Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

DÂN TỘC CƠ HO

1: ĐẶC ĐIỂM CHUNG:
      1.1:Nét khái quát về dân tộc Cơ Ho:

Tên tự gọi:                  Cơ Ho.
Nhóm địa phương:     Srê, Nộp ,Cơ Dòn, Chil, Lạt (Lạch) .  ( theo danh mục thành phần của các dân tộc thiểu số việt nam công bố năm 1979).
Dân số:                         khoảng 128.723 người (tháng 4/1999)
Ngôn ngữ:                    Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
                         Lịch sử:                        Người Cơ Ho có lịch sử cư trú lâu đời ở Tây Nguyên.
*Tộc danh :tộc danh Cơ ho và mỗi tên gọi nhóm địa phương nói trên đều mang những ý nghĩa riêng xác định :
-Cơ ho có nghĩa là người ở trên núi;
-Srê:người làm ruộng ;
-Nộp : người sống quanh núi Nộp và suối Nộp,có tục trồng cau và ăn trầu;
 -Cơ Dòn :là người sống quanh suối Cơ Dòn, một con suối lớn nằm ở phía Nam huyện Lâm Hà ngày nay ;
-Chil là người sống trên núi cao,nơi có rừng già chỉ biết làm nương rẫy ;
-Lạt hay Lạch là người cư trú ven suối Lạt,noiỷ có nhiều lau lách,với các loại cây đặc trưng là cây lạt giống như cây mía.
Dân tộc Cơ Ho là cư dân sinh sống lâu đời ở cao nguyên Lâm Đồng,dọc theo quốc lộ số 20 từ phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Đà Lạt.
Tổ tiên người Cơ Ho cư trú xen lẫn với: Mnông, Mạ nên ảnh hưởng giao hòa. Có những nhóm người Cơ Ho chúng ta mới gặp, khó phân biệt với Mnông,Mạ ,đây cũng là nét đặc trưng của người Cơ Ho.
Truyền thuyết của người Nộp cho rằng , vốn xưa các nhóm Cơ Ho chỉ là một, về sau mới chia dần ra , trong đó , người Nộp được coi là mẹ , Cơ Dòn được coi là cha, còn Srê là con (?)
Ngày nay có nhiều nhóm địa phương trong cộng đồng dân tộc Cơ Ho.
+ Nhóm Cơ Ho Srê :  là nhóm có dân số đông nhất. Họ có mặt ở hầu hết các huyện của tỉnh Lâm Đồng, tập trung nhất là ở Di Linh, một số sinh sống ở vùng sông Lũy thuộc tỉnh Thuận Hải.
+Nhóm Cơ Ho Chil : Trước đây, họ sống rải rác trên vùng núi cao thuộc thượng lưu sông Krông Knô ,Krông Bung ,Bắc và Tây- Bắc cao nguyên Lang Biang. Nhưng do sống du canh, du cư, nên từ lâu, họ đã di chuyển xuống phía Nam , cư trú vùng Bắc và Đông- Bắc thành phố Đà Lạt, gần với địa bàn cư trú của nhóm Cơ Ho Lạt, người Chu Ru và Raglai. Hiện nay, họ cư trú trên địa bàn các huyện Đức Trọng,  Đơn Dương và vùng phụ cận thành phố Đà Lạt...
+ Nhóm Cơ Ho Lạt: cư trú tập trung ở xã Lát và một số vùng thung lũng xung quanh thành phố Đà Lạt. Người Lạt có điều kiện tiếp xúc, giao lưu lâu dài với người Kinh, nên đời sống kinh tế nhóm này có những tiến bộ nhất định so với các nhóm Cơ Ho khác.
+ Nhóm Cơ Ho Nộp: cư trú phía Nam Di Linh, ven đường số 6 từ Di Linh đi Phan Thiết. Do có quá trình giao lưu văn hóa xã hội lâu đời với các dân tộc anh em ở Bình Thuận, nhất là người Chăm, nên người Cơ Ho Nộp còn lưu giữ một số yếu tố văn hóa của các dân tộc đó như tục ăn trầu, và trồng trầu, cau xung quanh địa điểm cư trú .
+Nhóm Cơ Ho Cơ Dòn :cư trú ở miền núi phía Đông- Nam Di Linh, gọi là vùng Gia Bắc, kế cận với địa bàn cư trú của người Cơ Ho Nộp, tập trung đông nhất tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh.
Ở người Cơ Ho , ý thức về tộc người Cơ Ho chung dường như mờ nhạt , trong khi ý thức về các nhóm địa phương lại rất đậm nét. Trong tiếng Cơ Ho , thuật ngữ chỉ người được gọi là chau hay chor . Trong ngôn ngữ thường nhật , rất ít khi nghe các nhóm địa phương của dân tộc dùng thuật ngữ Chau Cơ ho để chỉ về mình , trong khi thuật ngữ Chau/chor + tên nhóm địa phương:chau Srê,chau Nộp…lại phổ biến.
Tuy vậy các nhóm địa phương Cơ ho đều chung sống với nhau rất đoàn kết và tạo thành nhóm Cơ Ho thống nhất.
1.2:Những lưu ý chung đối với khách khi “ nhập gia” của người Cơ Ho:
Bàn thờ là chốn linh thiêng nhất đối với mỗi gia đình người Cơ Ho. Bàn thờ ngày trước làm bằng ván gỗ có chạm trổ nhưng nay hầu như không còn nữa.  Giờ đây khi đặt chân vào nhà người Cơ Ho , chúng ta phải quan sát kỹ mới nhận ra chỗ thờ cúng nhờ những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào, thì mới mong khỏi thất lễ với gia đình chủ.
Trâu là con vật tổ của người Cơ ho nói riêng, các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung. Chính vi vậy người khách đến nhà không thể không biết điều này.
Người Cơ Ho đi theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành  cho nên cấm kỵ nhất là nói xấu trước mặt họ về hai đạo này. Và cũng rất “dễ lấy lòng” họ nếu ai biết về hai đạo này.
Đến thăm gia đình làm nghề rèn ban cũng nên chú ý:  họ rất kỵ đàn bà goá, phụ nữ có thai lần đầu đi ngang qua nơi làm việc vì sợ hư hại sản phẩm giữa chừng.
Người Cơ ho rất yêu quý chó, họ không bao giờ ăn thịt chó. Chính vì thế khi đến nhà người Cơ ho chung ta cũng nên “cư xử nhã nhặn” với những “chú cún”.

2- ĐỜI SỐNG KINH TẾ:
 Kinh tế của người Cơ Ho chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có săn bắt  hái lượm lâm thổ sản và một số nghề thủ công như rèn, đan lát, dệt.
2.1: Trồng trọt và chăn nuôi:
Ngành kinh tế chủ đạo của người Cơ Ho là trồng trọt.
2.1.1: Làm rẫy:
Nương rẫy chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống kinh tế của người Cơ Ho Chil,  người Cơ Ho Srê thiên về làm ruộng .
Rẫy là những mảnh đất trồng trọt bằng hoặc dốc do chặt cây , đốt rừng mà có,công cụ làm đất thô sơ, không có điều kiện thâm canh và làm thủy lợi , không sử dụng vĩnh viễn và liên tục , có thời gian bỏ hóa , từ du canh , luân canh đến du cư.
Ở tất cả các vùng , các nhóm ,nương rẫy được thống nhất gọi là mir  , một thuật ngữ chỉ rẫy thấy tồn tại ở nhiều dân tộc nói ngôn ngữ Môn-khơme khác thuộc Tây Nguyên như Ba Na, Mạ, Mnông.
Rẫy bao gôm nhiều loại khác nhau, phân biệt dựa trên những tiêu chí khác nhau. Lấy chất lượng rừng làm tiêu chí , có 3 loại rẫy: rẫy rừng già, được gọi là mir pri đăm hay mir gốt, rẫy rừng thứ sinh 10 năm trở lên , được gọi là mir nem , rẫy rừng thứ sinh 5-7 năm , được gọi là mir ngăm , rẫy rừng non 3-5 năm gọi là mir ép, mir gợi hay mir t’pố. Trong 4 loại rẫy trên , người cơ ho ưa thích loại rẫy rừng thứ sinh 10 năm trở lên hơn cả vì loại rẫy này ít cỏ , dễ phát lại cho năng suất cao và ổn định. Rẫy rừng già tuy đất tốt nhưng lúa dễ bị lốp , cây lại to, mất nhiều công phát . rẫy rừng non ít tro lại nhiều cỏ , cho năng suất cây trồng thấp . Lấy chất đất và địa hình làm tiêu chí , có 3 loại rẫy khác nhau :rẫy phù sa nằm ở chỗ đất bằng trong thung lũng ( mir tie knang), rẫy đất ba dan nằm trên sườn đồi (mir tie dớ ) và rẫy đất mùn xám nằm ven sông suối (mir m’ut). Ngoài ra , còn phải kể tới loại rẫy bằng trên các Cao nguyên gọi là mir kơ.
Công cụ làm rẫy bao gồm rìu (sung , roắt) dùng cho đàn ông hạ cây to, dao bao gồm 2 loại :dao cán thẳng có móc ở đầu (huế,mơ ra) dùng cho phụ nữ và trẻ em chặt cành nhỏ, dao cán cong hình đầu chim , lưỡi song song với cán ( tgah, xà gạc )dùng để hạ cây nhỏ hay chặt cành to , gậy chọc lỗ (chmul coi), cuốc con (chi que) nạo cỏ (cau hnhat) , gùi nhỏ trỉa lúa(kheo), gùi lớn vận chuyển lúa(sà pấc).
Quy trình làm rẫy bao gồm:chọn rẫy (đeo mir), phát rẫy(muih mir), đốt rẫy( su psi mir), dọn rẫy(rơ đao mir), trỉa lúa(tuých coi), làm hàng rào rẫy (lơ pơ ga mir), làm cỏ (lơ hnhawts), thu hoạch (cách coi) .
Chọn rẫy:là công việc do người đàn ông đảm nhiệm , được tiến hành vào đầu tháng 12, sau khi thu hoạch xong.  Người Cơ Ho Srê thường chọn đất gần nước , nơi rừng thứ sinh đã 8-10 năm tuổi trở lên, đất đồi có độ dốc tương đối vì trong vùng đó, hạ cây xong là cây có thể lăn ngay xuống hố không cần phải dọn rẫy . Bên cạnh đó, lúc lúa lên, làm cỏ dễ dàng, không phải khom lưng mệt nhọc. Sau khi chọn được đám đất ưng ý , người ta khẳng định quyền chiếm hữu bằng cách phát quang một khoảng rừng nhỏ rồi cắm trên đó một đoạn cây có 3 chạc phía trên .
Vào khoảng đầu tháng 2, người cơ ho bắt đầu phát rẫy. Phát rẫy là công đoạn vất vả và có nhiều điều phải kiêng cữ . Trước ngày đi phát rẫy , người đàn ông chủ nhà phải đoán điềm qua giấc mơ. Chẳng hạn , người cơ ho ở huyện bảo lâm mơ thấy tắm sông , nghịch cát, bế trẻ con hay không mơ gì thì là điềm tốt, sáng hôm sau có thể tiến hành phát rẫy . Nếu mơ thấy rụng răng, vỡ hàm, thối chân, thối tay, rụng tóc là điềm xấu, phải hoãn phát rẫy vào ngày khác. Trong suốt những ngày đi phát rẫy , nếu đi đường thấy con mang hay con cù lăn (một loại khỉ nhỏ, mắt to) chạy ngang qua trước mặt thì phải bỏ đám rẫy đang phát , chuyển sang chọn và phát đám rẫy khác. Việc phát rẫy tuân thủ sự phân công theo giới chặt chẽ : đàn ông dùng rìu và xà gạc chặt cây đằng trước , phụ nữ và trẻ em dùng dao có móc ở đầu phát bụi cây nhỏ và chặt cành ra khỏi cây to đã đổ phía sau. Rẫy được phát từ chỗ thấp lên chỗ cao để dễ lựa chiều cho cây dễ đổ. Với những cây quá to , người ta chỉ chặt sâu một đường quanh cây để cây khô chết dần .
 Sau khi phát xong , người ta dọn một đường biên xung quanh để sau này đốt lửa khỏi cháy lan vào rừng . Thời gian phát rẫy thường kéo dài trên dưới một tháng , dưới trời nắng nóng nên rất vất vả và mệt nhọc.
Rẫy phát xong được phơi khô khoảng một tháng đến một tháng rưỡi thì đốt để gieo hạt khi mùa mưa bắt đầu (khoảng tháng tư). Việc châm  lửa đốt rẫy là do đàn ông đảm nhiệm , nhưng việc đốt rẫy nói chung lại đòi hỏi có sự tham gia của cả gia đình , thậm chí vài gia đình đổi công cho nhau vì lý do canh chừng lửa cháy lan ra rừng . xưa kia , lửa đốt nương rẫy thường là lửa tự nhiên :người ta lấy hai cục đá trắng (nụ sa ngau) đánh cho lửa truyền vào bùi nhùi làm từ đọt cây mây(go sung) phơi khô. Rẫy được đốt từ nhiều điểm xung quanh cho cháy vào giữa, tránh chỉ đốt xuôi theo chiều gió dễ gây cháy rừng . khi lửa đã bén rẫy, các thành viên trong gia đình hay trong nhóm gia đình chia nhau đi xung quanh để canh chừng lửa và dùng cành lá dập những chỗ lửa cháy lan ra ngoài.
 Công việc dọn rẫy được tiến hành một ngày sau khi đốt rẫy . Người ta dọn những thân cây cháy dở thành một số đống rồi đốt lại . Những thân cây quá to , xét ra khó cháy hết, được vần ra xung quanh rẫy. những thân cây này sẽ nhanh chong bị mục nát dưới tác dụng của nhiệt độ và ẩm độ cao vùng nhiệt đới. Công đoạn dọn rẫy bao gồm việc dùng cành lá san tro trên mặt rẫy cho đều khắp. khoảng đầu tháng năm khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống , người cơ ho tiến hành trỉa rẫy . Việc gieo trỉa thường được làm tập thể giữa các hộ gia đình với nhau theo lối vần công, đổi công . cách thức gieo trỉa là chọc lỗ bỏ hạt . công cụ chọc lỗ là cây gậy cao 1,8-2m , làm từ cây le hay cây gỗ rừng . Nếu là gậy làm từ gỗ rừng thì đầu gậy được vót nhọn vào giữa, nếu là gậy chế từ cây le thì đầu gậy được đẽo vát móng lợn. Hạt giống ngô,lúa và bầu , bí được trộn lẫn và gieo chung trong mỗi hố. Giống các loại cây trồng còn lại được gieo riêng. Khi gieo trỉa , đàn ông dàn hàng ngang,hai tay hai gậy chọc lỗ đằng trước, phụ nữ dàn hàng ngang trỉa đằng sau. Hạt giống đựng trong ống nứa to cầm tay trái, hay trong gùi nhỏ đeo ngang hông. Khi gieo , tay trái cầm ống hạt giống hay lấy hạt giống trong gùi hay dùng các ngón tay phải đổ ra tay trái , tay trái bỏ hạt giống vào hố,sau đó tay phải dùng ống hạt giống khẽ lấp đất để chống nắng và chống chim ăn. Trên mỗi đám rẫy , các cây trồng được bố trí theo những nguyên tắc nhất định . thường thì lúa ,ngô,bấu,bí được gieo ở giữa, bao xung quanh là bo bo,sắn,ngoài cùng là thuốc lá,bông dệt vải và các loại cây ăn quả như :chuối,dứa ,mía. Đôi khi cây bông và câuy thuốc lá được gieo thành đám riêng ở mỗi góc rẫy. việc gieo trỉa được tiến hành ngang theo sườn rẫy,từ chỗ thấp lên chỗ cao. Trên rẫy , người Cơ ho đa canh nhiều loại cây khác nhau,trong đó lúa là cây trồng chính. Riêng ở người Chil , cây trồng chính lại là ngô, thứ đến mới là lúa.
Sau khi trỉa xong vài ngày , để chống thú rừng và gia súc phá hoại , người Cơ ho tiến hành làm hành rào rẫy để chống phá thú rừng và gia súc phá hoại . Cùng với việc làm rào, trên mỗi đám rẫy người Cơ ho làm một nhà rẫy để tiện nghỉ ngơi và bảo vệ rẫy khi sắp dến mùa thu hoạch . Tiếp theo là làm cỏ rẫy. Dụng cụ làm cỏ là chiếc nạo giống con dao cong cắm vào chuôi bằng gỗ.
Thu hoạch là công việc cuối cùng của chu kỳ canh tác rẫy. Ngô được thu hoạch sớm vào đầu tháng 9,lúa được thu hoạch sau , bắt đầu từ cuối tháng 10,kết thúc vào giữa tháng 11.
Mỗi gia đình Cơ ho xưa đều chọn rẫy và làm rẫy trong khu vực thuộc ranh giới của làng mình. Ranh giới của mỗi làng là một đường khép kín , được xác định bởi các cột mốc giới tự nhiên như ngọn núi , dòng sông hay quả đồi. người làng này muốn qua làng khác phát rẫy phải xin phép và được sự đồng ý của làng sở tại , kèm theo việc nộp cho làng sở tại một ché rượu , một con gà , gọi là khạ sa p’ri. Mỗi làng đều có một khu rừng đầu nguồn nằm ở phía trên cao , nơi cấm mọi hành vi phá rừng làm rẫy,tiếng Cơ ho gọi là bri pơ can yang pang mú , hiểu nôm na là rừng thiêng, rừng thuộc về ông bà.
Tập quán trước kia là làm nương rẫy theo chu kỳ khép kín, trồng 2 năm bỏ hóa 10 năm hay 15 năm rồi trồng lại .
Đất đai canh tác thuộc quyền sở hữu của làng, việc bố trí thêm đất canh tác cho những hộ bị thiếu đất là thuộc quyền của làng. Chủ làng vừa là chủ đất vừa là chủ rừng.
Địa hình của nơi người Cơ Ho Srê ở Tà Nung sinh sống có dạng lòng chảo, chung quanh là núi đồi, giữa là đất bằng, ruộng, suối... Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm rẫy theo mô hình: định canh luân khoảnh.  Bình quân một cặp vợ chồng canh tác từ 0,5-1 ha.  Một mẫu thu hoạch từ 800 đến 1.000 kg/ha (tương ứng gần 100 gùi).
Những nhóm làm rẫy thường sống du cư, khi đất canh tác bạc màu lại chuyển đến nơi khác.Tuy nhiên,ở một vài điểm cư trú tập trung của người Chil,do tình trạng đất rừng bị cằn cỗi dần hoặc trở lên hiếm vì nhiều làng phải sống chung một chỗ nên họ đã tạo ra một loại rẫy khác,canh tác cố định,làm đất bằng cuốc hoặc cày và có bón phân. Người ta tạo ra loại rẫy này bằng cách chọn 1 rẫy cũ, đào hết gốc cây còn lại từ lúc phát làm rẫy,sau đó đốt cây và làm sạch cỏ. Sau đó cũng  làm những công đoạn như làm một rẫy bình thường.
Người Cơ Ho làm rẫy được làm theo chu kỳ một năm, mỗi chu kỳ bắt đầu từ việc chọn rẫy, chọc lỗ tra hạt, cho đến khi thu hoạch. Nhóm Chil để chọc lỗ tra hạt còn dùng một dụng cụ riêng là:P’hal. P’hal có cán dài bằng gỗ, lưỡi dẹp bằng sắt khoảng 28cm và rộng khoảng 3-4cm, được dùng trong trường hợp một người vừa chọc lỗ vừa tra hạt. ở vùng người Srê, công cụ làm đất đặc trưng là chiếc cày (ngal) bằng gỗ, đế bằng , lưỡi gỗ(sau này là lưỡi sắt) và cái bừa răng gỗ(sơkam). .
Rẫy của người Cơ Ho là đa canh. Lúa là cây lương thực chính và là cây trồng chủ yếu nhưng  trên đoạn rẫy người ta cũng tận dụng đất và còn trồng lẫn cả ngô,sắn,bầu,bí,mướp,đậu…

2.1.2:Làm ruộng:
Ngoài nương rẫy , người Cơ ho còn làm ruộng nước.
Ruộng nước là loại đất trồng trọt được be bờ giữ nước , lại được tưới tiêu nhân tạo ,tùy theo địa hình ở vùng chân núi ,thung lũng hoặc đồng bằng bởi các hệ thống thủy lợi to nhỏ khác nhau.
Người Cơ Ho Srê tự gọi mình là cau Kơho Srê (người Cơ Ho làm ruộng nước,từ “Srê” trong tiếng Cơ Ho có nghĩa là “ruộng”) và người Srê thì sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước. các truyền thuyết và chuyện kể của nhóm này cho thấy  họ làm ruộng là do học hỏi người Chăm.có hai nguyên nhân dẫn đến ruộng nước phát triển ở người Srê . thứ nhát là do sớm tiếp xúc với người Chăm , thứ hai , quan trọng hơn, do vùng cư trú có nhiều thung lũng , sẵn nước và tương đối bằng phẳng. Nói đến ruộng của người Cơ Ho Srê ta thấy họ có 2 loại ruộng. Sự phân biệt này dựa vào địa thế của ruộng đó là srê lơngơn nằm ở địa hình thấp, gần sông suối luôn luôn  có nước;  srê đang nằm ở vị trí cao hơn, có nước khi nào mưa hoặc khi nào có nước lớn tháo vào.phương pháp làm ruộng nước của người Srê chịu ảnh hưởng nhiều của phương pháp làm ruộng nước của người Chăm , thể hiện ở kỹ thuật sạ thẳng chứ không làm mạ cấy , ở việc dùng cày bừa đôi bằng sức kéo của trâu ,bò…
Cũng như với nương rẫy , do tín ngưỡng thờ thần lúa , sợ bẩn đất , thần lúa giận mà làm mất mùa , người Srê không dùng phân chuồng bón ruộng mặc dù vậy độ phì nhiêu của ruộng ít suy giảm do chất mùn trên cao xung quanh trôi xuống mỗi mùa mưa đến , cũng như do tập quán dùng phân xanh vùi xuống mặt ruộng sau lần làm ruộng thứ nhất. do được gieo thẳng, lúa mọc dày , người Srê chỉ nhổ cỏ qua loa bằng tay chứ không viện đến các công cụ làm cỏ . khác với lúa rẫy, trên lúa ruộng, người Srê cắt lúa bằng chiếc liềm , là nông cụ gốc Chăm , gióng con dao bẻ cong, chuôi gỗ.lúa được cắt xong , không lượm , được ôm lên bờ rải thành đám tròn rồi cho trâu dẫm xung quanh . thông thường mỗi đống lúa được sử dụng đàn trâu 4 hoặc 6 con . thời gian để trâu quần sạch một đám lúa từ 3-4 giờ đồng hồ. để giữ cho thóc sạch , người ta chọn chỗ đất cao, cứng ,bằng phẳng, khô ráo và lót phên nứa ở dưới rồi rải lúa lên , sau đó mới cho trâu quần. khi trâu quần xong, thóc được rũ khỏi rơm và cho vào những chiếc nong to, được làm sạch và phơi trên những tấm phên lớn đan từ lồ ô hay nứa.
Do đất thâm canh và định canh , khác với đất rẫy du canh , ruộng nước trở thành tài sản trao đổi có giá trị. Diện tích lớn nhỏ của một đám ruộng được tính bằng số gùi lúa giống gieo trên đám ruộng đó. Người Srê có câu sre đun spo pdam rpu (ruộng một gùi lúa giống bán năm trâu). Ruộng nước cũng là tài sản thừa kế quan trọng cho con cái khi lấy vợ , lấy chồng hoặc tách ra ở riêng.
Trong truyền thống , hai nhóm Lạt và Chil có lẽ là những nhóm ít làm hoặc không làm ruộng nước, nhất là nhóm Chil , một nhóm có thói quen chỉ du canh du cư trên núi cao.
Thời xa x­ưa, kỹ thuật canh tác chủ yếu là canh tác đao canh thủy nậu :là hình thức trồng lúa nước trên những mảnh đất luôn luôn ngập nước ở chân núi, trong các khe thung lũng hẹp, cũng như tại các vùng lầy trũng thuộc châu thổ đồng bằng còn đang định hình. 
 chọn vùng sình lầy để trồng lúa, suốt lúa bằng tay. Dần dần, các dụng cụ được cải tiến: cày gỗ, cuốc, chuyển lên cày sắt, dùng sức kéo của trâu .Đặc biệt có nhóm Chil,Nộp là biết sử dụng trâu quần ruộng trũng cho đất tơi ra để gieo hạt, ngoài ra họ còn biết dùng sức trâu kéo có con lăn gạt san mặt ruộng và gặt lúa bằng liềm.




Đặc biệt có nhóm: Srê,Lạt đã biết làm ruộng nước,có trình độ kỹ thuật canh tác tương đối cao với các hệ thống mương ,phai dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng hợp lý, hiệu quả. Ở những nhóm Cơ Ho làm ruộng nước họ không gieo mạ , hạt giống được gieo trực tiếp xuống chân ruộng , giống người Việt ở một số vùng Nam Bộ trước đây. Sau này một số nhóm đã thuần thục được rẫy , chuyển thành ruộng khô trồng lúa được nhiều năm.
Cuốc, cày , bừa… là công cụ lao động chủ yếu , có vị trí gần như là dộc tôn trong việc làm đất, vì người ta có tục coi con trâu là vật tế thần, không dùng để cày bừa. người ta còn nói rằng : “ sau ngày giải phóng , hiện tượng đồng bào đứng khóc thương con trâu (hay bò) hiền lành phải lao động cực khổ, vất vả là phổ biến”. do đó vận động làm thay đổi quan niệm đó không phải là dễ.
Những kinh nghiệm xem thời tiết qua kỳ sinh trưởng của động vật được truyền lại từ thời kỳ làm rẫy, cách xem sao, kỹ thuật làm đất (cày ải, phơi ải), làm thủy lợi   tưới tiêu thuận tiện, ngâm giống trước khi sạ, dùng phân bón,… đã chứng tỏ sự thành thục của họ trong việc trồng lúa nước ở một trình độ nhất định.
2.1.3: Chăn nuôi:
Hoạt động chăn nuôi đã có từ lâu ở người Cơ Ho.
Song song với ngành trồng trọt, người Cơ Ho còn chăn nuôi trâu, lợn, chó, dê, gà, vịt và sau này bò. Trâu là gia súc đứng đầu bảng trước đây,đóng vai trò quan trọng, trâu không chỉ để giết thịt trong những lễ hiến sinh, mà còn là sức kéo và vật định giá trong buôn bán, là tiêu chí phản ánh sự giàu có và uy thế của làng. Xưa kia do đất rộng , người thưa , rừng còn nhiều , nên đàn trâu ở người Cơ ho có điều kiện phát triển. theo như kể lại , mỗi gia đình thường có đàn trau vài dăm con trở lên. Những nhà giàu có đàn trâu tới vài chục con. Thường thì trong làng có bao nhiêu nhà dài sẽ có bấy nhiêu đàn trâu. Theo tập quán , trâu được nuôi thả rông. Mỗi làng có một bãi chăn thả trâu công cộng nằm ở ngoài làng gọi là srê h’pố . Bãi chăn thả này thường nằm ở chỗ thấp trũng nhiều cỏ và xung quanh là rừng rậm. Đường ra vào bãi chăn thả được làm cổng và rào rậu cẩn thận để trâu không ra được. Toàn bộ trâu trong làng được mang ra bãi chăn thả. ở đó , chúng tự kiếm ăn, tự sinh sản. cứ sau một số ngày nhất định , các gia đình mang muối cho trâu ăn để chúng không tự bỏ đi. Số lượng trâu trong mỗi đàn được theo dõi và nhớ rõ bằng cách đeo vào cổ trâu một loại mõ có dáng hình và kiểu dáng riêng.
 Sau trâu, lợn là vật nuôi quan trọng thứ hai.ợn được nuôi phổ biến ở mọi gia đình , theo phương thức thả rông quanh nhà.. nó cũng thường dùng làm vật tế cúng trong các lễ thức gia đình hay cộng đồng . ngoài ra, lợn còn được dùng vào mục đích trao đổi theo phương thức vật trao đổi vật.
 Trong khi đó bò được nuôi chỉ nhằm cung cấp thịt cho những bữa ăn và tiệc tùng thường nhật. Họ thả rông tất cả trong một thời gian dài, mãi sau này do nhu cầu bảo vệ và sử dụng phân bón, người Cơ Ho mới  biết xây cất chuồng trại.
Loài gia cầm duy nhất được nuôi ở người Cơ ho là gà . Gà được nuôi ở mọi gia đình . số lượng từ vài con đến vài chục con. Ban ngày gà tự kiếm ăn trong làng, tối chúng ngủ dưới gầm sàn hay trên các cành cây. Gà được nuôi để cúng tế, lấy trứng hay làm quà biếu mà ít khi được đem bán hay trao đổi.
Ngoài ra họ cũng nuôi chó. Số lượng chó lên đến dăm bảy con /nhà. Theo tập quán người cơ ho không ăn thịt chó ,không phải vì kiêng kỵ mà vì họ coi chó là bạn thân thiết của người, một quan niệm phổ biên ở nhiều cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khơme dọc Trường Sơn Tây Nguyên.
Tóm lại , trong truyền thống , chăn nuôi ở người cơ ho đã được chú trọng. vật nuôi đã khá phong phú bao gồm trâu, lợn,dê,gà,chó. Không thấy ở người cơ ho tập quán chăn nuôi ngựa và voi như ở người Mnông và Êđê cận cư. Phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là thả rông, nửa chăm sóc. Mục đích chăn nuôi chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh như cúng lễ, ma chay, cưới xin mà ít phục vụ nhu cầu cải thiện bữa ăn , cũng như chưa trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa.
     
2.2: Một số nghề thủ công:

 Tất cả các nhóm Cơ Ho đều có nghề thủ công cung cấp những sản phẩm cần thiết cho nhu cầu của dân làng, sản phẩm dư thừa được đưa ra trao đổi ở các chợ, thị trấn trong vùng. Đáng chú ý nhất là các nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát đồ mây, tre, cói; rèn nông cụ và vũ khí truyền thống là nghề thủ công của người Cơ Ho. Một số nơi còn có nghề làm đồ gốm, dùng trong gia đình và trao đổi.

2.2.1:Nghề rèn :
Nghề này có hầu hết ở các làng và do người đàn ông đảm nhiệm.
Theo truyền thuyết, người Cơ Ho Lạch giải thích, người Cơ Ho Chil là thợ rèn giỏi, bởi vì bà Ka Tông chỉ truyền cho họ một nghề đó. Nhưng đó chỉ là sự giải thích sau này của các nghệ nhân dân gian Cơ Ho Lạch, chứ thực ra, chúng ta vẫn còn nghe được những truyền thuyết về lửa sắt được lấy ra từ Brah Ting (làng dưới đất) và nghề rèn của các nhóm cư dân Cơ Ho. Thợ rèn không mang tính chuyên nghiệp. Người ta bắt đầu công việc vào lúc gần phát rẫy để sửa sang dụng cụ. Thợ rèn gồm có 3 người. Thợ cả đập, một thợ phụ kéo bễ và một mài công cụ. Nguyên liệu gồm  sắt. Trước kia họ thường trao đổi với người Raglai, Chu Ru để đổi lấy sắt, sau này lấy từ phế liệu cơ khí. Sản phẩm tự tạo gồm có xà gạc, dao nhỏ, rìu...
Họ tiến hành như sau: nguyên liệu được đem ghè, cắt đập nhỏ, tạo dáng công cụ rồi vùi vào trong lò  than được làm đỏ bởi 2 ống do một người làm. Sản phẩm chưa hình thành được nung đỏ và đập, cắt cho đến khi hoàn thành công cụ, nhúng vào nước cho cứng lại và mài sắc. Họ cũng có những sự kiêng như:không cho đàn bà goá, phụ nữ có thai lần đầu đi ngang qua nơi làm việc vì sợ hư hại sản phẩm giữa chừng. thù lao cho người thợ rèn thường được trả bằng hiện vật như:rượu ,gà hay cũng có khi được đổi bằng công lao đọng trên nương rẫy hay ở nhà. Nhìn chung người thợ rèn được dân làng kính trọng và quý mến do công việc được coi là tốt đẹp mà ông ta đã làm cho mọi người.

2.2.2:Đan lát:

Nghề đan lát tre mây cũng do người đàn ông đảm nhận. nó là tiêu chí bắt buộc của thanh niên khi đến tuổi trưởng thành,... Công cụ trau vót gồm có dao nhỏ, xà gạc. Sản phẩm là các vật dụng , từ vách nhà, kho  lúa, kho ngô đến các đồ  dùng, các loại bẫy chim, cá, thú. Nghề đan lát trở thành chuẩn mực đánh giá  người con trai cũng như nghề dệt vải để đánh giá người con gái Thái vậy.
Đan lát ở người Cơ Ho Lạch được phân công khá rõ ràng: đàn ông đan gùi, nong, nia, đồ đựng thóc gạo, phụ nữ đan cói. Các sản phẩm cói như chiếu (bêl),(đ­uôn), túi đựng thức ăn (plơ) được trao đổi và buôn bán khắp nơi. Người phụ nữ Cơ Ho Lạch được truyền dạy nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 
Xá pớ (gùi đi nương)                                     Nơm bắt mối

2.2.3:Nghề dệt vải:
Là công việc của phụ nữ.
Về cơ bản , nghề dệt vải dừng ở mức độ không chuyên và chỉ làm trong thời gian rảnh rỗi. Đấy cũng là một nghề mang tính phân công lao động theo giới tính và là điều kiện bắt buộc khi các cô gái chuẩn bị thành lập  gia đình. Nguyên liệu là bông kéo sợi. Cây bông được trồng, thu hái và chế biến. Nơi trồng là đất vườn hay ven suối.
Công đoạn :Xử lý bông:
 Người ta thu hái bông, đem về phơi nắng cho cánh bung ra hết. Để bông tơi, sạch, người ta tách hột, tiếp đến dùng đũa xe bông thành từng lọn nhỏ. Lọn bông kéo ra một đầu nối vào trục xa quay để kéo sợi (lambong). Nó giống như công cụ kéo sợi của người Việt. Kéo xong sợi, người ta đem bỏ vào ngâm trong nồi có nếp đã nấu nhừ, mục đích làm cho sợi dệt được chắc, không đứt giữa chừng. Sợi ngâm xong được lấy ra phơi khô, sau đó được quấn vào cây quay để quấn lại thành cuộn chỉ lớn.

                                   Thu hoạch bông.

Công đoạn :Nhuộm sợi:
 Đa số những màu sắc để nhuộm vải đều được người Cơ Ho sáng tạo từ các chất liệu tự nhiên như: Lấy lá cây tơrung đem giã nát để được màu xanh. Ngâm trong ché khoảng một tuần, sau đó trộn nát để thêm hai ngày rồi lấy xát . Nước lá đông lại thành cục nhỏ, keo khô. Lúc nhuộm lấy chất keo đó bỏ vào chén, đổ nước vào phải hoà tan và ngâm sợi trong hai ngày. Màu xanh dương ngâm với lá nước chát (chàm be); màu đỏ lấy loại cỏ họ dền, phơi khô, nấu, lọc rồi nhúng sợi vào. Màu vàng lấy củ nghệ dại không giống với nghệ thường ăn, đem giã nát ngâm chung với sợi.
Công đoạn : dệt:

Khung dệt của người Cơ Ho cũng có nhiều nét giống như người Mạ: hai ngón chân cái bám vào thanh giữ đầu khung, hai chân duỗi thẳng song song cuối khung dệt cố định được là nhờ đường dây nối vòng qua lưng.  Hoa văn được dệt theo ý thích của mỗi người: có nhiều hoa văn mô tả động, thực vật hay sản phẩm sáng tạo của con người. Có những loại hoa văn tiêu biểu hơn cả như:Hoa văn chấm trắng tượng trưng hình con sâu, chấm xanh tượng trưng quả dưa hấu hay tổng hợp nhiều màu vàng, xanh, đỏ thẫm, trắng để tạo nên hoa văn tượng trưng hình con công. Hoa văn có nhiều loại như mắt chim (mat sêm), con cào cào (srah), hầm chông (srông), cán xà gạc (ngkơr wiêh), bướm (tơplơp)…

2.2.4:Trao đổi,buôn bán:
Người Cơ Ho Lạch tuy là cư dân nông nghiệp quen sống theo kiểu tự cung tự cấp là chính nhưng họ cũng  sớm chấp nhận một nghề phụ khá mới mẻ như: buôn bán, và coi đó là một nguồn thu nhập quan trọng, bù vào khoản thiếu hụt lớn do kinh tế sản xuất và chiếm đoạt không đáp ứng được. Vì có quan hệ đặc biệt với cư dân buôn bán khác như­ Chăm, Chu Ru, người Cơ Ho Lạch  được quyền "lư­u thông phân phối" ở vùng cao nguyên Lang Biang, nhất là khi vương quốc Chămpa bị tan rã. Vì nhu cầu mua muối và sắt của các dân cư trong vùng đòi hỏi cấp bách, việc buôn bán của người Cơ Ho Lạch kéo dài về phía đông từ Đơn Dư­ơng xuống Phan Rang, Nha Trang và mở rộng sang phía tây bắc, tận Campuchia. Mùa khô, khi công việc đồng áng rảnh rỗi, họ tổ chức thành từng nhóm hai ba chục người, có khi cả gia đình với chiếc gùi trên vai. Một chuyến buôn có thể kéo dài từ 15 – 20 ngày, xuống biển họ mang những sản phẩm của cao nguyên: gạc nai, ngà voi, dây mây, nghệ, hạt ngo (thông), có khi lùa thêm trâu, ngựa để chuyên chở về với muối, sắt và đồ trang sức thích mắt. Với muối, sắt, họ có thể đổi với bà con cư dân lân cận gạo, vải, dụng cụ sản xuất và đổi với người Khmer chiêng ché.
Người Cơ Ho Lạch luôn tâm niệm khi đi buôn rằng: "làm đất phải cuốc hết ngày, đi buôn phải giao du khắp chốn" và họ thu được nhiều “túi khôn” của thiên hạ. Chính vì vậy, người Cơ Ho Lạch đã có một thời được các cư dân láng giềng khen tặng về sự thông minh.
Người Cơ Ho Chil và người Cơ Ho Srê dùng thóc lúa, sản phẩm chăn, dệt, chăn nuôi để trao đổi lấy sắt, muối, áo quần. Người Cơ Ho ChiL có khi thông qua người Lạch để trao đổi, nhưng đôi khi họ cũng trao đổi bằng những chuyến buôn xa.

2.3: Khai thác các nguồn lợi tự nhiên:

2.3.1:Săn bắt: 
Những tháng đầu mùa mưa,  là thời gian thuận lợi nhất trong việc tìm thú rừng, bởi vì đây là thời gian đốt rẫy, thú đi ăn, đi tìm những lộc non mới nhú. Vũ khí đi săn gồm có: ná, lao phóng (hiện tại họ dùng súng, đèn pin). Người ta săn tất cả các con thú, chỉ kiêng không ăn con cù lần (đogle) và rắn hổ mang bành. Người Cơ Ho Srê thường dùng các loại bẫy sau:
+ Bẫy hầm (tàm tơrlong) người ta đào những hố thật sâu để dụ những con thú “hấp tấp” không ý thức được và rơi vào.
+ Bẫy gài cây lớn (kơtit),khi  thú  rừng đi và chẳng may đụng vướng cây, cây đổ đập chết thú.
+ Bẫy gài kiểu thòng lọng (dă): khi  thú vướng bẫy, lập tức cần bẫy bật lên, chân thú bị thắt nút và thú bị treo lơ lửng trên không.
Săn bắt tập thể là hoạt động khá nhộn nhịp và phong phú. Chỉ huy thường là những người thợ săn giỏi, chủ của bầy chó săn. Tốp đi săn chia thành hai nhóm:
. Nhóm săn đuổi cùng bầy chó dồn con thú chạy theo những tuyến rừng dự định. Trong tay cầm những lao nhọn, họ la hét, huýt chó, tiếng chó sủa vang động cả một góc rừng.
.  Nhóm thứ hai gồm những thợ săn dũng cảm và kinh nghiệm đón sẵn ở những nơi dự kiến thú sẽ sẽ chạy qua để tiêu diệt con thú. Cũng có thể họ dò tìm được đ­ường đi ăn của con thú, đào hầm sâu cắm chông (rộng 4 x 5m,  sâu 1,5-2m) dồn đuổi thú sập hầm để bắt.
 Những hình thức này dùng để săn các thú lớn như trâu rừng, gấu, hổ, nai,... Kết quả được chia công bằng cho mọi thành viên tham gia: những người có công như người chỉ huy, chủ bầy chó, người đâm thú đầu tiên bao giờ cũng được phần hơn. Riêng đầu thú dành cho người chủ chốt như­ biểu hiện kính trọng, bởi vì nó lại được dùng để chiêu đãi mọi người sau một chuyến đi săn thành công. Người  giết thú  lấy hàm dưới xâu lại thành chuỗi treo sát vách nơi cửa ra vào, khi được 100 cái hàm, người đi săn giết heo để cúng mừng (dul rơhiêng). Đây là vinh hạnh lớn nhất của người đi săn về  thành tích của họ. Sản phẩm đi săn phải cúng trước, sau đó mới chia.

2.3.2:Đánh bắt cá :

Đánh bắt cá được tiến hành ở các dòng suối vùng đầm nước (tơnau) bằng nhiều phương tiện khác nhau: đó (pàm), gậy chọc (chi chol), rổ xúc (đêr chŏ ka), vó (yŭ) và sau này có thêm lư­ới. Công việc này thường xuyên hơn săn bắt thú, phụ nữ và trẻ em đều tham gia được. Ngoài phương cách trên, người ta suốt cá bằng một thứ cây độc hay phương pháp bít đầu nguồn. Câu cá thường bằng một sợi dây không có lưỡi câu, mồi thường bắt con sâu nước - một loại thức thức ăn tôm cá rất thích.
Cá bắt về người dân thường chế biến các món như: ăn tươi, hay nướng, xào khô, riêng cá không được nấu với nấm vì sợ sét đánh.


2.3.3: Hái lượm :

 Việc hái l­ượm này thường được "chuyên môn hóa" cho phụ nữ và trẻ em. Thức ăn rừng Lang Biang rất phong phú về rau (mơ biap, nsai mpàr, mbêr, chuối rừng, đọt mây, cà đắng và nhiều loại nấm...), cộng với rau v­ườn nên bữa ăn nào của người Cơ Ho cũng có món rau làm thức ăn chính. Họ chỉ kiêng không dám hái  trái xoài rừng sợ bị sét đánh và không ăn trái krit. Các sản phẩm hái lượm được nếu ít thì nấu ăn hết, còn nhiều thì họ phơi khô để dành. 
Nghề khai thác rừng trước hết là gỗ, tre để xây dựng nhà ở, chuồng trại, đan lát và chế tác các dụng cụ gia dụng. Nhiều loại lâm sản như mây, ngo, một số cây thuốc được khai thác thành sản phẩm trao đổi buôn bán. Y học dân tộc của người Cơ Ho từ thời xa xư­a cũng khá phong phú, đang bị mai một dần.
Ngoài ra còn có một số nghề phụ khác như: nghề làm gốm phát triển mạnh ở nhóm Srê… Đàn ông Cơ Ho giỏi săn bắn thú rừng , nhưng hơn 10 năm qua vì bảo vệ rừng , động vật người Cơ Ho không bắn thú nữa.
                               
3. VĂN HOÁ VT CHT:
3.1. Nhà cửa:

          Nhà ở cổ truyền của người Cơ Ho là nhà sàn dài nhưng hiện nay nhà đất đang ngày càng phổ biến. Vật liệu xây dựng nhà là tranh, tre, gỗ và dây rừng…
          Nhà ở của người Cơ Ho có hai loại hình phổ biến là nhà sàn và nhà đất, với hai dạng khác nhau là nhà dài của gia đình lớn và nhà ngắn của gia đình nhỏ.

         - Nhà sàn dài của gia đình lớn: thường chỉ có hai hoặc ba gia đình nhỏ cùng chung sống. Kết cấu của bộ khung nhà được làm theo kiểu vì hai cột hoặc ba cột nhưng không có kèo. Hai mái đầu hồi khum tròn giống như mái nhà của nguời Thái Đen, chỉ khác là không có “khau cút”.
          Ngôi nhà được giới thiệu dưới đây là ở xã Đaploa, huyện Đahuoai tỉnh Lâm Đồng. Nhà này chỉ có hai gia đình nhỏ là gia đình của người mẹ và gia đình của người con gái sống với nhau. Nhà có ba cửa ra vào, cửa chính ở mặt trước nhà, hai cửa phụ ở hai đầu hồi của hai gia đình nhỏ. Phần mái trên của các cửa đều được làm vồng lên để đi lại dễ dàng hơn.
          Nhà có chín gian: ba gian về phía đầu hồi bên phải là của gia đình người mẹ (NM). Hai gian có gác xép (GX). Gian thứ ba đặt bếp (BM). Giáp vách tiền của cả ba gian này có một cái sạp nhỏ để nước (SN), phía dưới để củi (CĐ). Ba gian giữa dùng để tiếp khách của gia đình (GK). Giáp vách hậu là một dãy ché, ú đựng rượu cần (RC), trên vách của gian chính giữa có bàn thờ chung của hai gia đình (TN). Bàn thờ chỉ là một tấm ván nhỏ treo vào vách, xung quanh cắm một số lá cây, những chùm bùi nhùi vót từ ống tre ra. Ở khoảng giữa hai cột của vì cột thứ năm (tính từ trái sang phải) có một cột gọi là Dorongtơtộ buộc những chùm lá bị rơi khi lợp nhà. Cột này thường được dùng để buộc các ché rượu cần khi tiếp khách hoặc trong nhà có lễ thờ cúng thần linh (CBC). Ba gian bên trái dành cho gia đình người con gái (NC) cũng được bố trí giống như ba gian thuộc hồi bên phải.

         - Nhà đất dài của gia đình lớn:
           Nhà đất dài có quy mô nhỏ hơn nhà sàn dài, nhưng vẫn có hai gia đình nhỏ cùng sinh sống. Bộ khung nhà vẫn làm theo kiểu vì ba cột, hình thù của nó giống lối kết cấu cổ truyền.

         - Nhà sàn ngắn của gia đình nhỏ: Kết cấu bộ khung vẫn theo kiểu cổ truyền, vì hai cột nhưng có một số cột có hình thù đặc biệt hầu như ít gặp ở nhà các dân tộc khác. Vì thứ hai chỉ có một cột giữa. Hai cột ở vì thứ ba có hình thù khác với các cột còn lại.

         -Nhà đất ngắn của gia đình nhỏ:
          Có nhiều dạng nhà khác nhau từ kết cấu bộ khung, đến cách tổ chức mặt bằng sinh hoạt đều xa dần với cái gốc cổ truyền. Trong nhà đã được chia thành các gian, phòng rõ rệt, không còn kho thóc ở giữa nhà. Tuy nhiên người ta vẫn còn làm sạp để nằm, bếp vẫn gần nơi dành cho chủ nhà…

          Từ hai dạng nhà dài và nhà ngắn đơn độc dần dần người ta đã tiến tới các tổ hợp hai nhà: nhà ở  và  nhà bếp. Có tất cả 4 dạng:
              Nhà ở là nhà sàn-nhà bếp là nhà đất
              Nhà ở là nhà đất- nhà bếp là nhà sàn
              Nhà ở và nhà bếp đều là nhà đất
              Nhà ở và nhà bếp đều là nhà sàn.

          Mọi sinh hoạt của gia đình như ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách đều được diễn ra xung quanh bếp lửa.



 3.2. Trang phục

           Dệt là điều kiện bắt buộc đối với các cô gái chuẩn bị về nhà chồng. Vì khi về nhà chồng thì các cô gái phai mang theo của hồi môn là những sản phẩm mà mình đã dệt được như chăn, gối, trang phục tặng bố mẹ chồng... Nghề dệt vải rất phổ biến ở đồng bào dân tộc Cơ Ho.
           Trang phục truyền thống của người phụ nữ Cơ Ho gồm: áo, váy, đồ trang sức, và tấm choàng.

       - Áo được dệt bằng vải sợi bông màu trắng, phía  trên có cài một số hoa văn. Áo dài khoảng 80cm, rộng 40cm, viền cổ tròn, áo hình chữ nhật trên dưới bằng nhau, vạt trước ngắn hơn vạt sau. Hoa văn trang trí áo chủ yếu là hình quả trám, ở giữa là hình cối xay gạo.

        - Váy là loại váy cuốn dài khoảng 150cm, rộng 90cm, hình chữ nhật, màu xanh chàm, hai bên mép dệt hoa văn với các màu trắng, vàng, xanh, hai đầu váy thường để tua. Hoa văn trang trí chủ yếu là các đường kẻ song song, đường kẻ ngang, chấm trắng, lá nón, hoa văn trên ống đựng tên, ché rượu cần, gốc cây tre làm chà gạc... Toàn bộ hoa văn trên váy của nữ giới là hoa văn dệt chứ không phải hoa văn thêu.
          Khi mặc váy họ thường bắt đầu quấn từ phía hông trái rồi quấn một vòng, phần thừa được gấp lại và gài vào bên hông phải. Loại váy này chỉ mặc trong các dịp cưới xin, lễ hội. Ngày thường họ chỉ mặc váy rất ít trang trí hoa văn.

        - Đồ trang sức của người Cơ Ho là các loại vòng cổ, vòng tay, khuyên tai... Ngoài những đồ trang sức bằng kim loại, người phụ nữ  Cơ Ho còn sử dụng đồ trang sức bằng nhựa. Đồ trang sức bằng nhựa thường là những hạt màu da cam, vàng, xanh được xâu lại thành chuỗi hạt dài 98cm. Chuỗi hạt được người phụ nữ dân tộc Cơ Ho sử dụng trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

        - Tấm choàng có chiều dài khoảng 140cm, rộng khoảng 94cm. Nó là một bộ phận của bộ trang phục nữ dân tộc Cơ Ho. Họ thường dùng nó trong các dịp lễ tết, cúng thần linh hoặc những ngày tiết trời giá lạnh. Tấm choàng có hình chữ nhật, nền màu xanh chàm, mỗi tấm có khoảng 26 đường thêu chỉ màu trắng chạy theo chiều dọc để phân biệt với váy. Hai mép dọc và hai mép ngang được trang trí hoa văn màu trắng, màu xanh… Hai đầu tấm choàng có tua, hoa văn trang trí là hình con mọt, mắt sâu, ché rượu cần, lá nón, hoa trên ống đựng tên, toàn bộ hoa văn trên tấm choàng của người phụ nữ Cơ Ho là hoa văn được tạo bởi kỹ thuật dệt.

         Khi sử dụng, tấm choàng được mở to và quàng toàn bộ vào lưng, hai đầu bắt chéo về phía trước, tấm choàng sẽ phủ kín phần lưng và ngực của người sử dụng.
         Trang phục của đàn ông của dân tọc Cơ Ho chỉ là một chiếc khố. Khố là một miếng vải dài 1,5 đến 2 m và rộng, có hoa văn theo dải dọc.

         Bộ trang phục là dấu hiệu đầu tiên để ta có thể phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác. Hiện nay, do quá trình giao lưu, học hỏi và phát triển, cuộc sống sinh hoạt của các dân tộc bị ảnh hưởng rất lớn. Họ dần dần làm mất đi những nét truyền thống tốt đẹp vốn có. Vì thế việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét truyền thống mang đặc trưng của từng dân tộc rất đáng được Đảng và Nhà Nước chú trọng và quan tâm.

3.3. Ẩm thực:

         Các gia đình thường ăn 3 bữa chính. Trước kia, cơm canh đều nấu trong ống nước và sau này người ta mới dùng nồi đất, nồi đồng và nồi gang để thay thế. Các món được chế biến khô cho phù hợp với thói quen ăn bốc. Canh là một món rau trộn với tấm thường bỏ thêm ớt, muối, ngoài ra không cho thêm bất cứ loại gia vị nào khác. Thịt, cá được chế biến với cây chuối non.
          Nước uống là nước suối được đựng trong các trái bầu, trong các ghè. Rượu cần rất được ưa chuộng trong các dịp lễ tết, hội hè, hoặc khi nhà có khách ở xa tới thăm...Rượu được chế biến từ gạo, ngô, sắn... trộn với các men làm từ các cây rừng. Từ xa xưa người Cơ Ho đã biết cách ủ rượu cần bằng men được làm từ các loại lá rừng. Mỗi vùng, người ta dùng thứ lá khác nhau để làm men, và dùng những lá gì thì là bí quyết riêng chỉ được phổ biến trong nội tộc. Thậm chí có những gia đình làm rượu ngon có tiếng trong vùng song bí quyết đó chỉ được truyền cho con gái cả hoặc những người con gái nào được mẹ tin tưởng.
         Nguyên liệu chính để ủ rượu cần là lúa, bắp hay củ mì. Đồng bào Cơ Ho ở khu vực huyện Đức Trọng còn ủ rượu cần bằng lúa non. Trước kia mỗi năm do chỉ canh tác được một vụ lúa nên khi vỏ lúa còn xanh, hột gạo còn bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mềm người ta đã cắt về để nguyên cả rơm luộc cho hột lúa nở búp (chứ không nở bung ra) rồi vớt bỏ vào cái thúng để nguội mới cho vào cái “ché” lớn nhất, đẹp nhất trong nhà. Cứ một lớp lúa lại cho một lớp men lá, đậy lên trên miệng ché một tấm vải hoặc một lá cây rừng to. Sau 3-4 ngày sau họ nếm thử nước, nếu chưa có mùi hăng của rượu thì phải cho men thêm, sau đó mới đốt rơm lấy tro nhào với nước cho sền sệt trét kín miệng ché lại để trong bóng tối. Rượu này thường làm từ tháng 7 âm lịch năm này để đến Tết cúng mùa làm đất khoảng tháng 3, hoặc Tết mừng lúa mới khoảng tháng 8 sang năm mới khui cúng Giàng (tên gọi chung cho Trời, đất, thần linh).
         Mùi vị của rượu có ngon hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm hái lá men. Và chính xác vào thời điểm nào thì không ai tiết lộ cả.


                                 4. VĂN HÓA TINH THẦN:
4.1. Lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo:
 Lễ tết:

Người Cơ Ho sinh sống chủ yếu ở Lâm Ðồng. Họ ăn tết sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi khoảng một tháng, và gọi là Nhô Lir Bông, tức là tết mừng lúa về nhà. Hai chữ Lir Bông có nghĩa là cót thóc. Người Cơ Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Lễ tết chính là một phần của lễ nông nghiệp và được tổ chức sau khi thu hoạch, lên men rượu. Lễ cúng mừng lúa bắt đầu từ xế chiều và được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, với sự tham dự của chủ làng cùng nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu của con gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ ; trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, các con mối đất ; cây cỏ tranh đem giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ gia dụng để cầu mong sự bình an cho mọi người. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui với nhau, cứ thế cho đến cả tháng trời mới thôi.

Lễ đâm trâu :

      Lễ đâm trâu được tổ chức sau khi thu hoạch mùa màng, chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới, với ý nghĩa mừng lúa được mùa và tạ ơn thần linh đã ban sự an lành cho dân làng...Thường thường, trong dịp này, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để làng tổ chức làm lễ đâm trâu. Mâm cúng lễ gồm rượu, thịt, cơm nếp trầu thuốc và bắt buộc phải có cây nêu vì cây nêu góp phần làm cho buổi lễ thêm long trọng và linh thiêng. Cây nêu được làm từ cây hòn gai, thớ gỗ rất trắng và mềm nên tiện lợi cho việc trang trí hoa văn và tạo dáng. Trên cây nêu trang trí hình con vật mang ý nghĩa phồn thực và thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vạn vật được sinh sôi nảy nở. Lễ này được tổ chức ở trước cửa nhà của người chủ hiến tế hoặc trước cửa già làng hay ở mảnh đất rộng, bằng, cao ráo của làng. Mọi người nhảy múa xung quanh cây nêu, theo tiếng cồng chiêng. Thịt trâu được chia cho từng gia đình, còn máu của con trâu được bôi vào trán những người dự lễ để cầu phúc. Lễ đâm trâu kéo dài trong 3 ngày. Sau ngày Tết, người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc cần làm như: làm nhà, chuyển làng...

Lễ nông nghiệp:

Lễ nông nghiệp của người Cơ Ho Srê ở vùng Di Linh, lễ được tiến hành theo các khâu làm ruộng. Đầu tiên là lễ gieo giống (nhô sih srê), được cúng ngay tại ruộng trước khi gieo trồng, để cầu xin trời đừng  mưa vào lúc vừa gieo hạt bởi nếu gặp mưa lớn, hạt sẽ bị nước cuốn trôi hoặc bị úng thối.
      Thứ hai là lễ rửa chân trâu (nhô rao jơng rơpu), được tổ chức sau khi gieo giống chừng 1 tháng, lúc con trâu đã được nghỉ ngơi sau vụ cày bừa để cầu cho con trâu được mập mạp, có nhiều cỏ ăn và sinh sản nhiều. lễ này do từng gia đình cúng tại nhà vào buổi tối. trong lúc khấn vái, tất cả lửa trong nhà đều phải tắt để ma quỷ khỏi nghe thấy ddieuf đang cầu xin mà có dụng tâm làm ngược lại. trong lúc ăn đò cúng, người lấy cái lưỡi cày vỗ nhẹ vào bụng mình bảy lần với ngụ ý là nay đã qua mùa cày bừa vất vả thì nên ăn ít để khỏi lãng phí lúa gạo, đừng ăn nhiều như lưỡi cày ăn đất.
      Thứ ba là lễ tập thể của làng thường tổ chức dưới chân một ngọn núi vào lúc lúa xanh đồng để tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa. Lễ này gọi là lễ “nhôwer”, Có lẽ nó bắt nguồn từ cái tên “wer” là cái chòi kiêng kị mà người ta dựng lên để làm lễ dành cho các thần. người đứng đầu buổi lễ này là chủ làng. Trước khi chủ làng đứng ra cầu khấn, một thanh niên đưa ngón tay vào miệng huýt sáo để mời một vị thần núi ở núi Brah Yang về dự. khi cúng xong dân làng làm thịt trâu và ăn uống đến xế chiều mới về.
       Thứ tư là lễ “nhô kẹp” lễ này được cử hành vào mùa lúa trổ bông, cầu cho lúa ra nhiều bông và chuột đừng phá phách. Lễ này do từng gia đình cúng riêng tại ruộng của mình, và thường vào ngày trăng tỏ vì người ta muốn mùa màng và đời sống cũng sáng sủa và tròn vẹn như trăng rằm.
        Khi lúa chín từng gia đình lại cúng tại ruộng của mình lễ trồng cây nêu , gọi là “ nhô tôt đông” vào dịp này người ta cắm ở mỗi thửa ruộng một con ó nhỏ đan bằng tre, cột chung với một cái mõ. Gió thổi làm con ó di động khiến cái mõ phát ra tiếng, tượng trưng cho tiếng của con ó. Lúc đồng lúa chín vàng, người ta thấy những con ó bay lượn và thường ngạp ngừng trên đám ruộng. họ tin rằng con ó được thần linh gửi tới và vỗ cánh làm cho lúa chín rộ, do đó vào dịp lễ này họ cũng làm một con ó giả cắm ở ruộng.  
 Thứ năm là lễ “nhô por koi” - cúng thần gió được tổ chức vào lúc giê lúa, với mục đích cầu cho gió thổi lên để việc giê lúa có kết quả tốt. Lễ này do từng gia đình cúng ở ruộng mình.
       Lễ cuối cùng là “nhô lir bông”. Đây là lễ tết của người Cơ Ho Sẽ diễn ra khi việc ruộng nương đã hoàn tất và các ché rượu được lên men. Lễ cúng tổ chức tại kho thóc mỗi nhà, bắt đầu từ xế chiều, có sự tham gia của chủ làng và các chủ gia đình khác. Người ta lấy máu của con gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, cửa kho. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, nghệ đất gò mối, cỏ trang để bôi lên ngực, lên trán những người trong gia đình và bôi lên các đồ dùng trong gia đình. Theo thần thoại của người Srê, đất ụ mối và vỏ cây đa là những vật liệu mà thần Nđu đã ldungf để làm ra con người thưở ban đầu, cho nên vào dịp năm mới, người Srê thoa những thứ đó vào thân thể để nhớ lại cội nguồn đẫ sinh ra loài người.

Tín ngưỡng:
                                                                                                         
Người Cơ Ho theo tín ngưỡng đa thần. Họ tin rằng mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định và trong quan niệm của họ. theo họ các thế lực siêu nhiên được chia thành hai phe: một bên là thần thánh luôn luôn phù hộ cho con người và một bên là ma quỷ (Chà) luôn luôn mang đến tai họa cho con người như phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật… họ tin rằng chính Chà là kẻ ăn linh hồn của người chết.
 Đứng đầu các thần là Nđu (Yàng) – vị thần khai sáng ra vũ trụ và có quyền năng tối thượng để bảo vệ con người. thần Nđu ít khi được biểu hiện qua hình ảnh cụ thể. Phần đông người Cơ Ho chỉ có một ý niệm lờ mờ về vị thần này, đó là vị thần hiện diện ở khắp nơi, có quyền năng tuyệt đối và luôn che chở cho con người nhất là người nghèo khổ. Bên cạnh đó là thần Lúa, thần Đất, thần Mặt Trời, thần nước, thần núi và thần lửa luôn luôn bảo vệ và che chở cho dân làng. Hầu như trước khi làm bất cứ việc gì hay có chuyện gì xảy ra người Cơ Ho thường phải cúng viếng để cầu xin sự che chở của thần linh. Mặc dù Nđu là vị thần tối cao nhưng trong các dịp lễ người Cơ Ho ít cầu đến vị thần này mà thường cầu xin những vị thần khác thấp hơn. Vì các vị thần khác gần gũi với người dân hơn.
Do quan niệm đời sống của mình bị thần thánh và ma quỷ chi phối nên họ phải cúng lễ để cầu xin vào dịp như mùa màng, hôn nhân, tang ma, ốm đau… Tuỳ theo tầm quan trọng của buổi lễ mà họ sẽ chọn tế sống trâu, heo, dê hoặc gà. Buổi lễ nào cũng phải có con vật hiến sinh và rượu vì họ tin rằng các vị thần rất thích ăn thịt và uống rượu. Đại đa số các lễ đều do từng gia đình tiến hành và chủ gia đình là người làm chủ lễ. Trong làng không có ai chuyên giữ chức vụ tế. người phù thủy (bơjâu) không phải là người giữ chức vụ tử tế của làng, mà là nhân vật có nhiệm vụ trừ khử những tai họa trong làng, thường nhất là bệnh tật. Người Cơ Ho tin rằng phù thủy là do thần linh chỉ định. Họ có thể liên lạc và có thể biết được ý muốn của thần linh, ma quỷ do đó mà chỉ bảo được cho dân làng biết nên làm nhữn điều gì để được giải thoát khi gặp tai họa nào đó. ở một số làng phù thủy là đàn ông nhưng ở một số làng khác phù thủy lại là đàn bà. Ngoài những lúc đi chữa bệnh bằng phù phép hoặc cúng thần đẻ trừ tai họa cho dân làng phù thủy vẫn làm những công việc bình thường như làm rẫy, làm ruộng, giã gạo, lấy nước, kiếm củi…
Ngoài ra, người Cơ Ho còn nhiều tín ngưỡng và lễ nghi khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày như cuwis hỏi, sinh đẻ, ma chay. Đó là chưa kể những kiêng cũ khi có người đẻ, người bệnh tật hay người chết…

Tôn giáo:

Dân tộc Cơ Ho không có tôn giáo chính thống. Gần đây có một bộ phận lớn người dân tin theo tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Thiên Chúa giáo và nhất là Đạo Tin Lành dưới thời Mỹ- Ngụy.
Vào khoảng những năm 1928-1929 trở đi, một số mục sư người Mỹ đã đặt cơ sở đầu tiên cho việc truyền bá đạo Tin Lành vào vùng cư dân ở Lâm Đồng. Tiếp theo, trường kinh thánh Cơ Ho Đà Lạt được thành lập, đó là tổ chức tiền thân của trung tâm truyền giáo của khu vực người Cơ Ho sau này của Mỹ. Nhiều mục sư người Cơ Ho đã được đào tạo tại đấy từ những năm 1946-1947, nhất là sau khi chúng hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi bán đảo Đông Dương (1954), đế quốc Mỹ trực tiếp nhúng tay vào Việt Nam, việc truyền bá Tin Lành có thêm nhiều điều kiện phát triển sâu rộng và liên tục trong vùng Cơ Ho, cũng như các dân tộc ít người ở địa pguwowng khác.
Cùng với chings sách dồn ấp chiến lược của chủ nghĩa thực dân mới, các mục sư đã có mặt kịp thời ở hầu khắp các địa phương cư trú mới của người Cơ Ho để truyền đạo. Kinh thánh và các tài liệu truyền giáo đã được dịch ra tiếng Cơ Ho và các mục sư đã sử dụng ngôn ngữ đó trong việc truyền đạo.
Tín đồ Tin Lành người Cơ Ho, ngoài một số nghĩa vụ đóng góp cho Nhà đạo, hàng năm còn phải nộp thêm 1/10 thu nhập của gia đình để nuôi các mục sư, xây dựng nhà thờ, tu viện và các cơ sở phục vụ cho việc truyền giáo. Sự đóng góp đó được coi như một trong những tín điều quan trọng của kinh thánh mà mọi người phải tuân theo. Đó là gánh nặng đặt lên vai người nông dân Cơ Ho nghèo khopr trong vùng tạm chiếm trước đây ở Lam Đồng.


4.2 Chữ viết.

          Đầu thế kỉ XX, chữ viết của người Cơ Ho được xây dựng bằng hệ thống chữ la tinh. Mặc dù đã được cải tiến nhiều lần, được dùng để dạy trong một số trường học nhưng loại chữ này vẫn chưa được phổ biến sâu rộng.

4.3. Văn học nghệ thuật:
Vốn văn học nghệ thuật dân gian Cơ Ho rất phong phú. Thơ ca giàu trữ tình và đầy nhạc tính. Một số vũ khúc cổ truyền thường được diễn trong các lễ hội. Các nhạc cụ truyền thống như bộ cồng chiêng sáu chiếc, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr)... có khả năng hoà âm với lời ca hoặc độc tấu.
Gần đây, ông Nguyễn Huy Trọng, một linh mục ở giáo xứ Kala, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã sưu tập được khoảng 400 chuyện cổ tích, nhiều câu thơ (tam pla) và 30 trường ca, sử thi của người Cơ Ho trong đó có trường ca Gơ Plom Kòn Yồi dài hơn 6.000 câu.
Tác phẩm văn học nổi tiếng là “Gơ Plom Kòn Yồi”. Truyện được sưu tầm khoảng từ năm 1971-1974, do cụ Kơ Brok - ngoài 70 tuổi kể suốt đêm trong một lễ hội “Tế thần ăn trâu” (Lơh Yàng nô sa rơpu) tại vïng Riongto (thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ngày nay).
Đó là một câu chuyện về tình yêu và hôn nhân giữa hai nhân vật chính là người vợ Gơ Plom Kòn Yồi và người chồng Tòng Kòn Tăc. Nhưng xuyên suốt câu chuyện, luôn luôn có bóng dáng cả dân tộc Cơ Ho, có sự sinh và sự chết, có cái thiện và cái ác, có những địa danh từ Riongto qua các vùng miền người Cơ Ho sinh sống ra đến tận Pơjai (Phan Thiết ngày nay). “Nói là tình yêu nam nữ, nhưng thực chất, đó là tình yêu dân tộc”
Ca dao - dân ca
Những bài ca dân gian được gộp chung các hình thức mà cư dân bản địa vẫn gọi  là nri (luật tục),  bài cúng (hay bài ca nghi lễ), tam pơtlah long (hát đối đáp, giao duyên hay bài ca tình cảm). Bài ca nghi lễ hay bài cúng được sử dụng một cách phổ biến trong các lễ cúng thần linh của cư dân. Cấu trúc của các bài ấy thường có vần, số chữ trong các câu không nhất thiết phải như nhau, số câu trong các bài cũng khác nhau.
          Luật tục (nri) đã đề cao các vị thần linh và coi những việc làm của họ là mẫu mực, phải tuân theo. Khi xử tội những người vi phạm luật tục, người ta lại đọc hay hát bài ca luật tục. Những bài ấy mang sức nặng của truyền thống vă hóa lâu đời, thiêng liêng, lại được cô đúc trong những công thức chặt chẽ, được thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc, rất gần gũi với tư duy sinh hoạt của cư dân. Dù luật tục được truyền miệng nhưng chúng vẫn có giá trị củng cố gia đình - dòng họ - bon làng, duy trì trật tự kỷ cương theo cơ chế tự quản.
Về nội dung, mỗi câu chữ đều chứa một nội dung cụ thể, phản ánh một hiện tượng tự nhiên hay xã hội, đúc kết một kinh nghiệm sản xuất hay sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, ta hiểu theo nghĩa cụ thể, nghĩa đen, nghĩa trực tiếp vẫn là chủ đạo. Vì vậy, từng câu ít khi tự đứng độc lập như một tác phẩm mà phải liên kết chặt chẽ với nhau trong một bài khá dài mang tính tổng hợp tri thức thực tiễn, truyền bá kinh nghiệm sống, chúng lại thường ít đứng một mình mà liên kết lại thành một cấu trúc chặt chẽ dưới dạng bài  với vần nhịp khá chuẩn:
Người Cơ Ho nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, vốn không có văn tự, nên muốn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, họ phải sử dụng lối văn truyền khẩu, nên các hình thức nói kể thiên về văn vần và bắt đầu nghệ thuật âm nhạc của mình bằng lối hát - nói, trong đó yal yau (bài kể chuyện xưa) là tiêu biểu.
Âm nhạc dân gian
Cùng với ca hát, người Cơ Ho còn có nhiều loại nhạc cụ khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động nghi lễ, hội hè. Công dụng nổi bật của chúng là tạo nền cho các nghi thức tế lễ, phối tấu cùng với ca hát và “chỉ huy” các động tác nhảy múa. Các nhạc cụ tiêu biểu là đàn đá (lu gòng), chiêng (cing), trống da nai (sơgơr), khèn bầu khèn môi, đàn sáu dây, sáo… là những nhạc cụ cổ truyền thống với âm sắc độc đáo và có cấu tạo mang bản sắc dân tộc. Đàn đá và chiêng là hai loại nhạc cụ khá phổ biến trong cộng đồng người thiểu số. Bộ chiêng người Cơ Ho có sáu chiếc: Cing me (chiêng cái) giữ nhịp, cing rdơn (chiêng cả)  phụ nhịp cho chiêng cái, cing ndơn đổi giai điệu, cing thơ, cing thi trả lời khi chiêng cái gọi. Khi đánh chiêng, người Cơ Ho xếp theo hình vòng cung, theo thứ tự các chiêng kể trên, tay trái đỡ mặt trong, tay phải đánh. Đội hình di chuyển khi ngược khi xuôi, âm thanh trầm bổng, luyến láy được tạo ra nhờ tay chụp, xòe hay xoa mà tạo nên. Riêng trống là loại nhạc cụ phổ biến ở hầu khắp các nhóm cư dân. Chiêng là cách gọi theo người Việt. Theo tiếng  Cơ Ho, chiêng là cing. Chiêng không có núm gọi là cing, chiêng có núm gọi là mồng (cồng). Theo người Lạch, chiêng có 36 nhịp đánh khác nhau. Chiêng được sử dụng trong các dịp vui.
Mỹ thuật dân gian
Nghệ thuật tạo hình chưa tách biệt  thành một lĩnh vực độc lập mà nó được kết hợp đan xen, hoà quyện vào trong các vật dụng sinh hoạt hàng ngày do chính họ sáng tạo ra. Quan niệm thẩm mỹ, tình yêu với cái đẹp của các cư dân ở đây được thể hiện chủ yếu qua những sản phẩm thủ công  trên những tấm vải, trên các sản phẩm đan lát, các công cụ lao động bằng sắt trong các đồ đựng bằng gốm, trong việc tạo dáng những con thuyền. Nghề dệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nghệ thuật tạo hình của họ chưa tách biệt nhưng sản phẩm dệt của họ là những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cao.



5. TỔ CHỨC XÃ HỘI NGƯỜI CƠ HO:

5.1: Thiết chế tự quản buôn làng:
Người Cơ Ho cho rằng có ít nhất ba thế giới: của người sống, người chết và thần linh. Vũ trụ được tạo dựng từ công trình của những người khổng lồ.
Buôn làng
Làng (bòn) là đơn vị cư trú của người Cơ Ho, giống như làng của người Việt hay buôn, plei của các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Buôn  làng Thượng  là một đơn vị cổ truyền của cư dân nông nghiệp phương Đông. Bị cách bức bởi núi rừng, buôn làng người Cơ Ho vận hành độc lập với những tập tục bình đẳng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giữ lại cho họ những phẩm chất tốt đẹp. Buôn là một tổ chức xã hội hay là một thế giới trong cảm quan của họ. Đó là một vùng cư trú, vùng canh tác rẫy hoặc ruộng, một vùng tự nhiên mà họ vẫn thường khai thác và xa hơn nữa là khu rừng thiêng nơi trú ngụ của thần linh, nơi ít ai được đặt chân đến và là biên viễn xa nhất của thế giới thu nhỏ mà họ đang sống.
Mỗi buôn đều có bộ máy tự quản riêng, đứng đầu trong bộ máy đó là chủ làng (kwang bòn) là người tài ba (cau jak: một người tài giỏi), nhưng quan trọng hơn là biết ăn nói, có tài hùng biện, biết kể chuyện hay và thông thạo lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc. Ông vừa là người ghi chép nền văn hóa dân tộc không có văn tự đó, vừa là người điều hành dân làng thực thi và viết tiếp những trang sử mới của dân tộc mình.Chủ làng là do dân cử chứ không phải phải do thế tập mà có. Điều này đồng nghiã với  việc  nếu một chủ làng chết đi thì dân làng sẽ tổ chức họp toàn thể để chọn ra 1 người để làm chủ làng mới. Quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi chủ làng khá rộng và toàn diện, bao gồm: Về chính trị: là đại diện cao nhất của 1 làng như một đơn vị tổ chức xã hội độc lập có quyền bình đẳng với các làng xung quanh; Về kinh tế: Điều hành việc làm ăn, sản xuất và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của làng; Về xã hội: Điều phối các mối quan hệ giữa các thành viên trong làng với nhau…
Giúp việc cho chủ làng điều hành các công việc cộng đồng là một số chức dịch cũng do dân cử như: Hội đồng già làng; người trông nom, quản lý đất đai; thầy cúng…
             Hội đồng giá làng ở mỗi buôn thường bao gồm vài trăm người, là các trưởng họ từ các nhà dài, nắm vững phong tục tập quán, có nhiệm vụ tư vấn cho chủ làng về các công việc trọng đại của làng, cũng như tư vấn cho chủ làng trong việc xét xử các vụ việc theo luật tục.
Thầy cúng (cau gru) là người có quyền chi phối sinh hoạt tín ngưỡng. Ông ta là người trực tiếp giao tiếp với thần linh để hỏi về tính mệnh của người bệnh. Việc trở thành thầy cúng do việc cho rằng đã nhặt được viên đá thiêng ( sơnàr) rồi từ đó có bùa phép hay do ốm thập tử nhất sinh sau đó tỉnh lại thành một người hoàn toàn khác, có khả năng chữa được bệnh.
Thầy phù thủy (cau gru cơnang) cũng là người biết được cặn kẽ các phong tục tập quán, các câu chuyện cổ...
Thầy phù thủy, thầy cúng trở thành một lớp người quan trọng trong xã hội Cơ Ho, họ tham gia điều hành các kỳ tế lễ trong buôn làng. Họ vừa chữa bệnh bằng thuốc và bằng pháp thuật, dùng bùa phép để giải trừ ma quỷ, có phù chú cùng những vật cúng tế để giảm bớt những cơn thịnh nộ của thần linh, có bùa ngải để trừng phạt hay giúp đỡ những người khác chinh phục lẫn nhau, có khả năng phát hiện ra ma lai và khi cần họ đứng ra chịu sự thử thách trước thần linh và buôn làng.
 Bà mụ là người làm công việc đỡ đẻ cho các sản phụ trong làng.
Sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội truyền thống chủ yếu dựa vào sự khác biệt chút ít về những tư liệu sinh hoạt như chiêng, ché, nồi đồng, chứ không phải là các tư liệu sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Chưa có sự bóc lột sức lao động của những thành viên khác trong cộng đồng làng, cộng đồng dân tộc... Tuy nhiên trong xã hội đó, đã xuất hiện sự phân tầng xã hội: kẻ giàu, người nghèo, "con ở hoặc "tôi tớ trong gia đình. Sự xuất hiện các khái niệm đó là dấu hiệu của một xã hội tiền giai cấp nhưng vẫn còn mang nặng một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa,nó có nhiều điểm khác với các khái niệm tương tự trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Sự khác biệt đó biểu hiện tập trung ở chỗ thân phận của những người được gọi là “con ở” hoặc “tôi tớ” đã được gia chủ cũng như dư luận xã hội đối xử bình đẳng trong tinh thần tương thân tương ái vốn có giữa người với người. Họ được coi như là một thành viên thực thụ trong gia đình người chủ và có thể lấy con trai hay con gái của gia chủ làm vợ, làm chồngmaf vẫn không bị dư luận bên ngoài dèm pha hoặc lên án.  Ở những vùng tập trung dân cư với mật độ cao, hình thành một tổ chức liên minh giữa những bon với nhau trên cơ sở tự nguyện, gọi là M'đrông.
Hợp thành các làng Cơ Ho ngày nay là các dòng họ, mỗi dòng họ lại bao gồm các hộ gia đình. Cai quản dòng họ là trưởng họ, thường là chồng người phụ nữ cao tuổi có uy tín trong họ. Đứng đầu gia đình là các chủ nhà. Trưởng họ và chủ gia đình đại diện cho họ và gia đình mình trong việc cùng chủ làng, hội đồng già làng bàn bạc quyết định các công việc liên quan đến cộng đồng.
Tham gia vào việc duy trì xã hội không thể không kể đến vai trò hết sức to lớn của luật tục. Đó là loại luật tục chưa thành văn, nội dung bao gồm rất nhiều điều cụ thể nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên, trong đó, đặc biệt nhằm duy trì phong tục tập quán liên quan đến hôn nhân gia đình, đến giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nơi cư trú, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, được dân làng, nhất là chủ làng và các già làng nhớ rõ và vận dụng nhuần nhuyễn vào cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, sau đây là một số điều luật trong luật tục liên quan đến hôn nhân và gia đình của người Cơ Ho (điều tra ở nhóm Nộp, xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng):
-             Nếu con cái mắng chửi cha mẹ thì phải nộp phạt cho cha mẹ 1 ché rượu . Nếu mắng chửi và kèm theo hành động hành hung cha mẹ thì đồ nộp phạt là 1 ché rượu và 1 tấm choàng
-             Nếu con cái còn nhỏ mà vi phạm luật tục thì bố mẹ phải có trách nhiệm bồi hoàn theo luật tục.
-             Khi cưới xin, gia đình vợ phải đem đến cho gia đình chồng 1 khoản sính lễ bao gồm: Trâu 1 con, nghé 1 con, rượu 1 ché, tấm choàng 8 cái, vòng đồng 1 cái, vòng nhôm 1 cái, kèm theo số lượng tuỳ theo ché, lợn ,gà, gạo. Nếu nhà gái quá nghèo thì có thể miễn giảm đồ sính lễ, nhưng bắt buộc phải có vòng đồng và 8 tấm choàng.
-             Vợ chồng có chuyện ngoại tình hay không hợp nhau có quyền ly dị theo luật tục. Nếu bên vợ có lỗi thì phải trả lại bên chồng toàn bộ sính lễ. Nếu bên chồng có lỗi thì phải tay không trở về nhà mình.
-             Đàn bà goá phạm tội ngoại tình khi chưa làm lễ bỏ mộ chồng thì bà ta phải nộp cho gia đình chồng 6 con trâu, 1 cái áo, 1 tấm choàng, 1 ché rượu, 1 con gà.
-             ……………………
Mặc dù hệ thống tổ chức tự quản còn đơn giản, nhưng với những luật tục hệ thống, đầy đủ và có sẵn từ ngàn xưa, cuộc sống bao đời của người Cơ Ho diễn ra thanh bình trong phạm vi buôn làng.
 Ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mỗi làng rất cao. Nếu như ở người Hmông, đặc trưng xã hội là ý thức dòng họ cao thì ở người Cơ Ho, đặc trưng xã hội là ý thức cộng đồng buôn làng cao. Trong làng có cưới xin hay ma chay, cả làng chứ không phải chỉ có họ hàng đến giúp và chia buồn hay chung vui.

Dòng họ

Dòng họ mẫu hệ là tập hợp cá nhân dựa theo tổ tiên chung tính theo dòng  mẹ. Trước đây, người Cơ Ho nói chung không có tên gọi cho từng dòng họ, vì họ sống chung vơi nhau trong một làng từ đời này sang đời khác. Việc xuất hiện tên các dòng họ,  theo một vài gia phả, chúng ta có thể nhận thấy là rất gần  thời kỳ hiện đại. Dòng họ, tuỳ nhóm mà được gọi bằng những thuật ngữ “cớp chưi; cớp nuê; noi hay pà chan”, là những người cùng 1 huyết thống tính theo dòng mẹ, có chung 1 bà tổ thực tế hay huyền thoại. Trong các dân tộc có họ ở Tây Nguyên, người Cơ Ho có lẽ là dân tộc có nhiều họ nhất.
Về mặt ý nghĩa, tên dòng họ của người Co Ho chia làm 2 loại: loại thứ 1, ít phổ biến, thấy tồn tại ở các nhóm Srê và Nộp, trong đó tên dòng họ trùng với tên làng, mà ý nghĩa phản ánh đặc điểm nơi cư trú. Chẳng hạn tại làng tại làng Tam Bố, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng của nhóm Srê có 6 họ mà tên gọi trùng với tên 6 làng hợp thành: Tam Bố; Tam Ring; Kon Nhài; Liang rai; Rơ ha Blăng; Bil.
Loại thứ 2 thấy tồn tại ở các nhóm Nộp, Chil, Pam là họ của những người có bà tổ làm nghề đánh cá dưới suối bằng nơm; Kon sơ là họ của những người có bà tổ vốn xưa không có nhà cửa, phải sống lang thang nay đây mai đó trong rừng. Chil yui là họ của những người có bà tổ sống trên cao, chỉ biết chuyên đốt rừng làm rẫy….
Xét dưới góc độ hôn nhân và gia đình, dòng họ là tập hợp những người có cùng huyết thống tình theo dòng họ mẹ, cũng là 1 đơn vị ngoại hôn.

5.2.Hôn nhân

Hôn nhân ở người Lạch theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng. Có những quy định chung như anh em cùng dòng họ không lấy nhau (tính theo họ mẹ) và những qui định riêng như không lấy người dòng họ thù địch, bị nghi là malai. Ở người Lạch đã có một thời cấm kết hôn giữa những dòng họ như Liêng Hót và Đa Gút, Liêng Jrăng và Krajăng, Đa Gút và Pan Ting....Tốt nhất vẫn là:

"Mài rìu, mài xà gạc thì tìm đá cứng
Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn
Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu"

"Bỏ ruộng thì đói
Cắt váy thì nghèo
Bỏ con cô con cậu thì thành đầy tớ"

  Luật tục của người Cơ Ho không cho phép người đàn ông có vợ và người phụ nữ có chồng mà lại đi quan hệ lăng nhăng bên ngoài. Nếu vi phạm sẽ bị phạt, theo phong tục, nếu là gái đã có chồng mà đi ngoại tình thì người chồng sẽ về bên nhà mình thông báo cho ông cậu và bố mẹ mình biết để bắt phạt người vợ, nặng là 1 con trâu, do chính tay ông cậu cùng bố mẹ người vợ mang đến, nhẹ là một con lợn, 1 ché rượu, 1 tấm vải dệt. Ngược lại, người đàn ông đã có vợ mà đi ngoại tình thì cũng bị bên nhà vợ phạt tương tự.

Ngoại hôn dòng mẹ chặt chẽ: Như đã đề cập, người Cơ Ho có họ và dòng họ là các thành viên cùng tổ tiên tình theo dòng nữ, trong nhiều trường hợp được thể hiện bởi tên họ xác định. Trước đây, những người được coi là cùng dòng họ, tức là những người cùng dòng máu về phía mẹ, phía nữ, dù cách nhau bao nhiêu đời cũng tuyệt đối không được phép có quan hệ hôn nhân hay tình giao với nhau.Vi phạm điều này tức là vi phạm luật tục, mắc vào tội loạn luân, tội lớn nhất trong các tội theo luật tục, đồng nghĩa với xúc phạm đến thần linh, theo quan niệm cổ truyền, sẽ bị thần linh giận mà gây cháy làng, dịch bệnh hay mất mùa. Gia đình những người phạm tội này phải nộp phạt một lợn trắng, 1 dê trắng cùng rượu cần để làng cúng thần, tẩy uế cho đất đai và nguồn nước. Chẳng hạn, ở vùng Srê, tội loạn luân  sẽ đặc biệt nặng nề khi người con gái có thai đúng vào lúc trời hạn hán. Người ta cho rằng việc loạn luân là nguyên nhân dẫn đến nắng hạn kéo dài, vì thế cả làng phải tổ chức cúng tạ thần linh bằng trâu, dê, gà, lợn trắng., rượu. Lễ cúng diễn ra bên bờ suối, người ta đặt cơm canh lên một mẩu thân chuối rồi bắt 2 người bốc ăn. Tiếp theo đó chủ làng sẽ cầm ngón chân cái người con trai nhúng xuồng nước suối rồi đếm đúng 7 nhịp, sau đó lại tiếp tục như vậy với người con gái. Ngụ ý rằng đó là hành động cầu mong mưa thuận gió hoà. Ở vùng người Chil và Lạch, gia đình những người phạm tội loạn luân phải nộp trâu, rượu để cúng xin lỗi thần linh, bản thân đôi trai gái phạm tội loạn luân bị buộc phải ăn trong máng lợn, sau đó, bị đuổi khỏi làng.
Cư trú sau hôn nhân là cư trú bên vợ. Giống như các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo, ở người Cơ Ho, quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về người con gái và họ nhà gái. Hiện nay, với việc giải thể ngôi nhà dài, chỉ một vài năm sau khi cưới, cặp vợ chồng trẻ thường được cha mẹ vợ cho tách ra ở riêng. Họ cũng được chia một phần đất sản xuất để tự làm ăn. Tài sản họ làm ra thuộc về sở hữu riêng của 2 vợ chồng. Tuy nhiên, trước khi cùng chồng chung sống ở nhà mình, người con gái cũng có 1 khoảng thời gian đi làm dâu. Thời gian ở dâu thường chỉ 1 tuần, có khi là 1 hoặc vài tháng. Trong thời gian này, người con gái phải lao động chăm chỉ để tỏ lòng biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ đối với chồng. Trong trường hợp nhà trai neo người hoặc nhà gái quá nghèo không có khả năng trả đủ số lễ vật thách cưới cho nhà trai thì thời gian ở dâu sẽ lâu hơn, có thể là 3 năm hoặc vĩnh viễn.( Người con gái phải đi làm dâu 3 năm thì số lễ vật mà nhà trai thách cưới sẽ được giảm đi 1 nửa, còn nếu ở dâu vĩnh viễn thì nhà gái sẽ được miễn hoàn toàn). Những cô gái thuộc gia đình giàu có, và cô gái không muốn phải đi làm dâu thì cha mẹ cô ta phải đưa một khoản tiền cho nhà trai.
Hôn nhân đặc biệt: Do nguyên tắc ngoại hôn dòng mẹ chặt chẽ, nên hôn nhân con dì, con già bị cấm kị chặt chẽ, cũng như hôn nhân con chú con bác không được ưa thích, trong khi hôn nhân con cô, con cậu 2 chiều lại được khuyến khích. Theo đó, con cuả em gái có thể lấy con của anh trai, cũng như con của chị gái có thể lấy con của em trai. Tập quán cho phép 2 hay nhiều anh em ruột có thể lấy 2 hay nhiều chị em ruột nếu cả 2 bên cùng ưng thuận. Nếu như người chồng chết đi thì người vợ có thể lấy em trai của chồng và ngược lại nêu người vợ mất đi thì người chồng có thể lấy em gái vợ nếu 2 bên ưng thuận. Tất cả các hình thức hôn nhân con cô, con cậu, hôn nhân anh em chồng, chị em vợ nói trên được xem như là một cách thức để thắt chặt hơn mối quan hệ giữa 2 gia đình và 2 dòng họ. Trong trường hợp nếu người em trai chồng không đồng ý lấy chị dâu goá thì theo tập tục, gia đình người goá phụ có quyền phạt gia đình nhà chồng 1 vài tài sản tính bằng lợn, rượu và tấm khăn dệt để dùng làm lễ vật đi lấy chồng khác. Ngược lại, nếu chị dâu goá mà không chịu lấy em chồng vì muốn tái hôn với người đàn ông khác, thì cô ta phải đợi 1 năm sau mới được tái giá. trước khi lấy chồng mới thì cô ta phải làm lễ cúng chồng cũ. Lễ cúng này nhằm  cắt đứt quan hệ vợ chồng với người đã khuất, xin cho người goá được lập gia đình với người mới và mong linh hồn người đã khuất phù hộ. Tình trạng ly dị chỉ xảy ra khi người chồng hay người vợ quá lười biếng, không quan tâm đến gia đình hoặc ngoại tình nhiều lần. Việc xét xử phải do cộng đồng mà đại diện là chủ làng và già làng xét xử. Nếu như lỗi thuộc về người chồng thì người chồng phải tay không ra đi khỏi nhà, con cái để lại cho vợ nuôi. Nếu người vợ là người có lỗi thì người chồng được bồi thường 1 trâu và những tấm khăn dệt.
Do tác động của các điều kiện kinh tế, xã hội mới, cũng như do ảnh hưởng của các tôn giáo mới như đạo tin lành, thiên chúa giáo…hiện nay hôn nhân của người Cơ Ho đã có những thay đổi. Trong cưới xin vẫn phải có lễ dạm hỏi và ăn hỏi nhưng thủ tục đã được đơn giản đi nhiều. Do sự giao lưu với các dân tộc khác, đặc biệt là với người Kinh tăng lên, xuất hiện ngày càng nhiều các cặp hôn nhân hỗn hợp giữa người Cơ Ho và các dân tộc khác. Các hình thức hôn nhân con cô, con cậu, hôn nhân chị em vợ, anh em chồng ở nhiều vùng không những đã không còn tồn tại mà còn bị phản đối. Như vậy do tác động của những điều kiện mới, hôn nhân truyền thống của người Cơ Ho đã có nhiều biến đổi theo cả 2 xu hường tích cực và tiêu cực. Tuổi kết hôn đã được nâng lên, nam nữ được tự do yêu đương lựa chọn bạn đời, các trường hợp hôn nhân cận huyết như con cô con cậu làm suy thoái giống nòi đã mất dần đi…tuy nhiên tình trạng mua bán trong hôn nhân không giảm, nhiều nghi lễ cưới xin phản ánh bản sắc văn hoá đang bị mất dần đi… Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn và bảo vệ các yếu tố văn hoá truyền thống tốt đẹp trong hôn nhân, bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức về pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước trong người dân.

5.3 Gia đình

     Cho đến nay ở người Cơ Ho vẫn tồn tại hai hình thức gia đình, đó là gia đình lớn mẫu hệ và gia đình nhỏ mẫu hệ. Qúa trình tan rã của gia đình lớn và sự chuyển biến từ gia đình lớn sang gia đình nhỏ đang diễn ra mạnh mẽ. Ở những vùng trù phú, vùng ven quốc lộ 20, quốc lộ 11, vùng quanh thị trấn, thị xã…hình thức gia đình nhỏ càng ngày càng trở nên phổ biến.
     Gia đình lớn thường sống chung dưới một mái nhà dài sát cạnh nhau cùng một khuôn viên. Gia đình lớn có khoảng từ 10-30 thành viên thuộc 3-4 thế hệ bao gồm nhiều nhóm gia đình nhỏ của những người chị em ruột,gần gũi về phía mẹ cùng với chồng con của họ.Ví dụ như gia đình lớn mẫu hệ của bà Ka Brệu ở buôn Tà Lụ, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng tồn tại vào những năm 1960. Gia đình này gồm 4 cặp vợ chồng, 24 thành viên thuộc 3 thế hệ. Cộng đồng huyết thống đó cùng chung sở hữu ruộng đất, gia súc lớn và một số bất động sản khác như chiêng, ché…Đứng đầu gia đình lớn là gia trưởng thường là chồng của người đàn bà thuộc thế hệ trên nhất trong gia đình. Trong thực tế, gia trưởng chỉ là người thừa hành những tập quán truyền thống, trong đó biểu hiện uy tín tuyệt đối và toàn diện của người cậu (kôn) để điều hành mọi công việc về kinh tế, sinh hoạt, tín ngưỡng, ma chay, cưới xin… trong gia đình lớn và là người thay mặt cho gia đình lớn trước cộng đồng làng
. Tổ chức gia đình lớn đang dần dần tan rã, gia đình nhỏ đã xuất hiện ngày càng phổ biến. . Số lượng thành viên của gia đình nhỏ gồm từ 2 đến 9 người. Gồm các dạng sau: Gia đình nhỏ gồm 1 cặp vợ chồng và con cái chưa lập gia đình; Gia đình nhỏ gồm người mẹ và các con chưa lập gia đình; Gia đình nhỏ mở rộng gồm vợ chồng bố mẹ hoặc người mẹ, 1 cặp vợ chồng, 1cặp vợ chồng con trai trong thời kỳ ở dâu hoặc cặp vợ chồng con gái mới xây dựng gia đình nhưng chưa ra ở riêng, và các con chưa lập gia đình…Qúa trình đó diễn ra một phần do sự phát triển nội tại của xã hội Cơ Ho, một phần do sự tác động của các xã hội bên ngoài, nhất là chính sách dồn dân vào ấp chiến lược dưới thời Mĩ-Ngụy.
Một điều đáng chú ý là trong tổ chức gia đình của người Cơ Ho, dù gia đình lớn hay gia đình nhỏ phương thức sinh hoạt gia đình mẫu hệ vẫn được duy trì, nghĩa là con cái tính dòng họ theo phía mẹ. Con gái út kế thừa những tài sản của gia đình và phần lớn quyền hành thuộc về người mẹ hoặc người cậu. Tuy vậy trong gia đình cũng như trong xã hội, vai trò của người đàn ông đã được chú trọng nhất là trong lao động sản xuất. Trẻ con dù trai hay gái đều được mẹ yêu thương, chăm sóc như nhau. .
  
Gia đình Cơ Ho, dù là gia đình lớn hay nhỏ đều mang những chức năng tái sản xuất ra con người, chức năng sản xuất, chức năng giáo dục và xã hội. Người Cơ Ho quan niệm “Mặc quần áo thì thích đẹp, làm vườn thì thích giàu, lấy chồng thì thích có con”. Những gia đình không có con, đặc biệt  không có con gái là những gia đình bất hạnh bởi khi về già không có ai nương tựa. Ngày nay do sự vận động của nhà nước, số con bình quân của các cặp vợ chồng Cơ Ho giảm đi so với trước đây. Trong trường hợp cưới nhau mà không có con, người Cơ Ho có thể nhận con nuôi. Con nuôi có thể là người đồng tộc hoặc khác tộc. Con nuôi được đối xử như con đẻ và được nhận phần tài sản của cha mẹ nuôi khi cha mẹ nuôi qua đời. Gia đình người Cơ ho là 1 đơn vị kinh tế hoàn chỉnh biểu hiện ở mọi mặt của đời sống sản xuất bao gồm tổ chức sản xuất, phân công lao động, tích luỹ tài sản và phân phối tiêu dùng của các thành viên trong gia đình. Đàn ông thường đảm nhận những công việc nặng nhọc hay mang tính giao dịch như phát rẫy, làm đất, chọc trỉa, dựng nhà…Phụ nữ thì đảm nhận những công việc nhẹ nhàng hơn trong sản xuất. Do chưa có trường học và chữ viết, gia đình là đơn vị chủ yếu làm nhiệm vụ giáo dục cho các thế hệ con em trong việc tiếp nối các truyền thống. Khi còn nhỏ, trẻ em được cha mẹ cho lên rừng, ra rẫy để biết làm rẫy, săn bắn…Ngay từ nhỏ trẻ em được đắm mình trong các hoạt động văn hoá, xã hội tôn giáo của buôn làng, của gia đình như lễ hội, cúng bái, ma chay, cưới xin. Chức năng xã hội của gia đình được biểu hiện trong mối quan hệ giữa các gia đình với nhau trong cùng 1 buôn. Gia đình tham gia 1 cách tự nhiên vào các hoạt động của cộng đồng như hội họp cúng tế và các sinh hoạt tôn giáo khác. Ngoài các chức năng trên gia đình người Cơ Ho còn thực hiện các chức năng tôn giáo, được biểu hiện ở các nghi thức cúng tế  trong gia đình vào các dịp lễ tết, các giai đoạn sản xuất, sinh đẻ, ma chay.
Giữa các thành viên trong gia đình là những mối quan hệ của gia đình mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ được đề cao. Quyền thừa kế tài sản thuộc về những người con gái đặc biệt là con gái út Trong nhóm các chàng rể, địa vị và vai trò của người chồng nữ chủ nhà cao hơn những người khác. Họ được coi là chủ nhà đại diện cho gia đình trong các cuộc họp của buôn làng. Dù sao, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng, giữa anh em trai với anh em gái trong nhà, bao trùm vẫn là mối quan hệ bình đẳng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

6. PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI CƠ HO:

- Các thành viên của làng luôn luôn phải ý thức về trách nhiệm của mình: củng cố sự bền vững và đoàn kết của dòng họ, buôn làng; giữ gìn đất rừng, nguồn nước, những tài sản được coi là của chung, tuân thủ và thực hiện tự giác các luật tục truyền thống, trân trọng và chấp hành ý kiến của chủ họ, chủ làng. Họ có quyền bày tỏ ý kiến về công việc chung của làng, tham gia lựa chọn người đứng đầu họ, làng ; khai thác và canh tác trên vùng đất của làng ...
Tất cả những luật tục đó đều nhằm bảo vệ và hun đúc ý thức cộng đồng: chúng ta là con cháu của tổ tiên, chúng ta phải tôn trọng và giữ gìn di sản của họ.
Toà án phong tục được diễn ra quanh ché rư­ợu cần long trọng và trang nghiêm nhưng­ bao trùm lên trên hết thảy là một tình thư­ơng yêu, đoàn kết:
"Việc tầm thường thì dùng ghè nhỏ
Việc lớn hơn dùng ghè cao hơn
Việc quan trọng thì giết heo dê
Anh em mình đứng về một phía” 
       
                           6.1. Sinh đẻ và nuôi con:

Phụ nữ Cơ Ho khi có thai kiêng không ăn hoa quả dính đôi, thịt các loài khỉ, vượn, không ăn các con vật có mang bị chết. Người Cơ Ho Srê rất kiêng không ăn thịt con đỏ, nhím, tê tê vì sợ sinh khó, không xách vật nặng, gùi phải mang sau lưng ngay ngắn, không đi trỉa giùm cho người khác, tóc không buộc vì sợ đẻ khó. Cho đến trước khi sinh, họ vẫn làm việc và ăn uống bình thường. Nơi sinh là trong nhà, gần chỗ ngủ của sản phụ. Chỗ đẻ thường trải lá rừng. Người đỡ đẻ là bà mụ vườn. Khi đẻ, chỉ có sản phụ và bà mụ. Người ta kiêng sự có mặt của người thứ ba, do quan niệm thai nhi sợ sẽ không dám ra.
Phụ nữ Cơ Ho sinh ở tư thế ngồi và quỳ. Để giúp cho việc sinh dễ dàng, bà mụ dùng dây rừng, quấn quanh bụng sản phụ để sản phụ kéo dây mỗi khi dặn đẻ. Trong trường hợp sản phụ sinh thuận, khi thai nhi ra hẳn, bà đỡ dùng cật tre nứa vót sắc cắt rốn rồi lấy chỉ khâu buộc lại. Trong trường hợp sản phụ  sinh khó, bà mụ bảo người nhà đi mời thầy cúng về cúng. Lễ vật gồm than củi ( păng xá) đang cháy hồng để vào chiếc điã, 1 chiếc lược. Thầy cúng lấy nước dội vào than hồng, sau đó, vừa đi xung quanh sản phụ vừa đọc các lời khấn xin Yàng làm phép cho trẻ sơ sinh ra, hứa rằng sẽ cho gà, lợn , rượu. Thầy cúng dùng lược chải tóc cho sản phụ, dùng than nguội rắc lên đầu sản phụ ngụ ý cho dễ đẻ. Nếu sản phụ  vẫn không đẻ được thì theo quan niệm là do Yàng bắt tội, không cho đứa trẻ làm người. Nếu mẹ tròn con vuông, bà mụ dùng cây cỏ mần trầu nhúng vào bát rượu và quệt vào lòng bàn tay tất cả các thành viên trong gia đình mỗi người 7 lần, ngụ ý mong muốn trẻ sơ sinh sau này luôn gặp tốt lành. Trẻ sơ sinh được tắm ngay bằng nước suối đựng trong bầu. Gia đình làm thịt gà, heo nhỏ, rượu để vào 1 mâm đan và đặt lên bàn thờ cúng thần. Sau khi uống rượu, thầy cúng và bà mụ mỗi người được biếu 1 con gà luộc, 1 ché rượu cần, riêng thầy cúng được biếu thêm 1 tấm khăn dệt.
Rau thai được quấn vào áo rách hoặc chiếu rách, sau đó được chồng sản phụ chôn ở sau nhà, dưới độ sâu 50 – 70 cm, sau 7 ngày lại được đào lên mang vứt ngoài rừng. Nếu thấy rốn trẻ sơ sinh bị chảy nước, bà mẹ dùng nước muối bôi vào. Sau 3 ngày, sản phụ được tắm và uống nước đun với 3 loại lá hay rễ cây rừng: Tà xay tốp; tà xay muôl; tà xay tĩnh. Theo kinh nghiệm, tắm và uống nước từ 3 thứ lá , rễ cây  này sẽ giúp sản phụ mau khoẻ, máu mau sạch hơn. Trong thời gian kiêng cữ 7 ngày, gia đình cắm lá cây đót hoặc dùng sợi chỉ xanh cột nơi cửa không cho khách lạ vào nhà, chỉ có anh em, bà con, họ hàng mới vào được.  Ai không biết mà vi phạm sẽ bị phạt 1 quả trứng, 1 bát cơm, 1 bát nước lã, để cúng Yàng. 7 ngày sau khi sinh, gia đình mời bà mụ và thầy cúng làm lễ cúng thần và đặt tên cho trẻ. Lễ vật gồm gà, rượu cần, 1 con heo 2 – 3gang. Sau lễ cúng, bà mụ vườn dùng ngón tay chấm vào tiết gà và bôi vào trán của đứa trẻ để xin trời cho đứa trẻ khỏe mạnh. Tiếp theo, bà mụ đặt cạnh trẻ sơ sinh vải dệt, sợi chỉ và khung dệt nếu là con gái; dao đan, nan đan và lá cói nếu là con trai. Tên của trẻ sơ sinh, hoặc do bà ngoại đặt, hoặc do ông cậu đặt. Thường con gái đặt theo vần tên mẹ, vần tên dì, con trai đặt theo vần tên cha, tên cậu.

Trong một tháng sau khi sinh, sản phụ phải kiêng ăn cà chua, ớt, cá, thịt tươi, chỉ được ăn cơm với muối rang, lá rau bép trong rừng. Sau 1 tháng, sản phụ được ăn thịt nạc hoặc cá phơi khô, 3 – 4 tháng sau mới được ăn như người bình thường. Theo phong tục, sản phụ nghỉ sinh từ 10 – 20 ngày thì đi làm bình thường. Đứa trẻ bú mẹ đến 3 - 4 tháng thì chuyển sang ăn cơm nhai. Trường hợp bị mất sữa, người mẹ được khuyên ăn nhiều lá rau bép trên rừng và muối rang. Khi trẻ sơ sinh ốm, người Cơ Ho mời thầy cúng về cúng tại nhà. Lễ vật gồm bát cơm, quả trứng và than củi, người ta cho rằng bệnh do ma gây ra, và ma thì sợ than, nên than là lễ vật không thể thiếu để cúng cho trẻ khỏ bệnh. Nếu không khỏi thì phải tăng lễ vật bằng gà hoặc dê.

6.2. Cưới xin

Lễ dạm hỏi:

Chế độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ đã được xác lập và duy trì ở người Cơ Ho. Người đàn bà đóng vai trò chủ động trong hôn nhân.Vào các đêm trăng sáng, trai gái thường tìm đến nhau để trò chuyện, tìm hiểu. Khi ưng nhau, đôi trai gái trao cho nhau chiếc còng tay ( còng) như kỷ vật tình yêu, dẫn nhau đi chơi, nếu tâm đầu ý hợp, cô gái sẽ nhờ mối mai tiến hành các nghi lễ cho đám cưới.

Lễ ăn hỏi:

 Đến lúc trưởng thành 15 hoặc 16 tuổi, người con gái ưng ai thì trình bày với cha mẹ và nhờ người mai mối (lam gông) đến ngỏ ý với gia đình nhà trai sau khi đã xin ý kiến có tính chất “chuẩn y” của người cậu. Lễ này được diễn ra sau khi đôi trai gái ưng nhau, ở người Srê, gọi là hào hìu, ở người Măng Tố được gọi là chát chớt. Lễ này diễn ra có sự khác nhau giữa các địa phương. Ở người Srê, đoàn nhà gái bao gồm ông cậu, người làm mối, cô gái cùng bạn bè của mình, do ông cậu dẫn đầu sẽ sang nhà trai để dạm hỏi. Theo phong tục, đoàn người đi hỏi  nhất thiết phải là 9 người. Vì số 9 là số may mắn. Người làm mối nhất thiết phải là đàn bà đứng tuổi, là người trong hoặc ngoài họ. Giỏi đối đáp, lo việc trình bày với nhà trai về phẩm chất và năng lực của cô gái . Lí do cuộc thăm viếng được trình bày và một vòng đồng, một chuỗi hạt cườm tượng trưng cho tài sản của nhà gái được đem tặng cho nhà trai. Nếu gia đình nhà trai nhận tặng vật, có nghĩa là chấp thuận cuộc hôn nhân thì ngày lễ thành hôn sẽ được ấn định. Nếu chàng trai không đồng ý để cô gái bắt làm chồng sẽ tìm mọi cách từ chối, nếu không chối được, đợi khi nhà gái đến xin cưới sẽ thách cưới thật cao để nhà gái nản lòng mà bỏ. Nhưng xưa nay chuyện này hiếm gặp trong cộng đồng người Cơ Ho.

Lễ cưới:

          Sau lễ hỏi là lễ xin cưới. Lễ xin cưới cũng gồm hạt cườm, vòng đồng, rượu, gà... Trong ngày xin cưới nhà trai có quyền thách cưới. Tuỳ hoàn cảnh nhà gái, vật thách cưới có thể là gà, rượu cần, cao hơn là trâu, chiêng, ché. Khi nhà gái chấp nhận số lượng lễ vật thách cưới thì đến ngày cưới đem lễ sang nhà trai
 Đến ngày hôn lễ, cô gái mang một gùi củi trên vai,được cha mẹ và người mai mối dẫn đến nhà người con trai. Hôn lẽ được tổ chức tại nhà trai. Mẹ chàng trai ra đón và dẫn nàng dâu tương lai vào nhà để đặt gùi củi. Trong thời gian đó, rượu cần và thức ăn cho việc cúng lễ đã được nhà trai chuẩn bị sẵn sàng. Trong lễ cúng, họ cầu xin thần linh cho đôi vợ chồng trẻ gặt hái được nhiều lúa gạo, có sức khỏe, con đông và trăm năm hạnh phúc.Sau lễ cúng, người mai mối tặng chú rể một nắm cơm, rồi mời cô dâu chú rể cùng uống rượu. Bạn bè hai họ hát xướng thâu đêm mừng cho đôi bạn trẻ. Chiều hôm sau, chú rể đưa cô dâu vào phòng tân hôn và cùng ở chung một đêm, nhưng không được ăn nằm với nhau. Trong thời gian đó, khách khứa bên ngoài vẫn uống rượu trong tiếng chiêng trống. Buổi tiệc cứ thế kéo dài 4-5 ngày, tùy theo khả năng kinh tế của gia đình chú rể.
Lúc khách ra về hết, bố mẹ của hai bên bàn thờ hạn cần thiết để bố mẹ cô dâu sửa soạn lễ rước rể. Thời hạn này thường từ 5-10 ngày. Trước ngày rước rể lại tổ chức lễ cúng thần linh tiếp tục phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ. Theo tục lệ cổ truyền, cha mẹ người con trai cho anh ta nhiều đồ vật có giá trị như:chiêng, ché, trâu, bò và một số đồ dùng cá nhân, nhưng vì sự tôn kính bố mẹ mà người con trai phải từ chối. Khi sang ở nhà vợ, người con trai chỉ được mang theo: quần áo, một thanh gươm, hai cái chén, một cái bát, một đôi đũa và một cái mân đồng. Đó là những tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của người rể. Theo tục lệ cổ truyền, cha mẹ người con trai cho anh ta nhiều đồ vật có giá trị như:chiêng, ché, trâu, bò và một số đồ dùng cá nhân, nhưng vì sự tôn kính bố mẹ mà người con trai phải từ chối. Khi sang ở nhà vợ, người con trai chỉ được mang theo: quần áo, một thanh gươm, hai cái chén, một cái bát, một đôi đũa và một cái mân đồng. Đó là những tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của người rể .
Đến ngày đã định, chú rể cùng gia đình họ hàng và bạn bè đến nhà cô dâu dự lễ rước. Gia đình nhà gái phải ra đón đoàn cách nhà mình chừng 1 cây số cùng với những ché rượu lớn, nhà gái phải mời nhà trai uống rượu và hát xướng. Khi mời bên nhà trai vào nhà, mẹ chồng cầm lấy tay cô dâu, cha thì cầm lấy tay chú rể chui vào tấm chăn được dệt thật đẹp, hai người cụng đầu vào nhau 7 lần trước sự chứng kiến của hai người mai mối đứng bên ngoài. Tiếp đến là lễ cúng.
Sau tục lệ này đôi vợ chồng mới được phép gần nhau. Về hôn nhân, người Cơ Ho cấm quan hệ hôn nhân giữa những người cùng họ trong một địa phương. Con bác, con chú, con dì không được lấy nhau. Trái lại, con cô con cậu có thể lấy nhau. Sau khi vợ hoặc chồng chết, người chồng góa có thể kết hôn với người em gái vợ, và người vợ góa cũng có thể kết hôn với em trai chồng, nếu đôi bên ưng thuận. Sau khi kết hôn, người con trai thường cư trú bên nhà vợ, nhưng trong những trường hợp nhà trai hiếm con, anh ta có thể cư chú phía nhà mình, tuy nhiên phải được cô dâu bằng lòng và con cái vẫn mang họ mẹ.

6.3. Tang ma:
Theo quan niệm cổ truyền, con người chết đi, linh hồn sẽ biến thành ma ( cháh) và xuống sống cùng tổ tiên ở thế giới bên kia. Linh hồn của người chết lành sẽ được sống cùng tổ tiên của họ ở tầng người chết. Khi người chết chưa được chôn cất., hồn vẫn quanh quẩn bên xác. Trong vòng 7 ngày sau khi chôn, hồn luẩn quẩn ở ranh giới giữ thế giớ người sống  và thế giới người chết để nhận cơm. Sau đó hồn mới được hòn than (pãng xá) dẫn đường xuống âm phủ.
Khi trong nhà có người qua đời, gia đình người quá cố sẽ cử một người đi thông báo cho họ hàng 2 bên và dân làng biết. Đồng thời, họ cắm cây đót ( nhắt) ở trước cửa nhà để báo hiệu cho khách lạ biết nhằm tránh cho người khách những xui xẻo.
Người chết được thân nhân rửa mặt bằng nước và mặc quần áo đã được lộn ngược. Thi hài người chết được đặt tại gian hàng ngày vẫn nằm ngủ, chân hướng ra ngoài, đầu quay vào trong, được đắp 1 tấm choàng to phủ kín mặt và toàn thân, 2 ngón chân cái của người chết được cột chặt vào nhau bằng chỉ trắng hoặc đen, giữ cho chân đứng thẳng.
Khi trong làng có người qua đời, dân làng ngừng hết các công việc sản xuất để chia buồn và cùng tang chủ lo liệu đưa người chết về nơi yên nghỉ. Họ hàng thân quyến và dân làng mang rượu, gà, gạo đến chia buồn. Khoảng 10 – 15 thanh niên được phân công đi chặt gỗ rừng về làm quan tài. Trước khi lên rừng, người đại diện của nhóm phải bỏ than củi vào chân người chết 7 lần rồi cúng xin tìm được loại gỗ cần tìm. Quan tài là khúc cây to khoét rỗng có nắp đậy.
 Khi khâm liệm chủ nhà sẽ nấu một nồi xôi lớn để nhét vào các khe nắp. Người chết được khâm liệm khi quan tài được đưa về nhà, kèm theo quần áo và một số đồ tư trang. Do quan niệm thế giới âm phủ ngược với thế giới người sống, những vật chia cho người chết phải bị phá huỷ 1 góc hoặc biến dạng như quần áo bị lộn trái hoặc xé rách, bát và ché bị đập mẻ miệng… để người chết nhận được những tài sản đó. Ngày nay, người ta cũng chia cho người chết 1 ít tiền, được xé nhỏ và bỏ vào túi áo người chết hoặc trong quan tài. Trong thời gian khâm liệm, mọi người im lặng, kiêng nói chuyện hoặc than khóc để cho người chết được yên. Chỉ những người thân trong gia đình mới được liệm cho người chết khi người chết nhập quan, tang gia sẽ mời thầy cúng đến cúng cho người chết 2lần/ ngày, vào buổi sáng sớm và chiều tối. Lễ vật dâng cúng gồm cơm nếp, cơm tẻ, bốn móng chân lợn, rượu thịt gà và thịt lợn luộc. Tang chủ phải làm 6 ống “đinhglar” (đoạn tre nhỏ được khoét 1 lỗ ở đầu) để vừa làm thanh cụ gõ cho thầy cúng, vừa làm vật xác định nguyên nhân cái chết của người vừa mới qua đời. Trong khi cúng, thầy cúng sẽ gõ các ống đinhglar hát dẫn đường đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia, giúp linh hồn tránh đường tăm tối.
Trong khi quan tài của những người chết già thường được để trong nhà 3 ngày thì những người chết trẻ chỉ được để 2 ngày. Người chết được chôn tại nghĩa địa chung của làng, nằm bên ngoài làng, cách làng trên dưới 1 km, và cạnh suối nước. Huyệt thường được đào sâu 1,5m, rộng 0,8m và dài 2m, gần mộ người thân của người chết vì sợ nếu chôn quá xa, khi xuống âm phủ, người chết sẽ không tìm thấy họ hàng. Khi đưa quan tài ra khỏi nhà, người Cơ Ho tránh thời gian giữa trưa vì sợ lúc đó là ban đêm ở âm phủ, linh hồn người chết không nhận nhớ đường đi. Thời gian đưa ma tốt nhất là vào buổi sáng sớm. Thanh niên trong làng cùng với những người đàn ông trong nhà sẽ khiêng quan tài ra ngoài qua lối cửa chính và để phần chân đi trước. Trong truyền thống, khi còn ở nhà sàn, mỗi khi đưa người chết ra khỏi nhà, người Cơ Ho phải phá chỗ vách thẳng chân người chết nằm chứ không được đưa ra theo cửa chính. Những trai tráng trong làng sẽ giúp khiêng quan tài. Nghĩa địa (liêng bồc) phía tây - phía mặt trời đi nghỉ sau một chu kỳ chiếu sáng. Ngôi mộ chung của dòng họ được đặt chung với nghĩa địa của làng, người chết đầu luôn luôn quay về hướng đông, chân quay về hướng tây.. Trên đường ra nghiã địa, 1 người thân trong gia đình, thường là vợ, chồng, hoặc con ngồi lên trên quan tài với ngụ ý dẫn đường đưa người chết về thế giới tổ tiên. Đi đầu là thầy cúng, mang theo các thanh đinhglar. Lúc này quan tài được xem như là 1 chiếc thuyền đưa người chết qua con sông lớn sang thế giới bên kia. Giữa làng và nghĩa địa bao giờ cũng có một dòng suối nhỏ ngăn cách. Đây là nơi khi đám ma đến nơi sẽ phải dừng lại để tiến hành nghi lễ đoán bệnh người chết. Sau khi quay quan tài 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ trước khi đưa quan tài qua suối, người ta dừng lại
. Một người đàn ông trong gia đình dùng mũi lao là cành cây thẳng và nhọn, vừa hỏi người chết có phải bị bệnh này bệnh kia mà chết hay không vừa nhằm ống đinhglarcắm cách chừng 3m phóng tới. Nếu mũi lao trượt ra ngoài ống đinhglar, có nghĩa là người ném lao đoán sai và phải đổi cho người khác.
Nghi thức này được tiến hành đến khi có người ném trúng thì thôi. Tiếp theo, đám ma đi qua suối tới nghĩa địa làm lễ chôn cất. Trước khi hạ quan tài, những người đưa tang chặt 3 khúc cây nhỏ, đặt chúng đều xuống đáy huyệt và lót lá cây lên trên. Sau khi hạ quan tài xuống huyệt, người ta trải lên quan tài 1 tấm khăn trắng, rồi dùng 1 lượt thân cây nhỏ và lá phủ lên trên và hắt đắt xuống. Mộ được đắp cao cách mặt đất khoảng nửa mét. Bên trên có nhà mồ đơn giản bằng tre nứa. Của cải chia cho người chết được đặt trên hai đầu mộ.
 Trên mặt mộ được đặt đồ cúng gồm cơm nếp, gà luộc, rượu, nhang và than trong 7 hay 14 ngày. Màn thường dùng của người chết được giăng trên mộ. Nếu không có màn, đồng bào chống 2 đòn ( vừa dùng để khiêng quan tài) lên mộ. Sau khi chôn, ngày thứ ba họ đi thăm mộ và trồng các loại mía, chuối và các loại củ quanh mộ. Mộ của người chết đào vào ngày nắng thì lấy ché đựng nước tưới ướt, nắn sửa lại và sau đó đập vỡ ché. Có nơi người ta đưa người chết xuống hầm chung và làm mái che thành nhà mả (kùt bồc) và cái nhà nhỏ để cúng (dơrnan). Nếu trong tang lễ mà giết trâu thì người ta sẽ làm 1 cái chuồng trâu nhỏ bên cạnh nhà mồ rồi để vào đó cả cái đầu trâu đã bị cắt. Bảy ngày người ta mang các đồ vật bỏ vào ngôi nhà cúng đó. Sau đó, họ bỏ mộ luôn và không thăm nom nữa cho đến khi tổ chức bỏ mả.
Người Cơ Ho có rất nhiều nghi thức để mong không bị người chết bắt mất linh hồn, đặc biệt là những linh hồn yếu. Để ngăn linh hồn người chết bám vào cơ thể, người ta dùng 1 nhánh cỏ quyệt vào đầu những người đi đưa khi họ bắt đầu rời nghĩa địa. Đối với những người quay trở lại nhà tang, chủ trước khi vào nhà, họ dội 1 ít nước lạnh đã được để sẵn trước cửa nhà, vào chân mình. Người Tố La nhúng lá cây vào nước suối và vẩy lên đầu những người đưa tang để linh hồn người chết không theo về. Khi về đến nhà, họ lấy lông gà nhúng vào bát tiết gà pha rượu và vuốt lông gà đó vào tay những người đưa tang, sau đó, tắm rửa sạch sẽ, giặt quần áo và cọ rửa các dụng cụ đào huyệt. Sau khi chết 7 ngày hoặc 14 ngày, người quá cố được thân nhân đem cơm. Rau thịt, cá rượu, nước để trên mộ.
Đối với những người chết bất đắc kỳ tử, cách thức đưa đám và chôn cất có khác đôi chút. Người Cơ Ho Srê quan niệm cái chết bất thường (chơt briêng: chết xấu) có thể là do ma lai trù yếm nên khi chôn xong họ cắm câu xung quanh mộ,  người có bùa ma lai sẽ biến thành con cóc, con ếch đến ăn phải lưỡi câu. Đến sáng người trong gia đình đến thăm mộ và họ sẽ giữ con vật đó lại, như thế sinh mạng của người làm ma lai sẽ ở trong tay họ. Đối với người chết bất đắc kỳ tử, người Cơ Ho Srê kiêng 8 ngày, trong 8 ngày đó họ không đi ra khỏi làng, khách không được đến khi thấy lá cắm ngoài nhà để báo hiệu là trong nhà có kiêng cữ, xác người chết bất đắc  kỳ tử chôn riêng chứ không chôn chung ở nghĩa địa. Chết xấu phải nhờ phù thuỷ đến cúng đuổi tà ma ra khỏi nhà. Xác người chết phải ở đầu làng mà không được đưa vào nhà. Thời gian để ở đầu làng chỉ trong 1 ngày. Huyệt mộ được đặt ở 1 góc riêng dành cho người chết không bình thường.
Tục bỏ mả ở người Cơ Ho chỉ tồn tại ở nhóm Srê, song thủ tục và nghi thức có phần đơn giản hơn so với lễ bỏ mả của các dân tộc Gia rai, Ba na. Theo đó, sau khoảng thời gian người chết được chôn 2 năm trở lên, vào mùa khô, buổi chiều, gia đình và thân nhân làm lễ chia tay người chết bằng cách mổ bò, lợn, mời bà con dân làng tiến hành 1 đám ma nhỏ từ 1 bãi trồng ngoài đồng ra mộ. Tại đó, thân nhân  người chết sửa sang lại phần mộ, bỏ rau, thịt lên mộ và than khóc chia tay người chết lần cuối. Tiếp theo là việc mời họ hàng, dân làng uống rượu, ăn uống, đánh chiêng chia buồn suốt đêm hôm đó. Từ đó, người chết được vĩnh viễn trả lại cho núi rừng.
Người Cơ Ho tin rằng có một mối liên hệ qua lại giữa cái chết của con người với thành quả lại giữa cái chết của con người với thành quả lao động trên nương rẫy. Đang mùa phát rẫy, nếu trong làng có người chết, cả làng phải nghỉ phát rẫy trong vòng ba ngày. Nếu không may trong nhà có người chết vào đúng mùa thu hoạch, xác chết phải để trong nhà cho đến khi lúa trên rẫy của gia đình được thu hoạch, xác chết phải để trong nhà cho đến khi lúa trên rẫy của gia đình được thu hoạch xong mới được chôn cất. Vì tập tục này, có những trường hợp thời gian để người chết trong nhà kéo dài hàng tuần.
Sau khi người vợ chết, người đàn ông Cơ Ho thường trở về nhà cha mẹ mình, nhưng con cái vẫn tiếp tục ở nhà bên mẹ. Thông thường khi chồng hay vợ chết, người góa phải để tang trong một năm. Tuy nhiên, người chồng có thể miễn tuân theo luật tục này và có thể tái hôn khi chưa mãn hạn tang nếu anh ta được gia đình người vợ quá cố cho phép hoặc anh ta lấy chị em gái của người vợ quá cố.

Ngày nay, tập tục trong ma chay ở người Cơ Ho đã ít nhiều biến đổi. Do gỗ rừng đã hiếm, quan tài khoét rỗng đã không còn và thay vào đó là quan tài sáu tấm mua của người Kinh. Việc dùng hương để thắp trong đám tang và cúng người chết phổ biến ở mọi nơi. Nếu con cháu người quá cố đã đầy đủ, việc chôn cất có thể được tiến hành 1 ngày sau khi chết. Do ảnh hưởng của đạo tin lành và đạo thiên chúa, nhiều vùng đã xây dựng mộ bằng gạch kiên cố có bia mộ khắc tên thánh của người quá cố. Việc xây mộ cho người chết có xu hướng lan rộng ra cả những vùng không theo đạo. Tại 1 số vùng của người Srê huyện Di Linh, tục đem cơm và thức ăn ra để ở mộ cho người chết trong những ngày đầu sau khi chôn cất không còn tồn tại, thay vào đó là việc tổ chức cúng giỗ người chết trong ngày huý nhật như người Kinh. Sau cùng là sự mai một của tục bỏ mả ở nhóm Srê và thay vào đó là việc trả lại người chết cho núi rừng sau 7 hay 14 ngày mang cơm, rượu, nước, rau và thức ăn ra mộ cho người quá cố.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét