Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

DÂN TỘC SÁN DÌU

DÂN TỘC SÁN DÌU


1. Đặc điểm chung

          Dân tộc Sán Dìu là một dân tộc ít người, sinh sống ở miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như:  tỉnh Thái Nguyên,Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang (tổng cộng khoảng 97 %). Một số di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp, thành các làng hay sống rải rác tại các tỉnh thành khác. Các tên gọi khác: Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc, Mán váy xẻ. Dân tộc này thuộc về nhóm ngôn ngữ Hoa với dân số khoảng 126.237 người.
Tiếng nói của người Sán Dìu thuộc hệ ngôn ngữ Hán – Tạng, nhưng hiện tượng song ngữ và đa ngữ đang dần dần phát triển. Ngoài tiếng phổ thông, họ còn biết tiếng nói của các dân tộc cộng cư trong vùng.

2.1. Nông nghiệp

Người Sán Dìu có truyền thống làm ruộng nước. Điều này được thể hiện ở trình độ canh tác của họ đã khá cao không khác gì so với dân tộc Tày – Nùng và Kinh. Họ biết sử dụng nhiều công cụ sản xuất có năng suất cao. Từ cách sử dụng cái cày, cái bừa đôi, cho đến cái hái, cái quạt thóc, con lăn để nghiền đất, chiếc xe quệt để vận tải… đều thể hiện tính sáng tạo cao.
          Bên cạnh ruộng nước, người Sán Dìu còn giỏi khai phá hoang phục hóa tạo sườn đồi, soi, bãi thành nương, loại hình canh tác chiếm một vị trí quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp.
          Từ tháng 12 âm lịch, đồng bào bắt đầu khai thác nương đồi. Họ xới cỏ, chặt cây và một tháng sau đốt, dọn nương, chuẩn bị trồng trọt. Tháng 2 trồng ngô, tháng 4 thu hoạch bắp. Tháng 1 và 2 cũng là lúc trồng vừng, chàm và thu hoạch vào tháng 8. Khoảng trung tuần tháng 4 và đầu tháng 5 thì tra lúa và thu hoạch vào trung tuần tháng 8 và 9 âm lịch.
          Khai phá soi, bãi tốn ít công sức, đất tốt do nước lũ đem lại một lớp phù sa màu mỡ. Trên các soi, bãi chủ yếu trồng ngô và các loại rau, khoai, đỗ, mía, lạc, bầu, bí… Ở đây, việc trồng xen canh gối vụ đã được đặc biệt chú ý, đất không lúc nào nghỉ. Muốn vậy có nhiều phân.
          Người Sán Dìu đã biết khai thác và tận dụng nhiều nguồn phân khác nhau: Ngoài phân chuồng, còn có phân hun (gồm rễ cây, rễ cỏ, cành lá khô đem đốt cùng đất mục…) phân xanh, phân tươi, bùn ao, hồ, và cả phân bắc nữa.
          Thực tế cho thấy, sau khi đã được tu bổ, cấy trồng thành thục, một số nương đồi và soi bãi trở thành các triền ruộng bậc thang cấy lú nước, đại bộ phận còn lại thành thứ ruộng khô để trồng màu.

2.2. Thủ công

          Người Sán Dìu có khai thác gỗ, tre, nứa để phục vụ cho nghề đan lát và nghề mộc. Ngoài ra họ còn tự sản xuất ra muối (Quảng Ninh), rèn sắt, đóng gạch, làm ngói. Một số địa phương còn trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, và trồng chàm để nhuộm.

2.3. Săn bắt và hái lượm

          Người Sán Dìu thường tổ chức săn bắt vào những lúc nông nhàn. Họ đánh cá sông, biển, thả cá ao hồ.

2.4. Trao đổi hàng hóa

          Người Sán Dìu chưa có tầng lớp thương nhân, nên mọi hoạt động trao đổi, mua bán chỉ xảy ra giữa những người dân bản xứ với nhau. Gần đây, hoạt động trao đổi, mua bán đã được tăng cường, nhưng khối lượng sản phẩm cho vào lưu thông chưa đáng kể và những người thực hiện trao đổi sản phẩm cũng chính là nhưng người sản xuất ra chúng.

3.1. Làng xóm và khuôn viên

          Người Sán Dìu sống thành từng làng, từng xóm dưới chân đồi, hay trên các con gò thấp bên cạnh các cánh đồng, lưng quay vào rừng, mặt nhìn xuống các cánh đồng, xung quanh làng có lũy tre bao bọc chẳng khác gì làng xóm người Việt. Đường đi lối lại trong làng rộng rãi, phong quang sạch sẽ, nhưng hằn đầy những vết xe quệt. Những dấu hằn ấy nhe một đặc điểm để phân biệt làng người Sán Dìu với làng người Việt cùng địa phương.
          Cách bố trí nhà cửa, vườn tược trong khuôn viên đã theo công thức V.A.C (vườn – ao – chuồng) như người dân tộc Việt.
Cách bố trí nhà cửa, vườn tược trong khuôn viên của người Sán Dìu theo công thức V.A.C

3.2. Nhà cửa

          Kiểu nhà phổ biến của người Sán Dìu hiện nay là một kiểu rất phổ biến của dân ở đông và đông- bắc Bắc Bộ. Và ngày càng nhiều người Sán Dìu. làm theo kiểu người Việt
          Kết cấu vì kèo rất đơn giản, mỗi vì kèo có ba cột. Đầu cột cũng được lắp vàođòn tay cái. Ba cột được liên kết nhau băng một quá giang. Kỹ thuật lắp ráp chủ yếu là dùng lạt buộc và mộng trơn. Để mở rông lòng nhà, người ta thêm hai cột nữa để trở thành vì năm cột.
          Theo những ghi chép của Boniphacy từ năm 1904  thì nhà Sán Dìu như sau:”nhà được cất trên mặt đất,khung nhà bằng gỗ,tường vách bằng tre đan,ít khi bằng đất ép,mái bằng rơm rạ. Nhà chính thường có 2 gian nhô ra,bên trái là bếp. Hai gian này chiếm hết bề rộng của nhà,nhưng gian chính giữa được cắt theo chiều dài bằng 1 tấm niếp. Như vậy người ta tạo ra một hành lang và người ta vào bằng lối bếp và phòng của người chủ gia đình. Hành lang này được ngăn cho tới khoảng giữa  của bề rộng thành những ngăn buồng nhỏ để cho các con trai, con gái,con dâu,và đầy tớ nằm.Hiện nay kiểu nhà này vẫn còn nếu khác thì nhiều nhà vách tre được thay bằng tường trình hoặc xây bằng gạch mộc.
          + Nhà của người Sán Dìu ở Đông Hỉ,Bắc Thái: Bộ khung nhà này cũng rất đơn giản,vì kèo 3 cột được mở rộng bằng cách thêm 2  cột phụ.Mái lợp tranh,xung quanh nhà che bằng vách đất (xương bằng tre vắt rơm trộn với bùn). Có 1 cửa ra vào ở gian chính giữa và 2 cửa sổ ở 2 bên. Nhà 3 gian, gian giữa giáp vách hâụ có bàn thờ tổ tiên đặt trên 1 sàn thấp. Gian hồi bên phải có vách ngăn với gian giữa,bên trong có 2 giường dành cho vợ chồng chủ nhà. Gian buồng bên trái có 1 bộ phản gỗ dành cho khách.
          + Nhà của người Sán Dìu ở huyện Cẩm Phả,Quảng Ninh: Nhà xây bằng gạch không có vì kèo,đòn tay gác ngay lên đầu tường. Đây là 3 nhà được ghép lại với nhau, nhà nọ cách nhà kia bằng 1 hành lang hẹp,nhưng chúng lại liên kết với nhau bởi tường hậu. Nhà chính vẫn giữ lại khuôn mẫu quen thuộc là gian chính giữa thụt  vào một chút để tạo nên 1 cái hiên nhỏ, hai nhà phụ hai bên nhô ra phía trước.

3.3. Trang phục

          Đàn ông Sán Dìu nay đã ăn mặc giống như người kinh, tuy trong những  dịp tết lễ ta còn thấy lại một vài sắc thái của bộ nam phục cổ truyền. Lúc đó đàn ông thường mặc loại áo dài may kiểu 5 thân, gấu trùng qua gối , tay dài, hẹp , cổ áo may đứng, áo cài khuy ở phía nách phải. Trịnh trọng hơn, các ông mặc loại áo dài này theo lối “kép”, áo dài trong màu trắng le lói qua chiếc áo bên ngoài màu đen. Còn khi ở nhà hay ngoài đồng để cho tiện đàn ông chỉ mặc áo ngắn, cũng may kiểu 5 thân cài cúc bên nách phải, màu vải nâu, vạt cụt phía trong có may thêm chiếc túi con để đựng tiền, thuốc.
          Ngày nay, trang phục của đàn ông Sán Dìu lại đơn giản, mộc mạc hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Áo có màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng để thuận lợi cho việc leo núi, đồi.
          Nam giới mặc quần nâu hay trắng, may kiểu chân què, cạp lá tọa, có thắt thêm thắt lưng màu chàm, xanh hay sồi để giữ cho chặt. Xưa kia, nam giới để tóc dài, rồi búi tó sau gáy ,dùng châm bằng xương nai hay bằng nạt để cài cho chặt, vừa cho đẹp. Bộ tóc nam giới được gọi chải thường xuyên bằng thứ nước gội nấu từ các loại lá cây rừng(suy vìm thánh và xá cùi lách). Thường ngày, đàn ông để đầu trần hay chít thêm chiếc khăn kiểu đầu rìu, còn lúc cần nghi lễ thì đội loại khăn xếp như người kinh.
          Bộ nữ phục gồm khăn đội đầu, áo dài, áo ngắn, váy, dây lưng, xà cạp. Áo dài và áo ngắn may cùng một kiểu. Đó là loại áo 4 thân, cổ cao, nẹp trơn không đơm khuy, bên trong nẹp đáp thêm dải vải màu trắng để khi mặc thì lộn ra ngoài. Phụ nữ Sán Dìu có thói quen mặc kép: áo trong màu trắng, áo ngoài màu chàm. Cách mặc cũng có sự khác nhau giữa già và trẻ. Ng ười già mặc áo vạt trái vắt phủ lên vạt phải rồi dùng thắt lưng màu hoa lý,tím hay đỏ thắt lại. Người trẻ thì mặc ngược lại. Sau khi mặc, nẹp trắng bên trong lộn ra, tạo thành đường chéo nhau từ cổ xuống ngực. Khi ở trong nhà, nhất là với những phụ nữ bận con mọn thì mặc áo ngắn, may kiểu 5 thân, không caì khuy mà chỉ dùng dây vải để buộc.
Sán Dìu Lục Ngạn (Bắc Giang)
Sán Dìu Tuyên Quang
Bộ nữ phục và nam phục Sán Dìu

          Có lẽ độc đáo hơn cả là chiếc váy nhiều mảnh của phụ nữ Sán Dìu. Váy được may từ 2,4 hay nhiều mảnh vải, nhưng không khâu lại với nhau, mà chỉ đính vào cạp váy, tạo cho mảnh vải nọ chồng lên mảnh vải kia chừng 10 đến 15 cm. Nếu váy chỉ có 2 mảnh , thì 1 mảnh ở phía trước 1 mảnh ở phía sau, chỗ hở là 2 bên sườn. Nhưng phụ nữ Sán Dìu ở Quảng Ninh thì lại đính hai mảnh ở hai bên, nơi tiếp giáp lại ở phía trước và phía sau. Nếu là váy 4 mảnh thì 2 mảnh trước và sau, 2 mảnh 2 bên, như vậy lại có nhiều kẽ hở trên thân váy. Theo các bậc cao niên, thì váy xưa kia còn nhiều mảnh hơn, thậm chí 6 đến 8 hay nhiều hơn nữa. Chính vì vậy mà loại váy này có tên gọi là “xệch khúm”, tức váy lá.
          Về phương diện lịch sử thì chiếc váy Sán Dìu có ý nghĩa đặc biệt. Xa xưa, ở nhiều nơi, phụ nữ chỉ có thể dùng lá, sợi cây quấn quanh bụng làm váy che thân. Khá nhiều dân tộc lạc hậu hiện còn sống ở Châu Úc và Châu Đại Dương, thậm chí trên một vài hòn đảo hẻo lánh của Đông Nam Á còn mang những loại váy lá hay sợi cây. Về sau, người ta đã dùng sợi cây hay trồng bông dệt vải dùng làm khố, làm váy, tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp họ vẫn duy trì hình thức váy lá hay váy sợi cây cổ xưa. Chiếc váy Sán Dìu, cả về hình thức lẫn tên gọi đã phần nào còn ghi lại dấu vết.
          Tất nhiên, mặc loại váy này gây nhiều bất tiện cho phụ nữ, nên đối với phụ nữ Sán Dìu từ nhỏ đã thích ứng với loại váy này và hình thành những nét ứng xử trong khi đi đứng, khi ngồi.
          Sinh sống gần người Kinh, phụ nữ Sán Dìu từ lâu đã học kiểu vấn tóc và chít khăn màu đen như phụ nữ Kinh. Người Sán Dìu, cũng có thói quen ít dùng đồ trang sức như các loại vòng, nhẫn, dây chuyền, hoa tai. Trên trang phục ít thấy thêu dệt những đường nét hoa văn, chỉ trừ dải vải trắng viền nẹp trong cổ tay và vạt, thắt lưng màu nổi bật trên y phuc chàm đen. Vào những dịp nghi lễ và cưới xin thì phụ nữ mới đeo vòng bạc, dây xuyến ở thắt lưng, nhẫn…
          Có một thứ vật tùy thân, nhưng cũng là vật trang trí của phụ nữ Sán Dìu đó là chiếc túi đựng trầu. Loại túi này cắt hình múi bưởi, thêu rất công phu và qua đó thể hiện khả năng thêu thùa của người làm và sử dụng vật dụng đó. Túi được thêu với nhiều họa tiết trang trí đẹp, miệng túi được nối nhiều dây tết bằng chỉ màu dùng làm dây đeo, trên đó trang trí thêm những tua màu, những đồng xu. Trong túi đựng trầu cau, bên cạnh còn có thêm con dao têm trầu và miếng vỏ gỗ chạm khắc rất công phu.

3.4. Ẩm thực

          Người Sán Dìu ăn gạo tẻ, họ ăn cả cơm lẫn cháo. Đồ giải khát thường là nước cháo loãng, ngoài ra họ còn uống rượu trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với bà con dân tộc Sán Dìu, trong lễ tết, hay trong những dịp đặc biệt, hay thờ cúng thường có xôi. Như  người Sán Dìu ở  Trung Mỹ - xã miền núi của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều món xôi độc đáo như: xôi vàng với quả dành dành, xôi xanh với nhiều loại lá rừng đặc sản, xôi tím với quả khoé, xôi đỏ với quả gấc, xôi hồng với quả rôm,... Đặc biệt, xôi đen với lá cây xau xau là quý nhất, vừa là món ăn ngon dễ bảo quản được lâu vừa là vị thuốc quý chữa bệnh.
                       
1b1xoiden

Cây xau xau là loại cây rừng thân gỗ có mùi thơm hương nhu, lá non có thể dùng làm rau gia vị. Lá cây xau xau ngâm vào thùng nước sẽ cho màu tím đen. Muốn đen tuyền thì nhúng mũi cày đã nung đỏ vào nhiều lần, nước sẽ càng đen sẫm lại. Đem lọc bỏ bã lấy nước để ngâm gạo nếp, sau một đêm vớt ra thấy gạo nếp đã đen đều thì xóc lên rắc chút muối rồi đem đồ xôi. Hạt xôi đã chín càng đen bóng lại, đơm ra đĩa bày lên mâm cỗ. Xôi đen để lâu vẫ dẻo thơm và càng đen bóng. Xôi đen chỉ bảo quản bình thường cũng lâu bị ôi thiu nên dùng làm thức ăn dự trữ đi đường xa hoặc luồn rừng sâu rất thuận tiện. Ăn xôi đen rất dễ tiêu, chữa được bệnh hay đau đầu và rất phù hợp với người ốm yếu da xanh do sốt rét rừng, bởi ăn xôi đen còn có tác dụng bổ máu.

Ngoài ra trong những dịp lễ tết người Sán Dìu thường có bánh tro và bánh chưng. Bánh tro được làm từ lá của cây Rôông-dịu. Là loài cây sống ở ven suối, dẻo tới mức uốn cong ngọn xuống tận gốc mà vẫn không bị gãy. Nó được người Sán Dìu ưa thích, coi như biểu tượng của dân tộc mình.Vào những ngày đông giá rét, cây Rôông-dịu ngưng tụ nhiều nhựa sống nên cành lá xanh mượt. Dù thời tiết lạnh buốt, các em bé vẫn rủ nhau cầm dao, vác đòn sóc đi chặt cây Rôông-dịu về phơi khô, đốt lấy tro để làm bánh. Tro cây Rôông-dịu ngâm với gạo nếp một ngày đêm, thì gạo có màu vàng ươm, ăn dẻo và thơm. Khi ăn chấm với mật hoặc đường. Đó là một loại bánh mà nhà người Sán Dìu nào cũng có trong ngày Tết. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, các cô gái Sán Dìu đã rủ nhau vào rừng lấy lá dong, lá chít và những cây giang bánh tẻ về để chuẩn bị gói bánh. Bánh chưng hay bánh tro đều phải cuốn rất chặt để khi nấu nước không ngấm vào, bánh mới ngon và để được lâu. Lạt giang phải chẻ mỏng, to bản, nối 6 - 8 chiếc thành một dây dài. Việc chuẩn bị để đón chào năm mới của người Sán Dìu diễn ra rất tưng bừng và nhộn nhịp.

 
Bánh tro
Bánh chưng

3.5. Phương tiện vận chuyển

Ở vùng người Sán Dìu, đường giao thông vận tải đã phát triển. Ngày nay, do nhu cầu vận chuyển ngày một tăng, nên các trục đường giao thông ngày môt tăng, nên các trục đường giao thông của địa phương càng được chú ý mở mang. Trước đây, tuy thiếu phương tiện vận chuyển nhưng người ta chỉ phải gánh gồng khi đi chợ phiên, còn trong sản xuất như: tải phân ra ruộng, nương, chở thóc lúa hoa màu về nhà, lấy củi đốt, người Sán Dìu thường dùng chiếc xe quệt.
Xe quệt cấu tạo rất đơn giản toàn bằng tre, gỗ, một đầu hơi nâng lên bởi hai càng quệt do một trâu kéo. Nó có thể sử dụng trên mọi địa hình: bờ ao, ruộng thấp, trên đồi, dưới hẻm… Từ lâu, nó đã là một phương tiện vận tải thuận lợi, thực sự giải phóng đôi vai đối với người nông dân Sán Dìu.
Hiện nay, bên cạnh chiếc xe quệt, các loại xe quệt, các loại xe cải tiến gọn nhẹ, nhẹ có nhiều khả năng cơ động, đang phát triển mạnh, góp phần tích cực vào việc vận chuyển, tăng năng suất lao động.

4.1. Tôn giáo       

Một số bộ phận người Sán Dìu theo Phật giáo. Họ thờ cúng Phật Bà Quan Âm.

4.2. Tín ngưỡng

Ngoài việc thờ phụng tổ tiên, cả làng còn lập miếu thờ thổ thần, lập đình thờ thành hoàng phù hộ cho mùa màng được phong đăng hòa cốc. Nhưng vùng người Sán Dìu ít có chùa và không có tượng phật thờ ở chùa, trừ những gia đình của một số dòng họ có thở Phật Bà Quan âm. Đến nay, các đình miếu nói chung đã bị phá bỏ, sự mê tín ở thần thánh đã giảm nhiều.
Người Sán Dìu có tục, một khi có đứa trẻ nào bị còi cọc ốm đau luôn, người ta thường thay tên đổi họ (tục gọi là bán tên bán họ) hoặc ký gửi đặt tên con vào hòn đá lớn ở trong rừng, cuối vực hay gửi vào uy thế của thầy cúng có sự phù hộ của thánh để được tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh. Cho nên có thầy tào, mo có hàng chục con hương. Con hương được coi như con nuôi, gọi thầy là bố, vợ thầy cúng là mẹ.

4.3. Lễ hội

Lễ hội của người Sán Dìu rất ít. Lễ hội lớn là lễ hội Đại Phan hay còn gọi là lễ hội Cầu Mùa. Trong tín ngưỡng, tâm linh có ý nghĩa là một lễ cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh. Đại Phan tích hợp nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán, nghi thức thờ cúng, ca-múa-nhạc, mỹ thuật.
Lễ hội gồm:
- Lễ rước thành hoàng từ trung tâm lệ hội đến bãi biển rồi quay lại;
         - Lễ dựng cây phan (cây nêu);
         - Hát soọng cô;
         - Tục chém súc hiến tế (chém lợn, chém gà);
         - Leo gươm và đi trên than hồng;
         - Nghi thức cấp sớ điệp sắc phong cho thầy cúng.
         Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân lễ hội đã mai một khoảng hơn 60 năm nay.

4.4. Lễ tết

         Hàng năm, người Sán Dìu cũng có những ngày tết như các dân tộc anh em. Nhưng đặc biệt đối với một số ngày tết lại theo một quan niệm riêng của họ. Ngày 5 tháng 5, ngoài ý nghĩa cổ truyền còn là ngày tốt cho việc tìm kiếm thuốc nam để chữa bệnh. Ngày 14 tháng 7 là ngày tết làm cho những người không có con trai phải suy nghĩ nhiều vì không có người thừa tự, thờ cúng. Khi chết phải đi theo phật để xin ăn hoặc ra bãi vịn cành cây ổi. Đó là quan niệm còn khá sâu sắc của đồng bào. Tết Đông chỉ là cái tết tạm chia tay giữa chủ và thợ. Cái tết có ý nghĩa xây dựng lại duyên phận “cưới lại vợ mới” mong sinh đông con nhiều cháu, vợ chồng sống thuận hòa, hạnh phúc gia đình.

4.5. Văn học, nghệ thuật

Người Sán Dìu có một vốn văn học dân gian khá phong phú. Về nhạc cụ có tù và, kèn, sáo, trống, thanh la, não bạt. Về vũ, trong các nghi lễ tôn giáo có điệu múa gậy, múa nhảy dâng đèn, múa nhảy dọn đường, múa đua tầm xích hay múa nhảy quản ma tà. Về họa và khắc, có những người biết vẽ những tranh phật và tự khắc những con dấu pháp sư, tượng người (Phật bà quan âm, Phật thích ca) chỉ bằng những ngón tay, khắc những con ngựa (ngựa phi, người dắt ngựa) hoặc khắc những đường nét chạm trổ tinh vi để in ra những hình đồng tiền dùng ở các buổi cúng lễ, dâng sao giải hạn. Dưới chế độ xã hội cũ, nhạc, vũ, hội họa và điêu khắc thường phục vụ cho việc cúng bái. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, tuy đã quan tâm khai thác nhưng nhiều điệu nhạc và vũ của dân tộc Sán Dìu chưa được tìm hiểu nghiên cứu, cải biên, phổ biến rộng rãi, làm giàu thêm cho nền văn nghệ dân tộc Việt Nam.
Chiếm một vị trí quan trọng trong nền thơ ca dân gian của người Sán Dìu là tình ca, mà người Sán Dìu gọi là “soọng cô”. Đó là tục hát ví giữa thanh niên nam nữ. Ở nhiều địa phương thanh niên nam nữ có thể hát liền sáu, bảy đêm không hết. Thanh niên nam nữ từ 17 – 18 đến 25 – 26 tuổi đều đã học và biết hát “soọng cô”. Có người đã có vợ chồng vẫn tham gia hát, họ là những người đầu đàn, giúp đỡ lớp trẻ đua tiếng thi tài. Họ thuộc lòng một số bài hát cổ truyền đã ghi chép thành văn. Ngoài ra tùy từng cảnh ngộ, họ vịnh xướng thêm những bản mới làm cho vốn hát ngày càng phong phú.
Thanh niên nam nữ mỗi khi đến thăm hỏi nhau, nhân dịp những ngày hội, ngày tết, ngày cưới thường tổ chức “soọng cô” về đêm. Hiện nay, ở nhiều địa phương tục hát “soọng cô” vẫn thịnh hành.
“Soọng cô” là thể loại thơ ca có hình thức trang nhã, nội dung cao thượng, là tiếng nói của tình yêu. Thanh niên nam nữ thường mượn những cảnh đẹp của quê hương làng xóm, những cảnh làm ăn sinh hoạt hàng ngày những cốt truyện trong sử sách để gợi cảm và qua đó để nói lên tình yêu của mình và ước mong xây dựng một cuộc sống vui tươi hạnh phúc.


Ngoài hát “soọng cô” còn có hát đám cưới khá phong phú. Trong ca đám cưới lời văn bay bổng, ví von tế nhị để chào đón họ hàng làng xóm, giới thiệu của hồi môn, chúc mừng cô dâu chú rể… Vốn ca đám cưới dồi dào, mỗi vùng, mỗi địa phương có một màu sắc riêng. Qua đó người ta thấy được một cách khá cụ thể vể phong tục tập quán, tâm tư tình cảm, lòng mến khách thiết tha của người Sán Dìu. Ngoài ra, còn có truyện kể, thơ ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, câu đối… rất phong phú. Truyện kể của người Sán Dìu ca ngợi tình yêu chung thủy, ca ngợi tài năng trí tuệ của nhân dân lao động và những anh hùng bất khuất, đả kích những kẻ xu nịnh, hèn nhát. Một số truyện kể có đề cao đạo đức phong kiến trung, hiếu, tiết, nghĩa.

5.1. Quy chế làng bản

Xã hội người Sán Dìu có sự phân hóa giai cấp khá rõ, có kẻ giàu, người nghèo, có bần cố, trung nông, phú nông, địa chủ. Nhưng tùy từng vùng mức độ phân hóa khác nhau, ở những vùng ruộng đất tập trung, mức độ phân hóa không khác miền xuôi. Hình thức bóc lột như thuê nhân công từng vụ từng việc (cày cây, gặt hái), phát canh thu tô, cho vay lãi đã phổ biến. Trong bộ máy cai trị ở địa phương trước đây, người Sán Dìu có tham gia các chức dịch: khán trại (ở thôn), lý trưởng, chánh tổng. Bên cạnh hội đống kỷ mục, hoặc hương thôn còn tồn tại một người đứng đầu làng, là người già có uy tín do nhân dân bầu ra để quản lý mọi công việc trong làng xóm (đắp đường, sửa cầu, tu bổ nhà cửa, có khi kiêm nhiệm cả việc cúng thành hoàng và đặc biệt là hóa giải mọi xích mích trong làng xã, giữ gìn trật tự an ninh duy trì mọi phong tục tập quán của dân tộc).
Ngày nay, người Sán Dìu đã thực sự làm chủ vận mệnh của mình, tham gia ngày càng đông đảo vào các cấp quản lý kinh tế, văn hóa, các cấp bộ Đảng và chính quyền, làm cho xã hội người Sán Dìu từng bước tiến kịp trình độ chung.

5.2. Dòng họ        

Các dòng họ người Sán Dìu là Lý, Trần, Trương, Nịnh, Từ, Lê, Diệp, Tạ… Đồng bào cho rằng trước đây mỗi dòng họ có thể cùng ở một khu vực cư trú, cùng thờ  một ông tổ, nhưng do biến thiên của lịch sử phải tản di đi mọi phương xa cách, nên quan hệ dòng họ cũng biến đổi, chỉ còn lại một vài yếu tố chung. Trong quan hệ này nổi bật lên một nét là mỗi dòng họ còn giữ được một hệ thống tên đệm riêng: 7, 9 và có khi 12 tên đệm. Khi gặp nhau mà cùng họ và cùng hệ thống tên đệm, mà phân thứ bậc. Còn những người sinh ra ở cùng một thế hệ thì ai lớn tuổi hơn là anh chị là chị, chứ không phân biệt con chú, con bác.

5.3. Tổ chức gia đình

Trong nhà, người chồng (cha) là chủ gia đình, con theo họ cha, con trai được thừa hưởng gia tài, cha mẹ quyết định việc cưới gả con cho con. Con trai con gái phải được xem số, so tuổi trước khi nên duyên vợ chồng.

6.1. Phong tục

6.1.1. Cưới xin     

Trong cưới xin, quyền quyết định là bố mẹ, nhưng cũng còn phụ thuộc sự hợp số mệnh của đôi trai gái. Nội hôn trong từng dòng họ hầu như bị ngăn cấm triệt để. Cá biệt, có người cùng họ mà đã cách nhau năm đời trở lên có thể được lấy nhau nhưng phải làm lễ tạ tổ tiên. Thỉnh thoảng, cũng gặp những trường hợp người khác họ cũng không lấy nhau, như họ Trương và Lý. Có thể đó là do một điều hèm hoặc do một quan hệ có tính chất lịch sử nào đó. Hôn nhân một vợ một chồng là chủ yếu. Song lẻ tẻ cũng có người lấy vợ lẽ, khi vợ cả không có con trai. Những đàn ông ở rể đời hoặc chồng kế của đàn bà góa không nhất thiết phải đổi họ mình sang họ vợ, nhưng vẫn có quyền thừa kế tài sản. Họ có nhiệm vụ thờ phụng tổ tiên của gia đình mình và của nhà vợ. Vì thế, ta có bát hương thờ bên tả, bên hữu (đặt trên cùng một bàn thờ ngăn cách bởi tấm phên hay tấm ván, hoặc tổ tiên thuộc họ nội thờ ở gian chính bên hữu, còn gian tiếp bên tả thờ họ hàng bên ngoại). Hôn nhân mang nặng tính chất mua bán, biểu hiện trong lượng phí tổn mà nhà trai phải trả cho nhà gái. Trong hôn lễ của người Sán Dìu có nhiều lễ tiết, nhưng đặc biệt đáng chú ý là lễ khai hoa tửu. Hành lễ gồm có hai quả trứng (gà hoặc vịt) luộc chín, hai sợi chỉ xuyên qua hai quả trứng và buộc vào mỗi bên hai quả trứng hai đồng xu, đặt trên hai miếng giấy cắt hình hoa (hoa trắng để dưới hoa đỏ để trên) để trên chiếc đĩa, bên cạnh có một lọ rượi đem cúng dâng tổ tiên. Sau đó bóc hai quả trứng, lấy lòng đỏ hòa vào rượi đem mời mọi người uống (các cụ già bên họ nội, bên họ ngoại được mời uống trước) ai nấy đều hân hoan, chúc mừng cho cô dâu, chú rể sống hạnh phúc đến thưở bạc đầu. Trai, gái vui hát suốt đêm và mọi người đều ngủ lại hôm đó. Sáng hôm sau tiễn đưa người con gái xuất giá về nhà chồng trong không khí bịn rịn, lưu luyến. Đồng bào cho rằng, ngày lễ thành hôn là ngày vui nhất của con cháu, ai cũng có trách nhiêm lo toan cho chu đáo.
Xưa kia quan hệ hôn nhân của người Sán Dìu chỉ đóng khung trong nội bộ dân tộc mình. Nhưng ngày nay, do tình đoàn kết, bình đẳng và tương trợ giữa các dân tộc được mở rộng, cho nên thành viên của các gia đình người Sán Dìu ngay thêm nhiều.
Việc la ma chay cho người quá cố, nhất là ông bà cha mẹ, đối với người Sán Dìu cũng được coi là sự việc quan trọng trong đời sống. Song ý nghĩa của nó lại khác vời việc cưới xin hay làm nhà mới … Con cháu lo việc ma chay cho ông bà, cha mẹ quá cố là để tỏ lòng hiếu thảo và coi đó là hình thức báo hiếu cao nhất. Xuất phát điểm của quan niệm này là: con người chết đi, nhưng linh hồn còn sống mãi. Cho nên những người còn sống phải có nhiệm vụ làm thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của người đã khuất về ở thế giới bên kia. Nếu không, người chết sẽ trở thành con ma đói khát trở về quấy nhiễu con cháu, làm con cháu ốm đau, bệnh tật,… Tệ tục chè chén và hư danh của chế độ cũ đã bắt rễ từ cái quan niệm nguyên thủy kia mà dẫn đến tình trạng: đám tang nào được tổ chức càng to, càng nhiều người dự, càng kéo dài ngày, càng tốn kém thì càng được thiên hạ khen tang chủ là người chí hiếu.
Mỗi khi trong gia đình có người ốm nặng sắp qua đời thường được bà con thân thuộc, con cháu nội ngoại tới thăm và tặng quà bánh, cầu mong cho người ốm mau khỏi bệnh. Các con cháu khi tới thăm ông bà, cha mẹ ốm nặng thường lễ sống mấy lạy để tỏ lòng biết ơn người đã có công nuôi dạy. Khi đó nếu người bệnh cần trăng trối gì thì nói với con cháu đôi câu tâm tình. Hoặc thường ngày có bực bội với ai thì mắng mỏ vài câu, bảo ban đôi lời cuối cùng để con cháu làm răn. Mặc dù bị mắng chửi nhưng cũng không ai vì thế mà phật lòng.
Những nghi thức trong ma chay hết sức phức tạp và phiền toái, rất nhiều tình tiết bắt người ta phải làm theo.
1. Lễ tắm rửa cho người chết:
Khi người bệnh đã tắt thở, người ta khiêng ngay ra khỏi giường và đặt trên chiếu hay tấm phản để ngay trên mặt đất. Người chết nếu là đàn ông thì để ở gian bên trái của gian chính giữa, còn là đàn bà thì ngược lại, ở gian bên phải. Tiếp đó, người con trưởng lấy nước nấu với là thơm lau cho người chết và mặc cho họ những bộ quần áo mới và đẹp nhất. Người ta vuốt mắt, nắn chân tay người chết cho ngay ngắn rồi bỏ vào miệng một hào bạc gọi là hàm khẩu hay hàm phạm. Quan niệm về hàm phạm cũng tùy người, tùy nơi mà có sự giải thích khác nhau. Có người cho rằng đó là để người chết về thế giới bên kia khỏi nói bừa bãi gây tai họa cho con cháu, có người lại cho rằng để người chết ăn đường hoặc trả tiền đò khi qua sông nước.
Trong khi làm lễ tắm rửa cho ngườ chết thì tang chủ cử người đi báo tin cho họ hàng làng xóm biết để đến hộ tang và mời thầy cúng tới để làm ma.
2. Lễ khâm liệm hay chịu tang:
Khâm liệm người chết có hai hình thức: đại liệm và tiểu liệm. Hình thức đại liệm có tốn kém hơn vì dùng nhiều vài liệm hơn. Số vải liệm thường do con cháu góp. Sau khi làm lễ khâm liệm thì con cháu được phân phát mỗi người mấy vuông vải trắng làm khăn tang.
3. Lễ nhập quan:
Trước khi đưa thi hài vào quan, con cháu, những người thân thích xem lại mặt người chết lần cuối, rồi người ta lót vào áo quan một số đồng tiền để làm đệm lưng cho người chết. Thầy cúng làm phép tiễn hồn người chết rồi đưa thi hài vào áo quan. Đậy nắp áo quan, nhưng chưa đóng đinh ngay, chờ con cháu tới đông đủ mới đóng kín hẳn. Quan tài được sơn màu đỏ, đặt ở gian bên cạnh gian chính giữa, chân quay ra phía cửa. Áo quan được trùm màn ra ngoài và có đèn nến, người túc trực suốt đêm.
4. Lễ mở đường cho người chết:
Thầy Tào làm lễ thụ tang cho con cháu xong thì mổ lợn cúng tổ tiên để xin tổ tiên nhận người chết. Sau đó con cháu làm lễ mở đường và dâng rượu cho người chết.
5. Lễ dâng cơm:
Trong đám tang thầy tào chủ trì cúng lễ dâng cơm vào buổi sáng và buổi chiều (thịt, rươu, tăm, nước…). Mỗi lần cúng, con cháu lại khóc than, kể lể công lao của người chết.
6. Lễ giải oan, phá ngục:
Lễ này nhằm đưa linh hồn người chết ra khỏi địa ngục. Đồng bào cho rằng linh hồn người chết khó tránh khỏi bị bỏ vào ngục vì lúc sống ai cũng có tội. Nhất là linh hồn của các bà mẹ, vì lúc sinh đẻ, giặt giũ xuống sông, suối, vô tình đã phạm tội làm ô uế thủy cung. Cho nên phải rửa sạch vết máu. Người ta sắc nước gỗ vang, hoặc dùng mực tượng trưng cho máu, rồi lần lượt con cháu phải nằm bò liếm bát nước đỏ đó, tỏ ý rửa sạch vết máu. Nghi thức này làm xong thì đến kễ phá ngục để giải thoát cho linh hồn người chết. Ngục được phá rồi, người ta mới đưa bài vị của người chết để lên bàn thờ.
7. Lễ trao nhà táng:
Nhà táng được thầy tào làm lễ cấp trước ngày đưa ma. Còn nhà hồn được để lại nhà, trong để bài vị, con cháu dâng cơm nước hàng ngày trong ba năm liền – cho đến ngày đoạn tang.
8. Lễ đưa ma:
Trước khi đưa áo quan ra khỏi cửa, thầy cúng làm phép thu hồn người chết để khỏi lẩn quất đâu đó trở lại quấy nhiễu con cháu. Khi khiêng áo quan ra cửa, không cho áo quan va quệt vào thành cửa. Người ta sợ rằng, nếu áo quan va vào thanh cửa thì tang gia sẽ gặp những điều chẳng lành. Linh cữu được đưa ra khỏi giọt gianh thì con cháu phải nằm bắc cầu, hay còn gọi là lăn đường. Lần thứ nhất, mọi người nằm dọc theo chiều của quan tài, đầu quay vào trong nhà. Lần thứ hai thì nằm ngang, và lần thứ ba cũng là lần cuối cùng, lại nằm dọc, nhưng đầu quay ra. Trên đường ra huyệt, người chết có bao nhiều con trai thì phỉa dừng lại bấy nhiêu lần. Mỗi lần nghỉ là một lần tổ chức cúng vọng.
9. Lễ hạ huyệt:
Trước khi đặt người chết xuống huyêt, thầy cúng làm phép ở dưới lòng huyệt, rồi mới được ròng dây đưa quan tài xuống, đồng thời bỏ xuống huyệt một con dao cùn và hai nối đất. Khi quan tài đẫ hạ huyệt thì con trai, con gái của người chết, đều phải bò một vòng xung quanh huyệt. Con trai bò bên trái, con gái bò bên phải, bắt đầu từ chân áo quan, vừa bò vừa xô đất xuống huyệt. Đến khi đứng dậy mỗi người lấy một nắm đất rồi thi nhau chạy về nhà (cấm không được nhìn lại phía sau), người này bỏ nắm đất vào chuồng trâu, người kia bỏ vào chuông lợn, chuồng gà … để lấy khước. Tiếp đó ai nấy chạy vội vào nhà ngồi thụp vào thúng thóc. Người nào thóc dính nhiều thì được nhiều may mắn. Rồi từng người lại ăn một miếng thịt gà luộc để sẵn tại nơi đặt áo quan. Người đến trước xé cái mào, người đến sau vặn cái cổ, cái cánh, cho đến khi ăn hết con gà thì coi như đám tang đã kết thúc. Tang chủ thay áo quan, mặc thường phục và con cháu không phải ăn chay nữa.
Khi con cháu chạy về nhà thì những người hộ tang lấp huyệt và làm nhà mồ. Trên mộ người ta thường để một con dao, cái cuốc cùn, guốc, nón … của người chết đã dùng. Nhà mồ của người Sán Dìu là nhà mái bằng có bốn cột, lợp tranh hoặc lá rừng. Song cũng có dọng họ làm nhà mồ có hai mái dốc. Còn nhà táng được đốt ngay hoặc úp lên trên mộ (trong nhà mồ).


10. Lễ mở cửa mồ:
Sáng hôm sau ngày làm lễ an táng, thầy cúng cùng con cháu đem lễ vật (xôi, gà, rượu…) ra mộ cúng làm lễ mở cửa mồ với mục đích báo cho thổ thần nơi đó biết để nhận linh hồn người chết.
11. Lễ chuộc hồn:
Sau khi an táng, con cháu phải làm lễ chuộc hồn cho người quá cố. Lễ này thường được tiến hành sau 100 ngày, hoặc một năm. Lễ chuộc hồn đông thời cũng là lễ đoạn tang cho các con cháu. Còn lễ đoạn tang cho các con cháu thì vào ba năm, và cũng là lễ chuộc hồn lần chót.
Trong khi làm ma hoặc làm chay cho người mới chét, gia đình nào có những người chết trước đó chưa có dịp làm ma, làm chay thì nhân đây kết hợp làm một thể. Làm ma, làm chay cho bao nhiêu người thì có bấy nhiêu bài vị và nhà hồn (nhà táng nhỏ có tính chất tượng trưng).
Người Sán Dìu có tục: đối với những người bị chết mất tích thì người ta tổ chức cúng chiều hồn, lập mộ và làm chay. Người ta lấy đũa cả làm xương sống, đũa con làm xương sườn và xương tay, chân, lấy một dây rừng làm gân, một loại lá rừng sắc lấy nước màu đỏ làm máu, một quả bí đỏ, hoặc vỏ quả bầu, nếu không có thì lấy vỏ dừa làm sọ cái, tất cả những thứ đó xếp thành hình bộ xương người đặt trong tiểu sành hoặc trong một áo quan nhỏ cùng với quần áo cũ của người đã chết.
Khi làm lễ chiêu hồn, thầy cúng phải tổ chức lễ quan “vạc đầu”, phụ đồng hỏi hồn người chết cho biết lý do cái chết của người đó. Hồn cho biết là cái chết bình thường. hồn không bị giam giữ, tù tội gì thì làm lễ an táng.
Chỉ sau khi đã làm ma, làm chay, thì linh hồn người chết mới được thờ cúng với các ma tổ tiên khác. T rên bàn thờ nếu có bát hương nào đặt thấp hơn các bát hương khác, thì đó là bát hương thờ người mới chết, chưa kịp làm ma.
Người Sán Dìu có tục cải táng, nhưng thời gian không nhất thiết phải là ba năm. Sau ba năm, người ta thấy cấn phải cải táng vào lúc nào, thì làm vào lúc ấy. Khi cải táng, xương cốt được bốc lên, rửa sạch bằng nước thơm va lau cho khô. Mỗi loại xương được bốc bốc riêng thành từng gói bằng giấy bản, rồi cho vào tiểu hay chum. Nếu là chum, chĩnh thì xếp xương theo tư thế ngồi. Công việc bốc rửa xương cốt được tiến hành nơi kín đáo, nhưng không được mang về nhà. Mọi việc xong xuôi, nếu chưa chọn được hướng tốt, thì nhờ thầy tào cúng để ký gửi vòa một nơi nào đó. Thường người ta đào một cái hầm theo kiều hàm ếch bên một bờ ruộng cao hay chân đồi – nơi ít người qua lại – để tạm cái chum vào đó để tìm được hướng tốt thì đem chôn. Chôn xong cũng có thể xây lăng và đặt mộ chí hẳn hoi. Ngày làm lễ cải táng thường được coi là ngày vui – người chết thực sự có  “mồ yên mả đẹp”, nên đồng bào tổ chức ăn uống và đốt pháo.

6.2. Tập tục


Ngoài ra, người Sán Dìu còn có nhiều tập tục kiêng kỵ phiền toái. Người con dâu muốn đưa con cho bố chồng và anh chồng phải đặt con xuống giường, ít khi đưa con trực tiêp trên tay. Phụ nữ không ngồi trước bàn thờ, không ngồi ở cửa ra vào, không ăn cùng mâm với nam giới.
Trong một năm, một gia đình không được thêm hai người. vd: nếu đẻ con thì không cưới dâu, và ngược lại.
Đăc biệt, đối với nhà bếp (nơi có ma bếp) không được phơi quần áo, chăn, màn , chiếu… và không được hông quần áo trên củi, đuốc. Không được đun củi bẩn hoặc rây tiết gà, vịt, lợn trâu, hoặc vứt lòng gia súc, vắt, đỉa vào bếp sợ uế tạp.
Hiện nay, trên đà tiến bộ chung, những tập tục kiêng kỵ đang bị bỏ dần.

6.3. Tập quán

Người Sán Dìu có tập quán ăn trầu nhuộm răng. Như phụ nữ Sán Dìu ở các xã Quang Sơn, Bắc Bình huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.      
Lá trầu để ăn gồm hai loại: trầu không và trầu rừng, lá trầu rừng là một loại dây leo bám giống như cây trầu không, nhưng lá mỏng hơn, mùi hắc hơn so với lá trầu không ở nhà. Cùng với miếng trầu còn có miếng cau, thuốc lào, vôi tôi quệt vào lá trầu và miếng vỏ cây có chất chát hợp với lá trầu, tuỳ theo sở thích và thói quen của từng người. Vỏ cây có thể là vỏ tràm, vỏ khoai, vỏ cáu béo, vỏ mương.
Trong mỗi gia đình người Sán Dìu thường có bình vôi, một lon nhỏ đựng trầu, một lon nước để trong buồng hay cạnh góc bếp để ngâm các khúc cáu vỏ đỏ, hay một vài thanh vỏ mương để trên gác bếp. Đó là phụ gia quan trọng để ăn trầu của phụ nữ Sán Dìu. Khi không có vôi, người ta có thể dùng vỏ trai, vỏ ốc đốt thành tro để quệt vào lá trầu thay thế. Miếng trầu của phụ nữ Sán Dìu ngoài tác dụng giải trí, nó còn là phương tiện tiếp khách rất hấp dẫn, thể hiện sự hiếu khách của các bà, các cô. Miếng trầu là đầu câu chuyện của người Việt cũng đúng với ý nghĩa sinh hoạt của người phụ nữ Sán Dìu. Con gái Sán Dìu chưa chồng ngày xưa khi bạn trai đến chơi, họ cũng đem túi trầu ra mời. Đối với các cụ bà tuổi cao, răng yếu còn được con cháu sắm cho một bộ cối giã trầu, một hộp bằng đồng đựng trầu, một lọ vôi nhỏ, một hộp nhỏ đựng thuốc lào. Nước trầu còn có tác dụng đánh cảm cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh bị sài đẹn, người mẹ ăn miếng trầu cho đủ vị nhai kỹ, sau đó nhổ nước trầu vào lòng bàn tay xoa nhẹ lên trán, ngực, vai, lưng đứa trẻ thì giải được cảm đẹn.
Cùng với thói quen ăn trầu, người Sán Dìu đã thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của dân tộc mình ở đó. Mỗi người đều tự sắm sửa cho mình một chiếc túi đựng trầu cau làm bằng vải. Túi đựng trầu cau có hình múi bưởi, được may và trang trí thêu thùa rất công phu, dài khoảng 15 cm, đó cũng là một cách để thể hiện tài năng thêu thùa, may vá của chị em. Túi thêu bằng chỉ màu, được luồn từ 4-8 sợi dây tết bằng chỉ nhiều màu. Đầu dây tết nút và có tua dài đeo một chuỗi xu đồng vắt qua vai ra sau lưng giữ lấy túi trầu.
Bên cạnh túi trầu còn phải kể đến một con dao bổ cau với cái vỏ gỗ được trạm khắc rất công phu đẹp mắt, thường được chị em phụ nữ Sán Dìu đeo bên thắt lưng vào những dịp hội hè, tết nhất. Túi trầu còn là đồ vật trang sức và làm duyên của phụ nữ Sán Dìu.
Tục ăn trầu của người Sán Dìu là một nét đẹp văn hóa có từ xa xưa, vì vậy rất cần được quan tâm và lưu giữ.

1 nhận xét: