Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

HỆ THỐNG TƯỢNG PHẬT TRONG PHẬT ĐIỆN PHÁI ĐẠI THỪA BẮC TÔNG

SƠ BỘ VỀ HỆ THỐNG TƯỢNG TRONG PHẬT ĐIỆN PHÁI ĐẠI THỪA BẮC TÔNG
Chùa chiền miền bắc hầu hết theo phái Đại thừa (Bắc tông)nên thường có nhiều tượng. Thông thường mỗi chùa có khoảng từ hai đến vài chục tượng, có nơi thờ hàng trăm tượng. Chẳng hạn như chùa Mía ở Sơn Tây có 287 pho tượng, chùa Trăm Gian ở Hà Đông có 153 pho. Các tượng thường đi theo bộ, nơi thêm bộ này nơi bớt bộ kia, phụ thuộc nhiều vào diện tích của Chính điện. Ở Vĩnh Phúc, đại đa số các chùa có từ khoảng gần hai mươi đến bốn mươi pho tượng. Có nhiều lý do giải thích sự khác nhau về số lượng tượng, trong đó lý do điển hình là: Qua các thời đại, các chùa cổ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều đợt, mỗi đợt thường bổ sung thêm tượng thờ. Đồng thời, dân ta lại có thói quen tự tiện “cung tiến” tượng Phật và các tượng khác vào chùa, do không thể từ chối lòng hảo tâm của Phật tử và các tấm lòng công đức nên xảy ra trường hợp có những chùa có tới 3 bộ tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh, 2 tượng A Di Đà, 2 hoặc 3 tượng Quan Âm Thiên thủ. Việc công đức “thừa” tượng như vậy cùng với việc bài trí các tượng không hợp lý và sơn lại tượng cổ đã khiến cho hệ thống tượng ở nhiều chùa giảm yếu tố linh thiêng truyền thống, kém ý nghĩa về tôn giáo. Trên cơ sở tổng hợp, biên soạn từ một số bài viết phổ biến kiến thức của tạp chí Di sản Văn hóa và những tài liệu tham khảo chuyên ngành khác, xin trình bày sơ bộ về hệ thống tượng thờ trong chùa. Mục đích là giúp độc giả nhận dạng và nắm bắt được ý nghĩa các tượng, để từ đó giúp cho việc bài trí, sắp xếp một Phật điện được hợp lý, đúng đắn, đảm bảo tính thiêng cho di tích.
Sau đây là sơ đồ một Phật điện thông thường:
http://linhx.files.wordpress.com/2011/03/so-do-phat-dien-2.jpg?w=355&h=182
Sơ đồ một Phật điện thông thường
1- Tam Thế Phật
2- Di Đà Tam Tôn (A Di Đà; A-Quan Thế Âm Bồ Tát; B-Đại Thế Chí Bồ Tát)
3-3.1-Hoa Nghiêm Tam Thánh
(Thích Ca Mầu Ni Phật; A-Văn Thù; B-Phổ Hiền)
3.2- Tuyết Sơn Tam Thánh
(Tuyết Sơn; A-Ca Diếp; B-A Nan Đà)
4- Di Lặc Phật
5- Ngọc Hoàng (A-Nam Tào; B-Bắc Đẩu)
6- Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh (A-Phạm Thiên; B-Đế Thích)
7-Quan Âm Thiên Thủ/Nam Hải
8- Quan Âm Tọa Sơn
9- Địa Tạng Vương Bồ Tát
10- Thổ Địa
11- Thập Điện Diêm Vương
12- Kim Cương/Hộ Pháp Khuyến Thiện
13- Kim Cương/Hộ Pháp Trừng Ác
14- Đức Ông – Già Lam – Chân Tể
15- Thánh Tăng – Diệu Nhiên – Đại Sĩ
16- Tổ Truyền Đăng/Thập Bát La Hán
***
1- Tam Thế Phật:
Bộ tượng này gồm có 3 pho, thường được tạc trong tư thế ngồi thiền bán kiết. Ta thường gọi theo thói quen là tượng “Tam Thế”. Thực ra đây chỉ là tên gọi tắt theo thói quen của người Việt, để chỉ các vị Phật ở Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Tên gọi đầy đủ của bộ tượng này có nhiều, song phổ cập là “Tam Thế Tam Thiên Phật” tức 3.000 đức Phật, mỗi thời 1.000 vị, hay “TamThế Thường Trụ Diệu Pháp Thân” là nhằm tôn sùng cái hình tướng chân thật, sáng láng, kỳ diệu, luôn tồn tại khắp không gian và xuyên thời gian của các đức Phật.
Trong một ngôi chùa mà Phật điện còn tương đối đầy đủ thì bộ tượng Phật Tam Thế thông thường phải dược đặt ở vị trí cao nhất, xa nhất và do đó mà thâm nghiêm nhất, được các Phật tử tôn kính nhất.
2- Di Đà Tam Tôn:
A Di Đà; A – Quan Thế Âm Bồ Tát; B – Đại Thế Chí Bồ Tát
Bộ này gồm có: Đức Phật A Di Đà ngồi chính giữa, tượng trưng sự sáng suốt hoàn toàn, tức là TRÍ. Bên trái tượng A Di Đà là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng tình thương yêu muốn cứu khổ chúng sinh, tức là BI. Bên phải tượng A Di Đà là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, tượng trưng sức mạnh của ý chí, tức là DŨNG. Ba vị này ngự ở cõi Tây Phương Cực Lạc, phóng hào quang để tiếp dẫn chúng sinh. Thờ Di-Đà Tam Tôn còn có ý nghĩa là giúp con người phát triển ba đức tính: Bi, Trí, Dũng trong bản thân mỗi người theo đức Đại Bi, Đại Trí, Đại Dũng của ba vị ấy.
Bộ tượng này thường thấy trong các chùa Phật thuộc Tịnh Độ Tông và thường thì tượng A Di Đà là tượng lớn nhất trong chùa. Có hai dạng tượng trong hai tư thế là ngồi thiền bán kiết và đứng. Phổ biến hơn cả vẫn là tượng A Di Đà ngồi xếp bằng trong tư thế toạ thiền, hai tay đặt giữa lòng đùi, khuôn mặt đôn hậu, mắt nhìn xuống suy tư, miệng hơi mỉm cười. Tượng A Di Đà đứng thuyết pháp trên toà sen thì không nhiều, do có ý kiến cho rằng tượng này chỉ được tạo tác trong tư thế đứng khi là muốn nhấn mạnh sự gấp gáp cứu độ, tiếp dẫn chúng sinh ra khỏi xã hội đau khổ, điều này chỉ xuất hiện trong một số hoàn cảnh xã hội nhất định mà thôi.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát cũng có 2 dạng: ngồi bán kiết hoặc đứng. Các tượng có niên đại sớm thường được tạo hình khá giống nhau và phân biệt được tên chỉ là dựa vào vị trí đứng ở bên trái hay bên phải của tượng A Di Đà. Các tượng có niên đại muộn (thường thuộc thời Nguyễn) thì hai tượng khác nhau, mỗi vị Bồ tát có một đặc trưng riêng.
3- Một trong hai bộ tượng là Hoa Nghiêm Tam Thánh hoặc Tuyết Sơn Tam Thánh:
3.1. Hoa Nghiêm Tam Thánh; A – Văn Thù; B – Phổ Hiền:
Ở giữa là tượng Phật Thích Ca Mầu Ni hay Phật Tổ Như Lai còn gọi là tượng Hoa Nghiêm. Hai bên là cặp Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền– được coi như là hai hiệp sĩ của đức Phật Thích Ca Mầu Ni. Ngài Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu ở bên trái đức Như Lai, ngài Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu ở bên phải. Cặp Bồ Tát này là hai bậc thượng thủ của hết thảy hàng Bồ Tát, thường giúp đỡ, tuyên dương cho việc giáo hóa chúng sinh của đức Phật Như Lai.
3.2. Tuyết Sơn Tam Thánh; A – Ca Diếp; B- A Nan Đà:
Tượng Tuyết Sơn diễn tả Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn với thân hình gầy gò, chỉ có da bọc xương. Hai bên là hai vị tôn giả trợ thủ Ca Diếp và A Nan Đà.
Ca Diếp (tượng có nét mặt già hơn) là người đứng đầu trong các đệ tử của Phật Thích Ca, tu theo phép tu khổ hạnh. Ngài hiểu rõ giáo lý của Phật hơn cả nên khi Phật Thích Ca sắp viên tịch có truyền lại cho Ca Diếp y bát (áo cà sa và bát) để biểu thị ý nghĩa trao lại đạo thống. Ca Diếp được coi là tổ thứ nhất của phái Thiền Tôn
A Nan Đà, cũng gọi ngắn là A-nan (tượng có nét mặt trẻ hơn) là em họ Phật Thích Ca, ngài xuất gia theo Phật. Theo kinh sách, A-nan-đà là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự đức Phật, là Tôn giả nổi tiếng với trí nhớ phi thường về những lời Phật dạy. Ngài được Ca diếp truyền y bát cho làm tổ thứ hai của phái Thiền Tôn.
4- Di Lặc Phật:
Di Lặc là tên phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa là “Từ Thị” tức là người có lòng từ bi, là một vị Bồ Tát và cũng là vịPhật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái Đất theo truyền thuyết Phật giáo trong khoảng 30.000 năm nữa. Tượng Di Lặc được tạo hình là một người ngồi trên mặt đất trong tư thế sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh, hình tướng mập mạp, mặt tròn, miệng cười, phong thái luôn vui vẻ.
Ở trong chùa, nhiều nơi thường không có tượng Di Lặc.
Có nơi ở 2 bên tượng Di Lặc có hai tượng trợ thủ là Pháp Hoa Lâm Bồ Tát và Đại Diệu Tường Bồ Tát. Bộ ba tượng này được gọi là Di Lặc Tam Tôn.
Còn có một số ít chùa tại hàng thứ tư trên Phật điện bày 2 tượng: Di Lặc Bồ Tát đặt bên phải và tượng Tuyết Sơn đặt ở bên trái.
5- Ngọc Hoàng – A- Nam Tào, B- Bắc Đẩu:
Bộ tượng này vốn của Đạo giáo nhập vào Phật Giáo. Bộ tượng này được bổ sung vào chính điện trong khoảng thời gian thế kỷ 19-20, nhằm nói lên uy lực của Trời, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay còn gọi là Hoàng Quân Giáo chủ, là đấng sáng tạo ra vũ trụ và thế giới nhân sinh. Trong tư cách này, Ngọc Hoàng như biểu hiện cho đấng sáng tạo với quyền năng tối thượng. Bên tay trái Ngọc Hoàng là tượng Nam Tào, vị thần giữ sổ sinh và xác nhận những điều tốt lành của chúng sinh. Bên tay phải Ngọc Hoàng là tượng Bắc Đẩu, vị thần giữ sổ tử và ghi chép những điều sai trái của chúng sinh.
6- Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh:
Theo quan niệm Phật giáo thì trong không gian có vô số thế giới và có vô số đức Phật, nhưng trong cõi thế của chúng ta cứ một triệu năm mới có một đức Phật ra đời. Đức Thích Ca là đức Phật thứ tư và là đức Phật hiện tại. Tên ngài là Thích Ca Mâu Ni, thái tử nước Ấn Độ. Truyền thuyết kể rằng ngài vừa sinh ra đã có 9 con rồng phun nước tắm, có hai vị thiên đế là Đế Thích và Phạm Thiên đến chào mừng, ngài đi 7 bước trên 7 bông hoa sen, tay trái chỉ trời tay phải chỉ đất nói: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”. Bám vào sự kiện ra đời đức Phật Thích Ca, nhà điêu khắc xưa đã tạc tượng Thích Ca Sơ Sinh, tức là Phật chưa thành Phật và không ngồi trên tòa sen.
Tượng Thích Ca Sơ Sinh rất phổ biến trong các chùa, đầu tiên được thể hiện theo giai thoại lúc ngài mới ra đời: Là hình tượng một em bé mình trần, mặc váy ngắn (thay cho quấn tã), đứng trên đài sen, tay trái chỉ trời còn tay phải chỉ đất. Về sau có thêm các dạng thức của tòa Cửu Long với 9 con rồng cuộn trong mây xoắn xung quanh. Đến thời Nguyễn vòm Cửu Long đã hoàn chỉnh thành hình một cái động, trên khung động còn được gắn rất nhiều tượng nhỏ xếp đăng đối hai bên, thứ tự từ trên xuống và từ trong ra ngoài giống như một Phật điện thu nhỏ.
Hai bên Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh là tượng Phạm Thiên (bên trái) và Đế Thích (bên phải). Bộ tượng này thường được đặt ở bệ tượng thấp nhất và ở ngoài cùng của hệ tượng được bài trí ở thượng điện.
7- Quan Âm Thiên Thủ/Nam Hải
Ngoài việc được thờ cùng Phật A Di Đà và Bồ Tát Đại Thế Chí trong bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Quan Thế Âm hay Bồ Tát Quan Âm cũng được đặt ở chính giữa Phật điện hoặc được thờ riêng, bàn thờ ấy thường được đặt phía trong bên trái bàn thờ chính.
Quan Thế Âm được người đời quan tâm nhiều bởi đặc tính cứu khổ cứu nạn. Dân gian thường gọi là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn vì Ngài có thể hóa thành muôn nghìn thân thể để cứu vớt người trong muôn nghìn trường hợp. Quan Âm có nhiều tay nhiều mắt diễn tả khả năng vô biên của Người để nhận thức, cảm thông và cứu vớt chúng sinh.
Người ta thường tạc tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn với rất nhiều đôi tay, con mắt tỏa ra như vầng hào quang ở sau lưng. Nhưng cũng có nhiều nơi tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được tạo hình rất đơn giản, chỉ như một tượng bồ tát ngồi bán kiết thông thường. Như vậy, chữ “thiên” trong “thiên thủ, thiên nhãn” ở đây có thể còn có nghĩa là “trời”. “Thiên nhãn” nghĩa là mắt trời, một trong ngũ nhãn của đạo Phật, là pháp lực huyền diệu của Quan Âm để có thể thấy mọi vật vạn, chúng sinh ở lục đạo luân hồi, thấy cả xa lẫn gần, cả to lẫn nhỏ, thấy cả trước mặt và sau lưng, cả trên và dưới, cả ban ngày và ban đêm, thấu suốt mọi nỗi đắng cay của chúng sinh mà dùng “thiên thủ” – tay trời tới cứu vớt. Khái niệm Thiên Thủ Thiên Nhãn có lẽ nói lên một biểu hiện và sức mạnh “vũ trụ” hơn là về số lượng.
Quan Âm Nam Hải cũng chỉ là một dạng Quan Âm nhiều tay hệ tượng Chuẩn Đề. Hình tượng này gắn với một trong những yêu cầu được đặt ra đối với tín ngưỡng Quan Âm trong buổi đầu khởi nguyên là cầu cho thuyền bè đi lại trên biển được bình an. Hình thái thờ Quan Âm Nam Hải ở nước ta(Quan Âm ở biển phương Nam) chỉ mới ra đời ở thế kỷ XVI. Tượng Quan Âm Nam Hải thường được tạo hình ngồi trên tòa sen nổi trên mặt biển. Tòa sen đó do quỷ hoặc rồng đội.
8- Quan Âm Tọa Sơn:
Dạng tượng Quan Âm Tọa Sơn có lẽ chính là sự kết hợp của tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo. Trong điện Mẫu ở các chùa, ba Mẫu Thiên – Thoải (Thủy) – Thượng Ngàn thường được tạo hình giống nhau và được đặt ở vị trí ngang hàng nhau. Tuy nhiên ở nhiều nơi Mẫu Thượng Ngàn còn được tách ra thờ riêng trong Sơn Trang, được tạo hình là cả một cảnh rừng núi, hang động còn hoang sơ. Như thế Mẫu Thượng Ngàn theo đúng nghĩa là người Mẹ ngồi trên đỉnh núi. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu thâm nhập vào ngay chính Phật điện thì Mẫu được Phật hóa thành Bồ Tát, cụ thể Mẫu Thượng Ngàn hóa thân thành Bồ Tát Quan Âm Tọa Sơn.
Loại tượng này có bế một đứa bé – tượng trưng cho chúng sinh đau khổ, nên còn được gọi là Quan Âm Tống Tử. Trong quá trình dân gian hóa hình thức này chuyển thành Quan Âm Thị Kính, cũng gọi là Mụ Thiện.
Tượng thường được tạc với hình tượng một người phụ nữ phúc hậu ngồi trong một hang động hoặc ngồi trên một mỏm núi, chân phải chống còn chân trái gấp nằm ngang, hai tay để trên đầu gối, chân đi đất, tay trái bế một đứa bé. Bên vai phải có thể có thêm một con vẹt hoặc chim khổng tước ngậm chuỗi hạt, đó chính là những hình ảnh này lấy từ tích chuyện về Quan Âm Thị Kính. Có thể có thêm hai tượng nhỏ Kim Đồng và Ngọc Nữ ở hai bên phía trước với dáng chầu hầu nhưng ngộ nghĩnh.
9- Địa tạng vương Bồ Tát:
Là vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục và trẻ con yểu tử, cũng được xem là người chuyên cứu giúp lữ hành phương xa. Đó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật. Địa Tạng hay cầm ngọc Như ý và Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh của Bồ Tát trong Lục đạo (sáu đường tái sinh).
Trong kinh Địa Tạng, có nói rằng: Hễ ai làm miếu, cất khánh, tô vẽ hình ngài Địa Tạng và cúng dường lễ bái ngài thì được mười điều lợi ích như: – Đất cát, nhà cửa bình yên, người thác được sinh lên cõi trời, người sống thêm tuổi thọ, cầu gì được nấy, tránh được tai nạn nước lửa và các điềm dữ, đi đâu đều có thần ủng hộ, gặp nhiều duyên lành, điều may mắn…
10- Thổ Địa:
Thổ Địa hay còn gọi là Kiên Lao Đại Thần. Tượng hình một ông già tóc bạc râu dài, tay cầm cành trúc hay phất trần, mang chức năng bảo hộ Phật pháp.
11- Thập điện Diêm Vương:
Bộ này gồm 10 tượng chia thành 2 hàng ở 2 bên nhìn vào chính điện. Gồm có: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ/Ngọ Quan Vương, Diêm La Vương, Thái Sơn Vương, Biến Thành Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương.
* Có nơi ở vị trí này lại đặt tượng Tứ Bồ Tát, gồm bốn vị: Sách Bồ Tát, Quyền Bồ Tát, Ái Bồ Tát, Ngữ Bồ Tát.
12 – 13- Kim Cương/Hộ Pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác:
Hộ pháp là sự ủng hộ chính pháp của Phật và Bồ Tát. Phải có sự ủng hộ của các bậc có lực lượng lớn thì đạo mới không bị diệt. Lực lượng ấy, từ Phạm Thiên, Đế Thích, Bát bộ quỷ thần, đến các vua chúa… đều là người bảo hộ Phật Pháp và được gọi là Hộ Pháp. Các thần Hộ Pháp như Tứ Thiên Vương, Kiên Lao, Địa Kỳ… đều thề trước Phật quyết ra sức hộ trì Phật pháp.
Phổ biến nhất là hai dạng tượng Hộ Pháp:
1. Bát bộ Kim Cương xuất hiện từ thời Lý – Trần gồm: Thanh Trừ Tai Kim Cương; Tích Độc Thần Kim Cương, Hoàng Tùy Cầu Kim Cương; Bạch Tịnh Thủy Kim Cương; Xích Thanh Hỏa Kim Cương; Định Trừ Tai Kim Cương; Tử Hiền Thần Kim Cương; Đại Thần Lực Kim Cương. Cả tám vị đều được tạo hình là võ tướng, đứng trên mây, kích thước tương đương nhau, với chức năng hộ Pháp, các vị Kim Cương đều mang theo vũ khí, song từ màu da và khuôn mặt, sự phối kết cơ bắp toàn thân đã biểu hiện rõ hai tính chất đến trái ngược nhau là trừng ác và khuyến thiện. Tượng Kim Cương có thể được chia ra từng cặp đứng ở bốn cửa tháp Phật. Hoặc chia ra đứng ở 2 bên tiền đường.
2. Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác: xuất hiện thành bộ đôi tượng Hộ Pháp chính thức từ thời Nguyễn, là hai pho tượng rất lớn, có ở hầu hết các chùa. Hai pho này có thể đứng hoặc ngồi trên lưng sư tử, nhưng đều cao to, đầu gần chạm mái nhà. Hộ Pháp Trừng ác mặt đỏ gay, tay lăm lăm vũ khí, còn Hộ Pháp Khuyến Thiện mặt trắng, tay cầm viên ngọc. Tượng Khuyến Thiện ở bên trái, Trừng Ác ở bên phải với nguyên tắc “Tả trọng hữu khinh” (bên trái trọng hơn bên phải). Tượng Hộ Pháp thời này đều đắp bằng đất luyện, trang trí rườm rà và vụn, sơn quét nhiều màu. Điều này phổ biến trong khắp mọi chùa.
14- Đức Ông:
Lấy điển tích về cùng xuất hiện đồng thời chứng minh khi Đức Thích-ca vừa thành đạo. Trưởng giả Cấp-cô-độc, một nhân vật thời Thích-ca tại thế, đã mua một khu vườn cây xây tịnh xá, ngôi chùa rất to lớn đầu tiên trên thế giới, thỉnh Phật Thích-ca về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Vì vậy người ta gọi là Đức Ông
Tượng có hình dáng quan văn, đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài và đen, mắt sắc, vẻ mặt nghiêm nghị, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ ghi chép các công việc xẩy ra ở chùa và các công đức thành tâm của tất cả ai đến lễ Phật tại chùa. Vì vậy khi vào chùa lễ Phật, đầu tiên là phải làm lễ trước ban thờ Đức Ông để kính cáo, sau đó mời ra chính giữa Phật điện để lễ Phật.
Đức Ông có thể có hai thị giả là Già Lam và Chân Tể đi kèm. Tượng hai vị này cũng được tạo hình là quan văn đứng hoặc ngồi hai bên Đức Ông. Một vị tay cầm bút, một vị tay cầm sổ sách, cũng có chùa một vị là quan văn tay cầm sổ sách còn vị kia là một võ tướng tay cầm binh khí.
15- Thánh Tăng:
Hay còn gọi là Đức Thánh Hiền. Tượng được tạo hình là một vị tăng đầu đội mũ tỳ lư thất phật, vành mũ là 7 cánh sen, mỗi cánh sen có hình một đức Phật, tay cầm chén, tay bắt ấn. Tượng chính là hình ảnh ngài A Nan Đà tôn giả vâng theo lời Phật làm nhiệm vụ truyền bá đạo Phật, phân phát cơm cháo… cho các chúng sinh bị đói khát.
Thánh Tăng cũng có hai trợ thủ là Diệu Nhiên và Đại Sĩ, thường được đặt trong tư thế đứng hầu: một pho với khuôn mặt mầu xanh dữ tợn, còn một pho hình dáng nhân từ hiền hậu.
16- Tổ truyền đăng/ Thập Bát La Hán:
- Tổ truyền đăng:
Theo lịch sử Phật giáo thì sau khi đức Phật Thích Ca Mầu Ni tịch diệt, ngọn đèn Phật giáo ở Tây Thổ (Ấn Độ) được 28 vị Tổ kế tiếp nhau truyền thừa thắp sáng. Đến tổ 28 của Phật giáo Tây thổ là Bồ Đề Đạt Ma đã truyền sang Trung Quốc và trở thành sơ tổ của dòng Đông Độ, phát triển đến Tổ thứ 6 là Huệ Năng đại sư thì chia ra các thiền phái. Như vậy tất cả có 33 vị Tổ chung được gọi là Tổ Kế Đăng (hay Tổ Truyền Đăng).
Bộ tượng này thường đặt ở hai dãy hành lang hoặc nhà hậu. Các tượng này được chọn trong 28 vị tổ đầu tiên ghi trong sách Thiền Uyển kế đăng lục. Ý nghĩa của các tượng này là: các vị tổ có nhiều nguồn gốc, thành phần xuất thân khác nhau, nói lên tính hòa đồng không phân biệt đẳng cấp của nhà Phật. Mặt khác những thành tích gắn với các tổ liên quan tới bước phát triển của Phật giáo từ hệ thống Tiểu thừa chuyển dần sang Đại thừa, từ không gian hẹp phát triển ra khắp nơi… Thường là lấy 18 vị trong số 20 vị Tổ đầu của Tây thổ nhưng bỏ Tổ 11 và Tổ 15. Đó là các vị Tôn Giả: Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà, Thương Na Hòa Tu, Ưu Ba Cúc Đa, Đề Đa Ca, Di Giá Ca, Bà Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phục Đà Mật Đa, Hiệp, Mã Minh, Ca Tỳ Ma La, Long Thụ, La Hầu La Đa, Tăng Già Nan Đề, Già Da Xá Đa, Cưu Ma La Đa, Xà Dạ Đa. Vì con số 18 này mà người ta thường nhầm các vị Tổ Truyền Đăng là 18 vị La Hán như ỏ chùa Tây Phương rất nổi tiếng ở Hà Tây. Song tượng Tổ Truyền Đăng thường là những tác phẩm điêu khắc bám sát cá tính nhân vật, điển hình hóa, tổng hòa những nét cá biệt để nêu bật cái thực và cái thần của mỗi vị tổ, chứ không nhang nhác giống nhau như tượng La Hán.
- Thập bát La Hán:
Theo sách Pháp trụ ký thì đức Phật chỉ định 16 vị La Hán sống mãi ở cõi đời này để tế độ chúng sinh. Đó là các vị Tôn Giả: Tân Độ La Bạt La Nọa Xà, Ca Nhạ Ca Phạt Ta, Ca Nhạ Ca Bạt Ly Noa Xà, Tô Tần Đà, Nhạ Cư La, Bạt Đà La, Ca Lý Ca, Phạt Xà La Phất Đà La, Thú Bác Ca, Ban Thác Ca, La Hỗ La, Nà Già Tê Na, Nhân Yết Đà, Phạt Na Bà Tư, A Thị Đa, Chú Đồ Bán Thác Ca. Về sau, có người thêm hai vị Tôn Giả nữa để thành 18, hoặc là Khánh Hữu và Tân Đầu Lư, hoặc là Ca Diếp và Quân Đồ Bát Thán. Bộ tượng này cũng thường được đặt ở hai dãy hành lang trong chùa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét