cầm một tô rượu có pha huyết heo. Già làng đi sau nắm khiên đao, tất cả dân trong làng đi theo sau già làng ra bến nước.

Ngày thứ hai, tất cả các nhà trong buôn đều cúng. Thầy cúng sẽ đến cúng từng nhà. Hôm đó, đường vào buôn có cây chắn ngang đường; buộc dây treo các loại: như sợi, chỉ, lông gà để cấm người lạ vào buôn. Lễ vật của mỗi gia đình là một ché rượu và một con gà hoặc heo. Sau khi cúng cho các gia đình xong, thầy cúng đi tới bến nước và chọn một chỗ gần bến-đoạn phía trên bờ sông moi đất lên để đổ rượu và huyết heo vào. Thầy cúng chỉ một nam thanh niên khỏe mạnh múa khiên đuổi thần xấu đi.

Ngày thứ ba thì cả buôn cúng. Lễ vật là một ché rượu và một con gà. Cúng xong mọi người mở rào, phá bỏ các chỗ chắn đường. Trong 3 ngày này, chiêng trống được tấu lên liên hồi để gọi thần linh trở về, cả buôn đều thành tâm vào việc cúng, không ai đi rẫy, không bắt cá, không đuổi chim, đuổi nai
...

4.3 Lễ Kpan:
Lễ hội Kơ Panlễ hội rước ghế Kơ pan để mừng nhà chủ. Tượng trưng cho sự giàu có của gia đình và là niềm tự hào của cả buôn.
Kơ Pan là một chiếc ghế độc mộc, bằng gỗ nguyên khối dài khoảng 15m, rộng chừng 70cm, cao 45-50cm với độ dày 7-8cm. Gỗ để làm Kơ pan phải chọn loại cây rừng lâu năm, cao, to, thẳng, gỗ tốt. Làm được Kơ Pan, đòi hỏi sức mạnh tập thể rất lớn, trong thời gian gần một chục ngày. Người chủ không chỉ phải lo đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ cho bà con trong những ngày làm Kơ Pan, mà theo tục lệ còn phải là người đã tổ chức được các lễ hiến sinh, cầu sức khỏe có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng và có một số lượng chiêng ché lớn.
Việc tìm và chặt cây phải được bàn định trước với gia đình bên vợ (vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ), sau đó, đẽo một mảnh vỏ cây nhỏ mang về cúng thần, xin được ngả cây. Sớm tinh sương một ngày đẹp trời mới đi chặt cây. Khi đi, buôn phải không có đám tang và không có tiếng mang giác mới tốt. Chủ nhà dẫn đầu đoàn người chặt cây gồm 7 người, mang theo rìu và dùi sắt, tiếp đó là thầy cúng và người giúp việc quản lý (là anh em trai bên vợ), cuối cùng là dân làng và người nhà đi theo mang lương thực phục vụ.
Chủ nhà bổ nhát rìu đầu tiên rồi đến mọi người. Cây chặt được nếu đổ ngang dòng nước phải bỏ sao cho cây đổ dọc mới được. Khi cây được chặt sạch cành lá, chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần để đuổi tà ma. Sau đó, những người thợ dùng rìu đẽo cây thành chiếc Kơ Pan có hình chiếc thuyền với những đường nét khỏe khoắn. Sau khi thầy cúng cầm rìu bổ nhẹ vào Kơ Pan theo tục lệ, trai tráng trong buôn cùng khênh Kơ Pan về buôn trong khi những thanh niên nam nữ khác vừa đi vừa múa hát, gõ chiêng đi theo về. Đến đầu buôn, đám rước đặt Kơ Pan xuống cho thầy cúng phủ vải đỏ lên rồi mới đưa về, đặt ở vườn sau nhà chủ.
Sáng hôm sau, chiếc Kơ Pan tiếp tục được chạm khắc nối những đường nét hoa văn tinh tê mang tính biểu tượng truyền thống. Buổi trưa, khi chiếc Kơ Pan chính thức hoàn thành, mọi người trong buôn tập trung lại đưa ra cửa trước, đặt ghếch một đầu lên sàn nhà. Làm xong chủ nhà cầm lấy khiên, kiếm đã được bày sẵn trên chiếu, đi lại trên Kơ Pan 7 lần để xua thần xấu và đặt tên các Kơ Pan như một sự thông báo chính thức rằng, mình là chủ của Kơ Pan. Thầy cúng cũng bước ra và làm lễ khấn báo thần linh rằng, Kơ Pan đã có chủ.
Kơ Pan được các thanh niên trong buôn khênh vào gian khách, đặt dọc vách phía Tây nhà. Lúc này, lễ cầu Giàng mới chính thức bắt đầu. Lễ cứng gồm 1 trâu và 7 ché rượu được buộc vào 7 chiếc cột. Ché to nhất buộc ở cột ngoài cùng, thân cột bôi huyết trâu thành 7 khúc. Thầy cúng ngồi ở đầu Kơ Pan, cầm chiếc que dài nhúng vào bát đồng đựng tiết lợn pha rượu và bôi dọc theo Kơ Pan để yểm giữ tài sản cho chủ nhà. Khi việc cúng Giàng kết thúc cũng là lúc bà con ăn mừng chủ Kơ Pan.
Sáng sớm hôm sau, mọi người cùng dự lễ, rồi giết trâu để làm lễ vật. Vật phẩm làm lễ gồm cơm nếp, cơm tẻ, thịt trâu, ngoài ra còn có mâm dụng cụ mừng chủ nhà gồm quả bàu khô đựng nước, kiếm, khiên và dép bằng da trâu. Thầy cúng làm lễ xong, cũng là lúc mọi người trong buôn mang gạo, rượu tới mừng. Theo phong tục, trước khi về mỗi người còn được nhận một gói lá nhỏ đựng thịt. Lễ xong, chủ nhà nghỉ 2 ngày không đi làm rẫy.
5.  Nghệ thuật múa:

5.1 Múa chim Grứ:

 Múa Chim Grứ (chim đại bàng) là một trong những điệu múa phổ biến trong các lễ hội lớn hay trong nghi lễ cúng Yàng, cầu khấn các thần linh mà người Êđê coi là thần hộ mệnh cho con người. Đặc biệt trong lễ bỏ mả ( lui msát), thông qua động tác múa thể hiện lời chào từ biệt của người còn sống  đối với người đã đi về cõi ông bà tổ tiên.

Người ÊĐê quan niệm rằng chim Grứ là biểu hiện cho sức mạnh dồi dào, chỉ có chim Grứ mới có thể bay cao nhất trong các loài chim. Nên động tác múa chim Grứ hoàn toàn  mô phỏng theo cánh chim đang bay lượn. Ngoài ra, Chim Grứ còn thể hiện quan niệm tâm linh của người Êđê rằng : những người đã qua đời chỉ là chết về thể xác, còn linh hồn của họ vẫn quanh quẩn đâu đó. Có lúc thì vô hình, có khi lại hiện hữu, thông qua hình dạng những con vật như con đại bàng,con bướm hay con nhện mà sau bảy lần biến hình, sẽ lại được đầu thai trở lại làm người.….Tuy nhiên, hình ảnh con chim đại bàng được người ÊĐê tin là linh thiêng nhất, nên chim Grứ thể hiện mối quan hệ giao thoa giữa người sống với linh hồn những người đã chết.

Chim Grứ được coi như là phương tiện đưa linh hồn người chết về thế giới của tổ tiên; đồng thời cũng là hình ảnh thể hiện linh hồn của ông bà tổ tiên đến thăm con cháu trong những ngày có lễ hội và bảo vệ những người đang sống. Vì thế, khi múa người ta đưa tay lên, làm thế nào để người xem tưởng tượng ra như cái đầu , hoặc đôi cánh của chim đại bàng đang bay lượn trên bầu trời.Cũng như mời gọi các vị thần linh, các linh hồn của người đã khuất, về tham gia lễ hội cùng với buôn làng, với gia đình.

Múa chim Grứ có hai hình thức thể hiện cơ bản :  Một là chỉ dùng tay biểu diễn, sử dụng sự uyển chuyển của cổ tay, đưa đẩy, chuyển động cả cánh tay tùy tình huống, ý nghĩa của việc lễ hội. Tùy theo lễ hội mà người biểu diễn múa đưa tay lên bao nhiêu lần. Chẳng hạn, trong lễ cúng cột nêu ( mđi Gơng Drai), nếu cúng ba cột nêu, thì những người múa làm động tác xoè tay  sát dọc theo hai bên thân hình đưa lên đưa xuống ba lần, giống như con đại bàng ba lần vỗ cánh trước khi bay.Nếu cũng 5 ché, phải đưa lên xuống 5 lần. Hai là tay giơ cao quá đầu,chân nhón lên bước nhẹ nhàng lướt qua trước ghế Kpan( lễ cúng rước kpan) và sau ché rượu ( trong lễ cúng chúc phúc).

Động tác múa là sự kết hợp giữa đôi tay và đôi chân để luôn tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển. Các nghệ nhân có thể biểu diễn điệu múa sao cho phù hợp với tính chất của lễ hội.Những nghệ nhân múa say sưa lúc thì tay đưa lên cao, lúc thì giang ngang,xòe ra uyển chuyển. Ba ngón tay giữa gập xuống, hai ngón út và ngón cái vẫn giữ nguyên vị trí, cổ tay chuyển động theo sự di chuyển của bàn chân và thân hình, tưởng tượng lúc như đôi cánh của con chim Grứ(đại bàng) đang vỗ dập dìu lao vút lên trên bầu trời xanh thăm thẳm của cao nguyên; lúc như chiếc đầu chim đang xoay sang trái, sang phải đưa cặp mắt sáng quắc quét qua toàn bộ khung cảnh xung quanh.

Điệu múa chim Grứ còn được sử dụng trong lễ cúng rước Kpan. Khi ghế kpan được đưa  lên nhà sàn hòa trong âm thanh vang rộn của trống, của chiêng ngân vang, các nghệ nhân múa chim Grứ bắt đầu biểu diễn với tiết tấu nhanh, chậm theo nhịp chiêng, có lúc  như thác đổ giục dã, vui nhộn, có lúc uyển chuyển nhẹ nhàng bay bổng. Người Êđê tin rằng đó là lúc các nghệ nhân thay lời gia chủ hoặc buôn làng, chuyển lời khẩn cầu được phù hộ hoặc mời gọi đến các vị thần và linh hồn tổ tiên. Đến khi tiếng trống  tạm dừng, tiếng chiêng dần dần giảm nhẹ âm lượng và ngừng hẳn thì các cô gái cũng đã múa xong.

 Điệu múa chim Grứ của người Êđê luôn hòa quyện với âm thanh dồn dập rộn ràng của dàn ching knah, làm cho lễ hội thêm sôi nổi và lễ cúng càng thêm trang trọng.

 Người múa trước đây thường là những người đàn bà lớn tuổi,trang trọng. Sau này đội hình múa dần dần được trẻ hóa, là những cô gái  xinh đẹp, thân hình thon thả, đầy sức sống. Và, đặc biệt điệu múa Grứ chỉ được múa với đội hình số lẻ 3, 5, 7, hoặc 9 người.

5.2 Múa Khiêl:

Điệu múa Khiêl của người Ê-đê, một hình thức múa võ có lịch sử lâu đời và tồn tại đến ngày nay. Người múa mặc trang phục khá đặc trưng, đầu quấn khăn đỏ, thả hai đuôi khăn về phía trước trán, mặc áo hở ngực, đóng khố kơtel, tay trái cầm Khiêl, tay phải cầm gươm, nhảy múa với động tác mạnh mẽ đầy uy lực, nhưng phải phối hợp với âm nhạc lúc trầm, bổng, lên cao. Múa khiêl thường múa thành từng cặp, từng nhóm. Vì vậy, người múa phải có sự phối hợp hài hoà và chính xác để tránh những va chạm tai nạn. Điệu múa này thường được sử dụng trong các nghi lễ như đâm trâu, bỏ mả.


6. Nhạc cụ:

Hát dân gian thường gắn liền với việc sử dụng nhạc cụ cổ truyền.

6.1 Đàn k’ni:

Thân đàn là một khúc nứa, tre hoặc gỗ tròn nhỏ, không có bầu cộng hưởng. Trên thân có gắn phím bấm. Dây đàn được mắc dọc theo thân đàn. Cung kéo chỉ là một đoạn tre nhỏ hoặc một thanh tre khi diễn tấu người ta cọ phần cật vào dây. Âm lượng nhỏ và với đặc tính như trên, k'ni chủ yếu là nhạc khí để bộc lộ tâm sự, tình cảm của các chàng trai với các cô gái vào những lúc thanh vắng tĩnh mịch. Đôi khi người Ê-đê cũng dùng k'ni để đệm cho hát khóc trong lễ tang

6.2 Ống sáo trúc: người Ê đê gọi là Đing,  bao gồm:

a. Đing Năm: (5 theo tiếng Ê đê là 6) gồm 6 ống nứa dài ngắn khác nhau được xếp thành hai bè. Tất cả đều được cắm một đầu vào trái bầu khô. Trên lưng mỗi ống được khoét một lỗ ở những vị trí khác nhau để tạo thành nhạc. Tên và cao độ của mỗi ống dựa theo tên và cao độ của các chiêng Knah.


Hình thức diễn tấu: người biểu diễn ngồi hoặc đứng hoặc vừa đi vừa thổi. Khi thổi để Đinh Năm ngang ngực, đầu các ống hơi hướng lên trên, miệng ngậm vào đầu núm bầu, tay phải đỡ dưới hàng ống trên, ngón cái đặt vào lỗ của ống thứ nhất ở bên cạnh, ngón trỏ và ngón giữa đặt vào 2 lỗ của ống thứ 2 và 3, 2 ngón còn lại có chức năng nâng và giữ. Tay phải đỡ  hàng ống dưới, các ngón như tay trái.

b. Đing Tak Tar : Nhạc cụ này gồm một ống nứa có ba lỗ, được cắm một đầu vào trái bầu khô.

 Khi biểu diễn, người biểu diễn ngồi hoặc đứng, đặt Đinh Tak Tar ngang ngực, phần ống nằm ngang người. Ngón trỏ và ngón giữa tay phải kẹp vào phần ống nứa phía sau, ngón cái bịt đầu ống. Tay trái  nắm phần ống dài phía trước, ngón cái bịt lỗ bên cạnh phải, ngón trỏ, ngón giữa đặt lên 2 lỗ nằm phía trên.

Ngoài ra còn có các loại đinh như : Đing buốt chốc , Đing ring , Đing téc

c. Đinh Buôt Kliă: là cây sáo dọc, làm bằng ống nứa, có 4 lỗ bấm và mỗi lỗ là 1 nốt.

Hình thức diễn tấu: người biểu diễn ngồi hoặc đứng, cây sáo để dọc, phần đuôi hơi hướng ra ngoài, miệng ngậm vào đầu thổi. tay phải ở trên, tay trái ở dưới, ngón cái đặt phía sau, ngón trỏ và ngón áp út đặt lên các lỗ bấm. Ngón giữa có nhiệm vụ giữ ống.

6.3 Ki Pah:

 Là chiếc tù bằng sừng trâu (ki là sừng, pá là vỗ). Một đầu sừng rỗng, đầu nhọn cưa đi để thành 1 khe hẹp, ở giữa gần phần đầu nhỏ có nhô lên 1 cuôp (lưỡi gà) hình chữ nhật gắn kín bằng sáp ong làm núm ngậm vào để thổi. Khi thổi người ta dùng lòng bàn tay vỗ vào miệng tù và để tạo nên âm thanh vang xa.

Hình thức diễn tấu: đặt nằm ngang, tay trái nắm thân chiếc tù bằng 4  ngón tay, ngón cái bịt đầu ống nhỏ để thay đổi cao độ, âm thanh. Miệng ngậm vào cuoop, dùng hơi thổi.

Nhạc cụ bằng dây, như:

Brố: Gồm một nửa quả bầu khô có đường kính từ 14 - 20 cm, phần núm được gắn với một cần đàn dài từ 1,2m - 1,4m (bằng gỗ). Có hai tay bằng tre để mắc dây và lên dây. Trên cần đàn có năm phím bấm lam bằng bông gòn trộn với sáp ông đen, mỗi phím cách nhau từ 5 - 6 cm

6.4 Cồng chiêng:

 Phổ biến và được đồng bào yêu thích là bộ nhạc khí bằng đồng, cồng (Knah) và chiêng (ching). Bộ cồng cỡ nhỏ không núm gồm 6 chiếc, từ nhỏ đến lớn bỏ lọt vào nhau đánh bằng dùi gỗ. Mỗi cái đều có tên riêng và chức năng riêng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là: 1) Knah, 2) Lhiang (còn gọi là ana lhiang), 3) Mdu Khơk (còn gọi là Knak Khơk) 4) Hluê Khơk (còn gọi là mong) 5) Hluê lhiang, 6) Hluê khơk diêt (còn gọi là k’khiêk). Chiêng thì có núm, lớn hơn knah và gồm 3 chiếc to nhỏ khác nhau, đứng đầu là ana, thứ đến là mdu, sau nữa là mong. Người cử nhạc dùng dùi gỗ có bọc vải đánh vào mặt núm. Bên cạnh đó, còn có char là cái lớn nhất không có núm, dùng để cầm nhịp. Dàn nhạc Ê đê còn có trống cái, hgơr đi kèm, đồng thời đóng vai trò mở đầu và kết thúc một bản hoà tấu.

Hình thức diễn tấu:  thường diễn tấu trong nhà dài, ngồi trên ghế Kơ pan quay mặt về hướng Đông, cồng và chiêng để hơi chếch trên đùi. Tay phải cầm rùi, đánh vào mặt của chiêng và cồng, tay trái xòe ra, áp vào mặt ngoài (mặt phẳng). Khi diễn tấu, tay trái mở ra hoặc áp vào hoặc gõ các ngón tay trên mặt phẳng phía sau. Riêng Mđụ đặt nằm xuống ghế, dưới kê vải hoặc 1 lớp bao bố để ngăn bớt độ vang.

Ngoài ra, người Ê đê còn có một loại chiêng là chiêng ống (ching Kôk) : gồm 7 ống lồ ô to bằng cổ tay, 1 đầu bịt bằng các mắt ống, 1 đầu rỗng. sáu ống được cắt vát khoảng 1 nửa ống ở đầu rỗng, 1 ống để nguyên. Khi diễn tấu, cầm lỏng tay theo chiều thẳng đứng(phần đầu ống bịt ở phía trên) bằng các ngón của tay trái ở đầu nguyên, không bị vát, cách đầu ống khoảng 5-7 cm. Tay phải cầm rùi tre hoặc gỗ, 1 đầu rùi được bịt vải, hoặc cao su.

6.4.1 Chiêng tre

Bộ Cing kram (chiêng tre) thường có từ 5 - 9 chiếc, đôi khi cũng tăng lên gần 20 chiếc. Cũng giống như dàn chiêng bằng đồng, mỗi dàn chiêng tre là một hợp xướng âm thanh, tương ứng với dàn Chiêng đồng.

Hình thức diễn tấu: mỗi nghệ nhân đặt ngang thanh tre trên đùi, dùng rùi gõ vào mặt hơi cong lên (mặt cật) của thanh tre. Nếu có cộng hưởng sẽ kẹp giữa 2 bắp chân của nghệ nhân, phía dưới thanh tre. Khi diễn tấu, nghệ nhân cầm lỏng thanh tre bằng ngón cái hoặc ngón trỏ.


Chọn rồi, cây tre được đưa về phơi khô chừng hai tháng, không để nứt nẻ, sau đó tùy vào đường kính của ống tre mà cắt theo kích cỡ dài, ngắn khác nhau, để tạo âm thanh trầm, bổng, du dương... (thông thường, dài từ 30 - 45 cm, đường kính từ 8 - 10 cm). Khó nhất là quá trình thẩm âm của chiêng tre.

Mỗi cặp chiêng (ống tre và thanh tre) phải có một loại âm thanh, giai điệu tương ứng với một lá chiêng đồng. Chính vì thế, bộ chiêng tre cũng được cấu tạo các kích cỡ, âm thanh khác nhau, có hệ thống như bộ chiêng đồng với biên chế tương ứng. Và các nghệ nhân để sử dụng và diễn tấu được cồng chiêng bằng đồng, trước đó đều phải sử dụng thuần thục chiêng tre.

Trải qua năm tháng, do thời tiết thay đổi, âm thanh của từng chiếc chiêng tre cũng bị thay đổi theo, bị lạc “giọng”. Người chỉnh chiêng tre phải vừa có đôi tai thẩm âm kỳ tài, vừa có bàn tay khéo léo, bởi đồ nghề để chỉnh chiêng tre không phải búa, đe... như chỉnh chiêng đồng, mà chủ yếu là dùng cưa tay, dao lát cắt, gọt bớt miệng ống tre... làm cho âm thanh của nó cao hơn hoặc thấp hơn, tiếng chiêng tròn, vang hơn, đúng với chức năng của nó trong dàn chiêng.

6.4.2. Nhạc Chiêng

           Tiếng chiêng Ê Đê có âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa như khát vọng của chàng Đam San từ thuở nào dám chống lại luật tục mẫu hệ ngàn đời của cộng đồng là ước mơ bắt cả Nữ thần Mặt Trời về làm vợ...

           Chiêng Ê Đê mang đậm tính tiết tấu mặc dù những yếu tố còn lại như giai điệu, hòa thanh... vẫn không bị lấn át. Trong 9 chiếc chiêng của cả dàn, trừ chiếc Sar lớn nhất giữ nhiệm vụ bè trầm thì 2 chiếc có núm là M’đú và Ana ching đảm nhiệm phần tiết tấu, 6 chiếc còn lại là 6 chiếc chiêng bằng K’lác là K’na ti, H’lang, Khơc, H’luê khơc, H’luê liang và M’đú khớc diết thực hiện phần giai điệu. Người Ê Đê chỉ dùng dùi đánh vào phía trong các chiêng bằng và vào phía ngoài đối với những chiêng có núm.

Với người Ê Đê, việc tấu chiêng thường là ở trong nhà. Tại đó những nghệ nhân ngồi tấu chiêng trên chiếc K’pan (ghế dài – được đẽo gọt từ một thân gỗ, không chắp nối) truyền thống. Các bài chiêng cụ thể đã có quy định chặt chẽ nhưng tính ngẫu hứng, tính dân chủ và sự sáng tạo lại là đặc điểm nổi bật trong sinh hoạt đối với cồng chiêng. 

           Chiêng Ê Đê có khá nhiều chủng loại như: K’do, Ngansa, M’nhum, Luir, Kur, Loa với các nhóm (nhánh) K’pă, M’thur và Adham, riêng nhóm Ê Đê Bih có chiêng Vắcvei (đặc biệt hơn các nhánh khác từ trang phục cũng như dàn chiêng), cả dàn gồm 6 chiếc nhưng đều là chiêng núm, nếu xếp lồng vào nhau thì các vòng tròn từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất đường kính của chúng cách đều một đốt ngón tay cái (theo thứ tự)... Các dàn chiêng Ê Đê nhìn chung đã có âm hưởng giống nhau nhưng âm khí lại khác nhau, tuy vậy khoảng cách về cao độ giữa mỗi chiếc trong cả dàn vẫn phải là những hằng số. 



V.Tổ chức xã hội

1. Buôn và thiết chế buôn

a.Cơ cấu buôn

Toàn bộ xã hội ÊĐê được phân thành những đơn vị cơ sở gọi là buôn, tương ứng với khái niệm về làng của người Việt. Các buôn đã qua nhiều biến đổi dưới thời mỹ ngụy, nhưng tính cộng đồng của nó vãn còn rõ nét.Dưới buôn có khi có những đơn vị nhỏ hơn gọi là ahi(như xóm) nhưng về mặt kinh tế-xã hội và văn hóa thì nó chỉ là những bộ phận hữu cơ của buôn. Nó có thể trở thành buôn khi số dân phát triển và có mâu thuẫn với làng gốc.Hợp thành buôn là những gia đình lớn(thường là gia đnh lơn mẫu hệ). Các thành viên trong buôn đều là thân thuộc của nhau hoặc cùng huyết thống, hoặc do quan hệ hôn nhân . Do đó quan hệ cộng đồng buôn được duy trì khá bền vững. Xưa kia trong các làng Ê Đê, những gia đình có cùng họ thường cư trú bên nhau với người trưởng họ(khoa djuê) đứng đầu, có lai lịch về dòng họ và những tập tục sinh hoạt riêng, song về sau mối quan hệ cư trú đó đã bị phá vỡ.
Tinh thần cộng đồng của buôn thể hiện ở sự  giúp đỡ nhau trong sản xuất và sinh hoạt. Từ lâu ở họ tại hình thức gọi là “bring”, hình thức đổi công tự nguyện đối với nhiều khâu canh tác của các gia đình trong một buôn. Sự giúp đỡ lẫn nhau đó có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là một truyền thống tốt đẹp của buôn nhưng lại mang tính chất bình quân chủ nghĩa mặt khác thể hiện sự trì trệ của các quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa . . Xét về quá trình lịch sử, tính cộng đồng của buôn là 1 truyền thống tốt, nhưng mặt khác cũng là một thể hiện sự trì trệ của các quan hệ tiên tư bản chủ nghĩa.Chế độ tư hữu dựa trên cơ sở chiến hữu tư nhân và thừa kế tài sản từng gia đình ,từng cá nhân đối với đất đai, rừng núi, đã nẩy nở từ lâu nhưng phát triển chậm. Sự phân công lao động vẫn theo lối tự nhiên,  việc trao đổi sản phẩm còn ở mức độ và hình thức thấp. Dưới chế độ Mỹ - Nguỵ ở trung tâm đắc lắc và bên lề dưới quốc lộ mới bắt đầu có những khu đất trồng cà phê của tư nhân.

Xưa kia, khi đến làng Ê đê, người ta cũng có thể nhận thấy những ngôi nhà của giầu có một số nét phân biệt nỗi bật so với những ngôi nhà khác trong làng. Đó nhà những ngôi nhà dài có khi đến 200 mét,  sàn hiên rộng, cầu thang to bản trang trí hình nồi. Phía đầu sàn thấy hai cột nhô lên là một biểu hiện chỉ có những gia đình nuôi voi. Trong nhà có nhiều trang trí, có ghế dài kphan, ghế jhưng, độc mộc, những đồ chỉ có ở nhà giầu có vị trí xã hội cao mới làm được. Nhà giầu, mdrong, ngoài thóc dư thừa còn nhiều của quý như đồ trang sức, bát đĩa bằng sứ và bằng đồng, chiêng, ché, nồi đồng, chăn, áo, nhiều trâu bò mà theo quan niệm của họ thì có những thứ đó mới là “con người”. Nhà giầu còn có nô lệ, gia đinh, tôi tớ. Trong số những người nhà giầu phân biệt thành: Mdrong prong , Mdrong ana Mdrong puk sang , người nghèo là bun rin, người quá nghèo là bun hin rin táp. Để có vị trong xã hội và được thừa nhận là lớp người trên của địa phương, ngoài sự giầu có còn, phải tổ chức một số lễ hiến sinh cúng cho bản thân mình (ngã yang asei mlei) để có dịp khoản đãi dân làng.

Nghi lễ phong tục này cũng có nhiều tang vật mà thứ tự nhỏ đến lớn như sau:

1.Mnu tlao, kpiê tlao : Hiến sinh 3 con gà và ba chén rựơu cúng 1 lần
2.Un bong, kpiê tlao : Hiến sinh 3 con lợn chưa thiến và 2chén rựơu cúng3lần
3. Un kreo, kpiê êna   : Hiến sinh 1 con lợn và 5 chén rựơu, cúng 2 lần
4. Un kreo, kpiê êma : Hiến sinh 1 con lơn thiến và 7 chén rựơu cúng 1 lần
5. Emô knô, kpê êma   : Hiến sinh 1 con bò đực và 5 chén rựơu, cúng 2 lần
6. Kbao knô kpiê êma   : Hiến sinh 1 con trâu đực và 5 ché rựơu, cúng 2 lần
7. Kbao knô kpiê kjuh: Hiến sinh 1 con trâu đực và 7 chén rựơu, cúng 2 lân

Với sự phân hoá tài sản, thì trong lòng công xã hình thành và tác khỏi quần chúng lao động những gia đình giầu mạnh hơn, có uy thế và địa vị xã hội cao. Hơn có thể gọi là tầng lớp trên của xã hội. Những ngày nay, khi có lao động nhưng cũng đã bóc lột quần chúng, sử dụng nô lệ trong nhà, nhận của biếu xén, cho vay nợ lãi, mượn nhân công. Nô lệ gia đình thường là những chiến tù, và những người goá bụa và người nghèo không nơi nương tựa, những người mắc tội không có của nộp phạt. Họ có thể có gia đình, có bếp ăn riêng ngay trong nhà chủ. Những được chủ thừa nhận là tốt, có thể được giải phóng và trở thành người tự do (ên giê ). Song, xưa kia buôn bán nô lệ sang Lào, Thái lan, đôi khi có người biến thành vật tuỳ táng của chủ. Lớp người đông đảo nhất trong xã hội vẫn là nông dân, dân tự do của công xã với kinh tế và nhà ở riêng.

Chế độ tư hữu dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân và thừa kế tài sản từng gia đình, từng cá nhân đối với đất đai, rừng núi đã nảy nở từ lâu nhưng phát triển chậm. Sự phân công lao động vẫn theo lối tự nhiên, việc trao  đổ sản phẩm còn ở mức độ và hình thức thấp.

Đứng đầu buôn làng là Pôpinea, người “đầu bến nước. thực tế thì người này ngoài việc trông nom bến nước, còn điều hành quản lý mọi công việc của buôn về các mặt dân chính quân sự, an ninh, thần quyền và quan hệ với bên ngoài. Giúp việc về quân sự cho PôpineaK’eng, về tòa án có pôphátkeli ,về cúng bai có pôriuyang (người tế tự) và miâo (thày cúng) . Bộ máy quản lý buôn tồn tại cho đến những năm đầu thế kỷ này. Về sau, vai trò người đầu làng truyền thống có giảm đi do sự xuất hiện các khoa buôn thuộc hệ thống chính quyền địa phương
b.. Thiết chế buôn

Các gia đình trong buôn chủ yếu dựa trên cơ sở sản xuất vật chất và không gian
Tính cố kết của sinh tồn là điều kiện quan trọng hàng đầu.Mỗi buôn có một phạm vi đất đai của mình được xác định và được các buôn láng giềng thừa nhận . Các buôn đối với phạm vi đất đai của mình có quyền sở hữu và nhiệm vụ bảo vệ cũng như quyền lợi khác mà mỗi thành viên có quyền sử dụng theo tập tục. Mặt khác nhân dân các buôn vẫn có thể sử dụng đát đai ngoại vi của các buôn khác nếu được buon sở tại đồng ý. Các gia đình không chỉ chiếm hữu những đất đai đang canh tác mà cả những đất đai hữu canh. Mảnh đất mới được khai thác thuộc phạm vi của người canh tác nó nếu ai xâm phạm  phạm vi đó sẽ bị coi là hành vi “đạp lên đầu” có thể bị phạt .

Luật tục Êđê vẫn tuân thủ cách sắp xếp nội dung của L. Sabatier trước đó, cụ thể là chia 236 điều (song ngữ Êđê – Việt) ra thành 11 chương, như sau:
Chương I: Các qui định mở đầu: 23 điều
Chương II: Về các tội xúc phạm đến người đầu làng: 33 điều
Chương III: Về các tội của người trưởng thôn: 11 điều
Chương IV: Các vi phạm lợi ích cộng đồng: 27 điều
Chương V: Về hôn nhân: 48 điều
Chương VI: Về quan hệ cha mẹ - con cái: 6 điều
Chương VII: Về tội gian dâm: 11 điều
Chương VIII: Các trọng tội: 21 điều
Chương IX: Về của cải, tài sản: 38 điều
Chương X: Về trâu bò gây thiệt hại cho người ta và trâu bò bị người ta làm thiệt hại: 10 điều
Chương XI: Về đất đai và người chủ đất: 8 điều.

Trong phạm vi tập hợp này, nếu như số lượng các điều khoản phản ánh tính chất quan trọng (hoặc phức tạp) của vấn đề thì có thể sắp xếp trật tự của các điều khoản ấy như sau: Với 48 điều, hôn nhân đứng đầu bảng (chưa kể 11 điều về gian dâm), tài sản đứng thứ 2 (38 điều), tiếp đến là tội xúc phạm người đầu làng (33 điều); trong khi đó, quan hệ cha mẹ - con cái (6 điều) đứng cuối cùng và trên nó là vấn đề của đất đai và người chủ đất, với 8 điều… Thực tế chỉ ra rằng không chỉ trong xã hội Êđê xưa, hôn nhân (theo truyền thống mẫu hệ) mới là vấn đề đáng quan tâm nhất mà ngày nay, điều này dường như vẫn còn nguyên giá trị. Tương tự như vậy, nhưng ở hướng ngược lại, cho đến những năm gần đây, việc sở hữu đất đai trong tư duy của người Êđê nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung cũng chưa hề chặt chẽ - luật tục chỉ dành cho nội dung này có 8 điều

*Luật bảo vệ rừng

Luật tục Ê Đê quy định rất rõ về các tội đốt, phá rừng.

Điều 80 của luật tục Ê Đê nói rằng: “Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại ngay, tay của họ tất phải xiềng lại ngay. Cả rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ”.

Luật tục cũng răn dạy dân làng không được mang củi cháy dở vào rừng: “Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi. E rằng họ sẽ đốt đuốc cầm theo. E rằng đi rẫy lo việc nương rẫy mà không biết đi, cầm theo những đầu cây cháy dở có thể huỷ diệt cả rừng… Cho nên biết được con đàn bà ấy là ai, thằng đàn ông ấy là ai thì việc xét xử phải đi đến bồi thường.

Về hôn nhân, chương V, điều 109, qui định: “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết; đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt; đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại”. Do đó “nếu đã nhận làm chồng người ta mà anh không lấy người ta nữa, thì tội thuộc về anh”… (điều 110). Đối với gian dâm, người Êđê chia ra các hành vi loạn luân, thông dâm và hiếp dâm. Theo đó, hiếp và cưỡng dâm nữ vị thành niên là những tội nặng. Bởi “hắn đã ép đứa bé như ép ngựa chịu cương, ép trâu phải chịu thừng, dỗ dành đứa bé bằng vòng đồng (đeo tay) và chuỗi cườm (…) Hắn vồ như một con cọp, sáp lại như một con thú, hành động như con chó con lợn, mà không biết hổ thẹn”. Nên “như con lợn con trâu để hiến sinh, hắn sẽ phải chịu vì những việc hắn đã gây ra” (điều 155).

Bên cạnh những hình phạt khắt khe (lấy một đền ba là một ví dụ), luật tục Êđê còn có những điều có nội dung răn đe, giáo dục, nghe ra tưởng nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc. Ở chương IV, những người có hành vi lang thang, lêu lổng, không chịu ở lại làng mình được “nhắn nhủ” rằng: “Chừng nào hắn còn sống, hắn giống như con trâu rừng. Đến khi hắn chết, hắn sẽ giống như con trâu ma. Khi hắn đã biến thành con chim diều (khi hắn đã chết rồi), không một ai thấy thương tiếc hắn”. Thành ra, “hắn là cái nong sổ vành không ai cạp lại được (…) Người ta sẽ để mặc hắn cho số phận của hắn trôi theo dòng nước” (điều 68). Những ai đã từng sống ở các buôn làng Tây Nguyên sẽ hiểu được sức mạnh của những lời nói vần tưởng như nhẹ nhàng này. Không gì đau khổ hơn khi bị các thành viên trong cộng đồng ghẻ lạnh, không gì nhục nhã, ê chề hơn là bị đuổi ra khỏi làng. Đó là điều mà bất kì một người Êđê, Jrai, Bahnar,… nào đều phải ý thức.
Để giữ vững tính cộng đồng của buôn theo phong tục tập quán, việc xử kiện cũng được chú trọng và người chuyên làm nhiệm vụ này gọi là Pô phat Kdy. Những người này thường xuất thân từ tầng lớp trên, am hiểu luật tục và chịu trách nhiệm dứng ra xử các vụ kiện giữa các thành viên trong buôn. Thường ngày thì những người xử kiện không tồn tại với một tư cách là người của một cơ quan quyền lực, khi có việc xét xử thì toà án lập ra gồm 3 người; một người làm nhiện vụ chính, 2 người làm đại diện cho hai bên bị cáo. Họ dựa vào  tập quán để luận tội, nhưng cũng còn dùng biện pháp có tính chất mê tín.

Ví dụ :-Việc hai bên bị cáo nhai gạo. Khi nhổ ra, ai còn nguyên  những hạt gạo là người thua.

Cả hai người lặn xuống nước, ai nổi lên trước thì bị tội.

Nung chì nóng, đổ xuống lòng bàn tay có lót bảy lớp lá, nếu chì chảy ra bảy lớp lá và bị bỏng  tay thì người đó có tội (xử ma lai).

Để tìm những kẻ thủ hoá mà theo quan niệm của đồng bào đã làm cho mưa nắng thất thường, mùa màng thất bát. Người ta lập một đoàn quân đánh chiêng trống đi khắp các nhà trong buôn, khi đến nhà nào đột   nhiên tiếng chiêng trống đột nhiên bị rè và nhỏ thì người trong nhà đó phạm tội.

Khi bên  nguyên, bị cáo đã được xét xử song thì bao giờ cũng kèm theo những hình thức phạt người thua kiện tuỳ theo loại tội, nhưng nói chung là phải bồi thường cho kẻ thắng cuộc và đãi dân làng bằng rượu thịt rất tốn kém và chấm dứt oán thù hai bên.


2.Gia đình

Ngoài hệ thống tổ chức buôn, trong quan hệ xã hội người ÊĐê còn có Pôlăn là người đại diện cho quyền sở hữu đất đai dòng họ .Người Ê Đê cho rằng, tất cả dòng họ của mình đều sinh ra từ 2 dòng họ gốc NiêMlô, trong đó họ NiêKdăm là họ làm chủ đất , Pô lăn quản lý đất đai. Pô lăn là người đại diện cho quyền sở hữu đất đai của dòng họ. Phạm vi đất đai một Pô lăn  quản lý có thể từ một đến vài buôn . Ngược lại có khi một buôn lại có nhiều Pô lăn. Pô lăn do người đàn bà dảm nhiệm, là người giữ vật thiêng của dòng họ, được coi là do thần ban cho.

Hạt nhân của gia đình là người đàn bà cùng chồng và con gái của mình hay nhiều người có quan hệ chị em ruột với nhau hoặc chị em họ bậc hai. Sinh hoạt gia đình đông người tất yếu dựa trên những nguyên tắc nhất địn, nổi bật là dân chủ, bình đẳng, công bằng, nhường nhịn nhau, do một người(đàn bà) gọi là Khoa sang điều khiển, bà chủ hướng dẫn con cháu làm ăn và giúp đỡ nhau. Thừa kế tài sản theo dòng nữ. Con mang họ mẹ và hôn nhân cư trú bên nhà vợ.

Về quan hệ hôn nhân thì hôn nhân chị em vợ và hôn nhân anh em chồng tương đối phổ biến mà người Ê Đê gọi là nối nòi(chuê nuê). Tập quán  qui định: “gẫy cái rùi thì phải thay thế, gẫy cái giát thì phải thay thế, người chết phải nối”. Chồng chết, người đàn bà góa có quyền đòi hỏi nhà chồng một người em chồng thay thế, và cũng như vậy đối với người đàn ôn. Theo tập tục Ê Đê, người ta chỉ có thể lấy em của người quá cố mà không thể lấy anh hay chị. Họ còn có tục nối nòi khác là: cháu lấy mợ, ông lấy cháu.nhưng là cháu nội không phải cháu ngoại . Bên cạnh đó, hình thức hôn nhân khá phổ biến là con trai cô lấy con gái cậu theo quan niệm người đàn ông họ này có nghĩa vụ kết hôn với người đàn bà ở họ kia, trong khuôn khổ người của Niê lớn phải nuôi M lô và ngược lại. Bởi vậy một số họ như Hdơk (M lô)Niê KDăm (Niê) ở buôn Co sir chẳng hạn đã gần mười đời có quan hệ hôn nhân với nhau.

Những tàn tích của tổ chức lưỡng hợp cũng được thể hiện rõ nét trong trong hệ thống thuật ngữ thân tộc. Người đàn bà gọi các con của chị em gái mình như gọi con của chính mình là Anek(con), gọi các con của con chị em gái mình là Kchô (cháu) ; nhưng gọi con của chị em gái chồng là Amuôn . Còn Ê gô gọi tất cả chị em gái cả mẹ mình là A mí(mẹ), gọi những người chồng của chị em gái mẹ và bố đẻ là A ma (cha. Có khi người ta gọi anh em trai mẹ là Awa A miết và người nà gọi người kia là A muôn (cháu ngoại), nhưng quan hệ cậu cháu lại tương ứng với Kmhà (bố vợ) và Mtâo (con rể).

VI. Phong Tục Tập Quán

1.Tang ma

Khi trong nhà có người qua đời,người nhà sữ gõ thanh la báo tin cho buôn làng tới chia buồn và giúp việc chôn cất.

Khi buôn làng đã tới,chủ nhà sẽ nhờ người len rừng đẵn cây về đẽo áo quan. Nhà nghèo chôn vào một áo quan , kẻ giàu chôn vào hai áo quan.

Tang lễ thường kéo dài vài ngày vì dân tộc này không làm sẵn cỗ thọ. Gia đình giàu có đôi khi có đôi khi còn kéo dài tới 15 ngày. Trước và sau khi chôn người Ê Đê đều cúng lễ. Chôn cất xong dân làng còn tụ tập quanh mộ khóc lóc hai ba ngày nữa.

Mộ được đắp rất to, cạnh mộ là bát đĩa, chum vại người sống chia phần cho người chết. Tang ma bố mẹ do con gái lo và người con này được hưởng gia tài của người quá cố. Vào mùa gặt năm sau, người nhà ra mộ khóc, lần cuối cùng rồi bỏ hẳn không chăm nom gì nữa.
Tang ma của người Ê đê thường được chia ra làm 4 công đoạn :
+ Báo tang
   Người ê đê quan niệm có 2 loại chết : chết lành và chết dữ. Chết lành là chết tại nhà, do bệnh tật, già yếu, linh hồn sẽ về với tổ tiên và nhập vào trẻ sơ sinh. Chết dữ là chết bất đắc kỳ tử, do tai nạn( chết sông, chết suối, ngã cây, hổ vồ...). Họ quan niệm chết như vậy linh hồn bị thần ác bắt giữ, không về với tổ tiên, không đầu thai làm kiếp khác được.
Khi trong gia đình có người chết, tang gia đánh một hồi trống báo cho dân làng biết. Nghe tiếng trống cả làng kéo đến, giúp tang gia lo liệu ma chay. Mọi người trong làng mang đến gói cơm, quả trứng đến viếng người chết. Người ta còn mang đến cho tang chủ những đồ cúng biếu như : gạo, rượu, gà, có khi cả trâu, heo...Những người không có thì đến giúp việc cho tang chủ.
Người vừa chết được coi là sợi dây liên lạc giữa thế giới người sống và người chết.Và cũng chỉ trong dịp naỳ thân chủ lại kéo nhau đến mộ khóc gọi vong hồn người đã khuất.
Trong những ngày tang, dân làng đều ngừng sản xuất, không mua bán, trao đổi, không đi xa làng.
Thi thể được các thành viên trong gia đình lau chùi sạch sẽ, mặc quần áo ngày lễ, và đeo đồ trang sức quý giá. Thi hài được phủ chăn kín ở  phòng cuối nhà sát góc phía đông.Một quả trứng luộc, bát cơm được bày lên mâm cúng. Thịt gà moi lòng bỏ ruột rồi kẹp cả con nướng dựa vào bên vách phía để thi hài.
+ Nhập quan
     Người Ê đê kiêng việc làm sẵn cỗ quan tài. Khi có người chết, họ mới lên rừng, chọn gỗ làm áo quan. Hình khối quan tài giống như sàn nhà, ddaauf bao giờ cũng to hơn cuối từ 10-15cm. Trên đỉnh nóc phía đầu áo quan, gắn mô hình con diều hâu tượng trưng cho linh hồn người chết. Áo quan vẽ các hoa văn hình kỳ dã và hoa erang bằng máu con vật được hiến sinh. Trong thời gian làm áo quan những người ruột thịt của người quá cố phải ăn uống và ngủ xung quanh thi hài để tỏ nỗi niềm đau buồn và thương tiếc . Tối người ta đánh chiêng, gõ trống, thổi đing buốt, đing tuốt, đing năm và múa hát suốt đêm để tiễn linh hồn người thân sang thế giới bên kia.
Áo quan làm xong người ta đưa thi hài vào làm lễ cúng hồn người chết một lần nữa. Vật hiến sinh là heo, gà , hoặc trâu, tùy theo gia đình nghèo hoặc giàu. Những đồ dùng của người chết điếu, nhạc cụ, trang sức, cũng được  bỏ vào áo quan.
Khâm niệm xong hai họ họp lại để tìm người thay thế( nối dây)  cho người chết.( Tục nối dây được thực hiện ngay sau ngày có tang, lúc thi thể còn để ở nhà. Khi đã chôn thì không nối dây được nữa, linh hồn không phù hộ). Người ta làm lễ cúng cho người quá cố và người thay thế. Trong buổi lễ thầy cúng lấy một bông hoa rừng cài vào tay người thay thế, rồi khấn với linh hồn người quá cố về chứng giám và phù hộ cho họ. Sau đó người thay thế và người góa cùng ăn cơm và uống rượu như mọi hôn lễ. Sau lễ này, tài sản và quyền thừa kế chuyển sang cho người thay thế. Nếu không nối dây được lúc này thì người sống chỉ được đi bước nữa với người ngoài sau khi làm lễ bỏ mả cho người chết.
+ Đưa tang
      Thông thường sau khi nhập quan một ngày là bắt đầu đưa chôn. Khi đưa tang, người ta thường đem theo một con gà mẹ và một con gà con. Lúc hạ huyệt, gà mẹ đươc thả xuống đẻ làm tài sản cho người chết về thế giới bên kia, con gà nhỏ thì sau khi chôn cất xong thả nó chạy vào rừng, tượng trưng cho sự giải thoát của linh hồn và sẽ không về quấy rối người sống.
Trong tang lễ người đàn bà chủ nhà đóng vai trò chủ tang. Người chồng là người giúp việc. Đàn ông lo việc làm áo quan, múc nước đổ vào ché rượu, làm thịt trâu, bò. Công việc trông coi tang lễ và tiếp khách đến phúng do người đàn bà đảm nhiệm. Khi đưa tang, quan tài được khiêng ra sàn và chuyển xuống sân. Thầy cúng cầu tiễn hồn, tang chủ đi trước, thầy cúng bước theo sau, rồi tiếp đến những người khiêng quan tài. Những người phụ nữ cùng dòng họ với người chết theo sát áo quan than khóc và mang của cải ra mộ. Đi sau cùng là người đánh chiêng và người chôn  cất.
+ Hạ huyệt
       Trước khi hạ huyệt, người ta thịt những con vật làm lễ cúng đưa linh hồn về với tổ tiên. Phía đầu áo quan đặt một nồi cơm, một ché rượu, để hàng ngày thân quyến mang cơm rượu tới đổ vào đó qua ống cơm. Các tài sản của người chết như chiêng, ché, nỏ... cũng được bỏ luôn dưới mộ. Trên mộ chỉ bỏ một cái vò sát, chổi cùn, tang nải.
Quan tài được tô điểm bằng ba màu đen, trắng, đỏ, các hình dọc, vuông, tròn, hình trăng lưỡi liềm, và chạm khắc hình sừng trâu. Huyệt sâu khoảng 1,8m theo chiều dài đông – tây. Miệng huyệt rộng khoảng 1m. Quan tài hạ xuống người ta lát ván lên mặt huyệt, rồi mới lấp đất, nền cao khoảng 50-100 cm. Thợ mộc đóng xong nhà mồ tạm đem tới đặt lên tấm mộ mới đắp. Bốn góc nhà mồ trống bốn cột kut( là những thân cây nguyên, trên trạm khắc hình nồi đồng chồng lên nhau, hình trăng lưỡi liềm). Trê đỉnh mộ, người ta dựng một nhà nhỏ để mỗi lần ra viếng người ta sẽ rót thức ăn vào đó.
  Sau khi mai táng, chiếc cầu thang lên xuống hàng ngày được thay bằng chiếc cầu thang mới sơ sài, hết hạn tang cầu thang mới được đưa ra đóng lại. Thầy cúng làm lễ tẩy uế cho tất cả các thành viên trong nhà. Ông ta lấy rượu hòa với huyết con vật hiến sinh rồi xoa vào chân từng người để ngăn chặn thần chết làm phiền người sống. Ba ngày sau khi mai táng, tang gia lấy một ché rượu làm lễ xóa cữ cà các thành viên trong gia đình sinh hoạt bình thường. 
2.Cưới xin

Người Ê ĐÊ theo chế độ mẫu hệ, vì vậy trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người phụ nữ có quyền sinh quyền sát. Một trong những quyền đó là quyền cưới chồng, con gái lấy họ mẹ à có vị trí đặc biệt trong gia đình. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Ê Đê có nhiệm vụ đi tìm bạn trăm năm qua các cuộc lễ lạt, hiếu hỉ, cúng viếng và đặc biệt là lễ hội mùa xuân. Sau mùa gặt hái bội thu, mùa lễ hội các buôn làng thật tưng bừng. Đây là dịp để các cô gái thực hiên công việc trọng đại của mình – tìm bạn trăm Trong những cuộc dao duyên đó, nếu chàng nào lọt vào mắt xanh của cô gái , thì cô về nhà thưa chuyện với cha mẹ để nhờ mai mối đến nhà trai đánh tiếng dạm hỏi. Trước khi đáp lời mối dạm hỏi, cha mẹ chàng trai phải hỏi ý kiến con .Nếu chàng trai đồng ý hai bên sẽ làm lễ ‘ trao vòng’ (ăn hỏi). Nhà gái trao cho ông mối một vòng đồng (hoặc chuỗi hạt cườm) và một ghè rượu ngon để làm lễ . Ngược lại nhà trai cho nhà gái một vòng đồng để đính ước. Sau lễ này, nhà trai làm lễ thết nhà gái . Trường hợp chàng trai không đồng ý thì lễ hỏi phải dừng lại, chờ cho đến khi sợi tơ hồng cuốn chặt

Lễ hỏi và cưới

Ngày nay, người Êđê vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc trong nghi lễ hỏi - cưới theo chế độ mẫu hệ. Tập quán này không chỉ có riêng đối với người Êđê mà còn có ở nhiều dân tộc thiểu số khác đang sinh sống tại Việt Nam. Theo truyền thống đó, người con gái đi hỏi và cưới chồng , chủ động hoàn toàn về mọi phí tổn trong hôn nhân; con trai đi làm rể bên nhà vợ.

Với hình thức hôn nhân này, các quy định theo luật tục rất nghiêm khắc trong quan hệ hôn nhân. Để đảm bảo duy trì hôn nhân hạnh phúc cho mọi gia đình, nếu có trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng thì bị phạt rất nặng như phạt trâu, bò, chiêng, ché...tùy theo mức độ vi phạm và khả năng đáp ứng hình phạt của người vi phạm mà thường do trưởng buôn quyết định. Những nghi lễ trong đám hỏi và đám cưới cũng có nhiều điểm độc đáo.

*Lễ hỏi chồng (Nao Nuh)

          Qua thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, quyết định đi đến thành hôn thì trước tiên phải thông qua đám hỏi. Nhà gái chuẩn bị lễ hỏi gồm một ché rượu và một vòng đồng để cúng thần, sau đó cô gái cùng ông mối đến nhà trai. Nếu ở khác buôn thì những người đi hỏi mang theo cơm nếp với ý nghĩa để đôi trai gái gắn bó với nhau như cơm nếp.

          ĐămĐêi (anh, em trai bên mẹ) cầm chiếc vòng đã được cúng thần để hỏi chàng trai, nếu chàng trai ưng thuận thì họ làm lễ trao vòng : Cô gái và chàng trai chạm tay vào chiếc vòng (đây là lời giao ước hôn thú). Từ đó coi như hai gia đình trở thành thông gia, mỗi gia đình cử ra Miết Ava (người đỡ đầu) của mình đại diện cho hai gia đình giúp đôi trai gái nên vợ nên chồng cũng như tham gia khuyên răn và hòa giải những bất hòa giữa hai gia đình.

          Nếu trong trường hợp người con trai không đồng ý thì nhà trai làm một nghi lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để tỏ lòng tôn trọng và duy trì sự hòa thuận với nhau. Theo quan niệm của người Êđê việc từ chối hôn lễ là từ chối hôn nhân của một dòng họ, ảnh hưởng và gây tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của không những một gia đình mà còn cả một dòng họ. Do đó cần thiết phải có sự thể hiện gắn bó đoàn kết của một cộng đồng dân tộc. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê.

          *Thách cư
ới
 
          Hai gia đình gặp nhau bàn việc thách cưới do nhà trai đưa ra, thường là thách cưới rất cao. Đồ thách cưới gồm trâu, bò, chiêng, ché và ngày nay có thể là vàng... Nếu nhà trai và nhà gái đồng ý, họ sẽ chọn ngày đưa cô gái về sống tại nhà chồng một thời gian để thử thách.Nếu cô gái không trả nổi lễ vật thách cưới thì phải ở lại làm việc tại nhà chồng cho đến khi hết nợ mới có quyền rước chồng về nhà mình. Lúc này người con gái đó mới có quyền làm lễ gọi chồng. Trường hợp trả không hết nợ (thường là gái mồ côi) thì cô gái phải ở luôn bên nhà chồng. Đôi khi vì đồ thách cưới rất cao nên có trường hợp có con rồi mới làm lễ cưới.

            * Lễ gọi chồng (lễ cưới : Yâu ung)

          Khi đã đủ đồ thách cưới, nhà gái sẽ trao cho nhà trai và xin cưới, tức là làm lễ gọi chồng. Ngoài đồ thách cưới, nhà gái còn mang sang nhà trai ba lễ vật bắt buộc để trả công cho mẹ chồng :

- 1 chén bằng đồng : Trả công ơn cho mẹ chồng đã tắm cho chồng lúc còn nhỏ bằng thau đồng.

- 8 vòng đồng : Tượng trưng 8 lễ cúng trong chu kỳ sống của một con người trước khi lập gia đình.

- 1 cái chăn : Trả cho mẹ chồng đã địu chồng lúc còn nhỏ

Ngoài ba lễ vật trên còn có nhiều vòng đồng để phát cho các thành viên của gia đình cồng. Sau đó là Lễ rước rể.

          Nhà trai tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Trên đường về nhà gái, chú rể được tặng nhiều vòng đồng - coi đó là lời cam kết thủy chung và lời chúc tụng hạnh phúc (thường thường, trong khi rước rể, một tốp thanh niên tinh nghịch sẽ đón đường té nước vào chú rể để thay lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ).

           Trong nghi lễ, khi chủ nhà và khách đã yên vị, mọi người tiến hành lễ cúng cho mẹ chồng 1 ché rượu, 1 con heo.

          Sau đó là lễ cúng tổ tiên gồm 5 ché rượu và 1 con heo. Một Đăm Đêi lấy máu con vật hiến sinh bôi lên chân đôi vợ chồng mới cưới, chúc cho hai người 2 miếng cơm với 3 sừng rượu. Vị trưởng họ nhà gái đại diện hai bên trao vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ chạm tay và nhắc nhở lòng chung thủy ở mỗi người. Khách dự lần lượt đi qua mặt hai vợ chồng chúc tụng và tặng quà


* Tục Chuê nuê:

Đây là một luật tục cổ truyền, tồn tại đã khá lâu và bền vững trong hôn nhân của người Êđê.

Tục Chuê nuê được xem như một luật tục bình thường, hiển nhiên và được cộng đồng thực hiện một cách tự nguyện như mọi luật tục khác trong hôn nhân truyền thống từ bao đời nay. Trường hợp người nuê chênh lệch quá nhiều về tuổi tác thì họ chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa, trường hợp này cũng đã được luật tục điều chỉnh và qui định rõ ràng :”Nếu người goá đã đứng tuổi mà người thay thế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu làm vợ(chồng), thì người goá phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo nuê như một đứa trẻ bình thường khác”.Luật đã qui định người goá phải “Biết che chở ,chờ đợi nuê , đến một lúc nào đó nuê sẽ làm được nhiệm vụ nối tiếp giống nòi”.

Việc duy trì bảo vệ gia đinh mẫu hệ không chỉ biểu hiện ở tục chuê nuê mà còn thể hiện trong quan hệ giữa các chị em gái ruột và con cái của họ nữa. Trong tộc mẹ, những người phụ nữ luôn luôn xem những đứa con  của các chị em gái ruột hoặc chị em gái họ như con đẻ. Không những thế họ còn nuôi nấng, yêu thương và chăm sóc nó như chính con đẻ của mình. Những người phụ nữ được sinh ra cùng một mẹ hoặc một bà không chỉ gọi con mình là con (dam:con trai,con gái:anak) mà gọi cả những đứa con trai, con gái của chị em gái mình cũng là anak (con). Tương tự như vậy, những người đàn ông cũng gọi con trai, con gái của anh em trai mình là anak. Những đứa con của chị em gái không chỉ gọi mẹ mình là amí (mẹ) mà còn gọi chị của mẹ mình là amí prong (mẹ lớn), em gái của mẹ là amí mneh và dì út thường được gọi là amí điêt hoặc amí mda (mẹ nhỏ,mẹ trẻ). Những đứa trẻ cùng bà ngoại (con của các chị em gái cùng một mẹ) đều coi nhau như anh em cùng một mẹ. Như vậy, việc người phụ nữ trong dòng họ của vợ chấp nhận làm vợ nuê không những xuất phát từ tình yêu thương với người goá kia mà còn trách nhiệm và tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh.

Tục Chuê nuê không những tìm lại sự trọn vẹn của gia đình mẫu hệ, tạo điều kiện cho con trẻ không bị khủng hoảng về tình cảm, tâm lý mà còn bảo vệ của cải vật chất, bảo vệ gia đình mẫu hệ. Theo họ,  gia đình như vậy mới không bị “đứt dây”, người còn lại “không bị lẻ đôi đơn chiếc”.

Hiện nay trong hôn nhân của người Êđê, tục Chuê nuê vẫn còn tồn tại và vẫn được bà con áp dụng ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Tuy nhiên, việc chấp nhận làm vợ hoặc chồng nuê đều được thực hiện một cách tự nguyện, không ép buộc.

4. Một số nghi lễ của người Ê đê

  Lễ cúng sức khỏe, chúc phúc

1.                 Mở đầu một buổi lễ là Bài chiêng đón khách do các cô gái với những ống dinge lấy nước từ các bến nước của buôn làng.

          2. Tiếp theo, những cô gái này thực hiện nghi thức vỗ tay gọi các Giàng núi, sông, nước (Echang Krông pay). Đây là nghi lễ trang trọng trong các buổi lễ của người Êđê.

          3. Bắt đầu vào lễ cúng sức khoẻ cho Ylinh Niê (người được chúc phúc). Niê quay mặt về hướng Đông. Theo quan niệm của người Êđê, họ sinh ra từ hướng Đông nên khi thực hiện nghi lễ họ quay mặt về hướng này.

          4. Già làng nối cần với Ylinh Niê để cầu chúc sức khoẻ và may mắn cho chàng trai. Tiếng cồng chiêng tiếp tục vang lên. Già làng hát điệu hát phổ biến để chúc phúc sức khoẻ cho người mình muốn nói. Trong lúc già làng hát chúc phúc thì những người đến dự lễ tiếp tục thưởng thức rượu cần. Các cô gái tiếp tục lấy những dòng nước tinh khiết từ các con suối đổ vào trong ché

          5. Sau đó, Ylinh Niê cảm ơn mọi người đã đến dự buổi lễ và mời khách cùng uống rượu cần, chúc phúc. Trong lúc này, mọi người cùng nhau múa hát, chúc phúc cho Ylinh Niê.

.

 Lễ đặt tên - Thổi tai

Lễ được thực hiện khi con cái được khoảng 16 ngày tuổi.Các lễ vật gồm: Một chén rượu, một con gà trống (con trai cúng gà trống, con gái cúng gà mái), một quả cà đắng, một củ nén, một lá ổi rừng (nếu không có lá ổi thì dùng lá bằng lăng), một chén bằng đồng (đựng nước sương hứng từ trước). Là con trai thì nên có thêm một cái dùi, một cái đục, một con dao gọt.

Người làm lễ đặt tên - thổi tai cho cháu bé (theo phong tục của người ê đê, lễ này không đánh chiêng) thường là các già làng và là phụ nữ. Lễ đặt tên được làm trước. Bà đỡ đặt các lễ vật trong cái thúng bên cạnh cháu bé và cầu nguyện: "Nay ta đặt tên cho cháu, nếu cháu ưng tên ta đặt thì cháu hết khóc và ngủ thật ngon. Nếu không thích tên này, cháu hãy khóc thật to". Sau đó, bà đọc tên từng người trong dòng tộc đã quá cố. Khi bà đọc đến 1 cái  tên mà cháu ngừng khóc thì tên đó đã được dùng đặt tên cho cháu bé.

Sau khi đọc tên xong, bà lấy một chút gan gà cho cháu bé ăn, lấy lá ổi nhúng nước sương trong chén đồng bôi lên miệng cháu bé. Bà cầu nguyện: "Này cháu, ta cho cháu ăn gan này để sau này cháu gan dạ, uống nước để khi gặp sương gió dãi dầu không quản vất vả, mệt nhọc cháu nhé! ". Rồi bà lấy nước sương bôi lên tay chân cháu bé và nói: "Này cháu, ta bôi nước sương lên tay chân cháu, mong cháu siêng năng, chăm chỉ, bất kể ngày đêm, mưa nắng cũng không sợ".

Tiếp đến là lễ thổi tai: Bà đỡ cầm một củ gừng, một củ nén (có nơi dùng ống nứa), thổi vào hai lỗ tai của cháu bé và cầu nguyện: "Này ta thổi gừng này, nén này vào hai lỗ tai cháu, để tai cháu được thính, mắt cháu được sáng như sao Mai và phải ngoan ngoãn vâng lời ama, amĩ". Bà cầm cái dùi, cái đục, con dao lên cầu nguyện: "Này ta cầu mong cho cháu sau này lớn lên có đôi bàn tay khéo léo biết rèn, biết đan gùi, rổ, rá để dùng".

Cuối cùng bà lấy một sợi chỉ đen cột vào tay cháu bé để chứng tỏ cháu bé đã được làm lễ đặt tên - thổi tai và thật sự có tên từ bây giờ.

Lễ đặt tên - thổi tai là lễ thức quan trọng trong nghi lễ vòng đời của người dân tộc êđê. Lễ được tổ chức đơn giản nhưng quan trọng trong phạm vi gia đình, dòng tộc. Lễ đặt tên - thổi tai và lễ cúng cầu sức khỏe là những nghi lễ truyền thống được gìn giữ trong cộng đồng.

 Lễ hội trưởng thành

"Lễ Thôi Kồng" (MpuTohkoong), còn được gọi là "Lễ trưởng thành", là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Ê-Đê. Đây là nghi thức bắt buộc đối với mỗi chàng trai khi đến tuổi trưởng thành với sự chứng kiến của đông đảo người trong họ tộc và dân làng. Già làng đóng vai trò là người dẫn dắt các nghi thức diễn ra trong buổi lễ.

Mở đầu, già làng thay mặt buôn làng, thay mặt họ tộc chàng trai làm lễ cúng Giàng, xin phép thần linh được làm lễ trưởng thaành cho chàng trai. Các lễ vật của buổi lễ gồm thịt lợn, gà, rượu cần, cơm. Sau khi cúng xong, già làng dắt tay chàng trai đến bên ché rượu cần được đặt giữa sân. Chàng trai uống một can rượu rồi theo già làng đến nơi đặt lễ vật xin tổ tiên được ăn một miếng. Tiếp theo là lễ đổ nước của các cô gái. Các cô gái vừa cầm ống nước vừa múa rồi đổ nước từ ống nứa vào từng ché rượu. Bát tiết gà được bưng ra. Già làng thả chiếc vòng bằng đồng vào bát tiết, chiếc vòng quay theo hướng nào thì hướng đó sẽ là điềm dự báo cho tương lai của chàng trai. Sau khi cúng Giàng, cúng tổ tiên, già làng đeo vòng vào tay chàng trai. Đối với người dân tộc Ê-Đê, chiếc vòng là biểu tượng của cuộc sống, chàng trai sẽ phải đeo nó từ nay đến suốt đời và nó có ý nghĩa là buôn làng đã trao cho anh sức mạnh để vững vàng bước vào một giai đoạn tiếp theo của đời người. Người trong họ tộc, trong buôn làng đến chia vui cùng chàng trai bằng cách lần lượt uống rượu và ăn đồ cúng.

          Tiếp theo là nghi thức đạp rìu. Chàng trai được đưa đến bên vò rượu, chân đạp lên lưỡi chiếc rìu đã được bôi tiết gà. Già làng cúng, cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với chàng trai rồi cầm bát tiết đi bôi lên từng chiếc chiêng, trống. Sau đó, chiêng, trống nổi lên, ông cậu của chàng trai tiến ra sân cầm theo khiên, giáo bắt đầu nghi thức trao khiên cho chàng trai. Ông rung khiên, đâm giáo theo hướng bắc nam để báo cáo với ông bà, tổ tiên về ngày trọng đại của cháu mình, đâm ngọn giáo về hướng đông tây để xua đuổi tà ma. Kết thúc, ông bước lên 7 bước rồi lùi về, trao khiên cho chàng trai. Chàng trai bắt đầu múa, lắc khiên. Trong khi đó, các cô gái nhảy múa xung quanh tạo cho không khí thêm phần sôi động. Khi chàng trai múa nhanh hơn, say mê hơn, lần lượt các cô gái cầm bát nước té vào chàng trai, chàng trai phải dùng khiên đỡ, gạt nước ra. Đây chính là phần hấp dẫn, vui nhộn nhất của lễ hội và cũng là nghi thức cuối cùng mà chàng trai phải thực hiện trước khi được dân làng và thần linh chính thức công nhận đã trưởng thành. Kết thúc lễ hội, mọi người trong buôn làng cùng nhau uống rượu cần và nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Lễ trưởng thành của người Ê-Đê thể hiện tính cộng đồng rất cao vì có sự tham gia, góp sức của cả buôn làng.

          Hiện nay, Lễ hội này vẫn được người Ê-Đê gìn giữ, bảo tồn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ, hơn thế, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt.

*Lễ bỏ mả

Người Ê đê khôngcó tục thờ cúng tổ tiên, họ chỉ giữ gìn mồ mả trong một thời gian. Trong thời gian sau tang lễ, thân nhân phải mang cơm rượu ra đổ vào ống ở mộ. Mỗi tháng một lần họ phải cúng vong hồn người chết đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi.
Người Ê đê làm lễ bỏ mả với ý nghĩa vĩnh biệt vong hồn người chết và không bao giờ nhắc đến nữa. Nói cách khác lễ bỏ mả là sự tuyên bố đoạn tuyệt giũa người sống và người chết. sau lễ này linh hồn mới được về với tổ tiên. Lễ bỏ mã là một trong những lễ quan trọng của người Ê đê, được tiến hành long trọng như tang lễ. Thời gian làm lễ sớm nhất là một năm, tùy thuộc vào kinh tế của thân nhân người chết. Nghĩa là lúc nào có đủ rượu, gạo, thịt dâng cúng từ 2-3 ngày mới tổ chức được. Chủ xướng lễ bỏ mả có thể là một gia đình, một dòng họ, có khi cả buôn. Nhà giàu dòng họ lớn thì mổ nhiều trâu, bò, buộc nhiều ché rượu. Nhà nghèo thì cũng phải đủ rượu thịt để cung cấp thức ăn uống, chia phần cho những người dự lễ. Nghi thức chính của lễ bỏ mả được diễn ra ở khoảng đất rộng của nghĩa địa.thanh niên lên ừng chặt cây làm nhà mồ mới, dựng cột kut, cột klao( chỉ có nhà giàu, trưởng thành mới được dựng cột klao) . Trâu, bò, heo được xẻ thịt ngay tại chỗ, rượu cần được dựng thành hàng quay về hướng đông, bàn cúng được dựng bằng tre nứa. Trên đó bày những lễ vật cúng cho người chết gồm có một chén cơm trắng, một chén thịt sồng thái nhỏ trộn tiết con vaatjvuaf bị giết cùng với một mẩu đuôi, một chiếc xương đầu và bầu rượu được hút từ ché rượu.Xương hàm dưới của con vật bị giết cũng được treo ở cột klao. Khi hoàn tất lễ cúng, thầy cúng mặc lễ phục nghiêm chỉnh, ngồi bên ché rượu thịt và đọc lời đoạn tuyệt của người sống với người chết. Trong buổi lễ này người ta thả con gà con vào rừng để tượng trưng cho linh hồn không còn bị các thaanfgiam hãm nữa để về với tổ tiên.

 Kết thúc buổi lễ, các bà các cô lại gieo lên mộ những hạt ngũ cốc và trồng một cây chuối ở đầu mồ làm nguồn lương thực cho người chết ở thế giới bên kia. Sau buổi lễ, mọi người cùng nhau uống rượu thịt ngay bên mộ. Tiếng trống nổi lên rộn rã, lửa được nhóm lên, mọi người vui vẻ ăn uống, nhảy múa và trò chuyện cho đến khi thịt hết, rượu lạt họ mới trở về làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét